“Để lan toả văn hoá đọc, chúng ta cần bắt đầu từ nhà trường. Đây là việc làm rất cần thiết”, TS Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Thái Hà Books bày tỏ quan điểm.
Tôi đang có mặt tại một trong những hội sách lớn của khu vực – Hội sách quốc tế Malaysia lần thứ 40. Tham dự với tư cách là Đại sứ Hội sách Bản quyền ASEAN, tôi được gặp gỡ, giao lưu, diễn thuyết nhiều vấn đề, nhất là xuất bản và văn hóa đọc tại Việt Nam.
Tại đây, tôi ấn tượng nhất cảnh xếp hàng dài để thanh toán, xin chữ ký tác giả và những vali, xe đẩy được mang theo đựng sách. Thật sự thích thú khi thấy phần lớn bạn đọc mua sách rất trẻ, dưới 25 tuổi và nhiều cha mẹ đưa con đi cùng.
Hasri Hasan – Giám đốc dự án Đại sứ Hội sách Bản quyền ASEAN cho biết đây là kỳ nghỉ hè, học sinh đi mua sách rất đông. Ở đất nước này, mua gì có thể từ chối chứ tiền mua sách thì phụ huynh nào cũng sẵn sàng chi.
Trước khi rời Việt Nam bay đi Kuala Lumpur tôi đọc và được biết về câu chuyện “phạt đọc sách, viết cảm nhận” của thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân.
Trước hết, là người đam mê đọc, nhiều năm tâm huyết với công việc xuất bản, đi lang thang khắp thế giới mua những cuốn sách hay nhất về giới thiệu tại Việt Nam để lan tỏa văn hóa đọc, tôi cảm ơn thầy giáo Huỳnh Thanh Phú đã tìm ra cách làm đặc biệt giúp học sinh chăm đọc sách.
Thái Hà Books là đơn vị đưa ra chương trình Khuyến đọc Việt Nam cùng rất nhiều phương thức khuyến khích các bạn trẻ đọc sách, tuy nhiên khi biết đến cách làm mới lạ và táo bạo này, chúng tôi vẫn bất ngờ. Tâm của thầy rất lớn, muốn trò chịu khó đọc hơn dù nhiều người không đồng tình, thậm chí phản đối.
Tuy có thể đây là con dao 2 lưỡi, nhưng tôi ủng hộ cách làm của thầy Phú. Điểm hay nhất ở đây là các con viết bài giới thiệu, có nghĩa bắt buộc phải đọc thật sự. Như vậy, mỗi em được rèn luyện kỹ năng: đọc, viết, tổng hợp kiến thức và trình bày.
Phạt luôn là phương pháp để các con nhận ra lỗi, chuộc lỗi, không tái phạm. Nhiều hình phạt rất nặng, nhưng phạt đọc sách thì nhẹ nhàng và nhân văn. Tôi mong nhiều ngôi trường học theo, các gia đình nên nghiên cứu cách làm này để áp dụng.
Hơn chục năm trước, khi đọc thông tin ở Brazil, tù nhân được giảm án 48 ngày/năm nếu đọc 12 tác phẩm văn học, triết học và khoa học. Ngay lập tức, tôi viết thư đến Cục quản lý trại giam và Bộ Công an đề nghị học theo với hy vọng ngày gần nhất, Việt Nam sẽ có hình phạt như thế. Hoặc chí ít, từ ý tưởng này, việc mang sách vào nhà tù được ủng hộ rộng rãi.
Ý tưởng phạt đọc sách của thầy Phú, theo tôi không nên khống chế loại sách cụ thể nào. Bởi theo kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm nay, tôi thấy văn hóa đọc phát triển được do nhiều yếu tố: sách hay, chất lượng và đẹp; kỹ năng đọc sách; ứng dụng từ việc đọc; cảm hứng khi đọc.
Nếu giáo viên tranh thủ hướng dẫn các em cách đọc sách, kể về những tác phẩm yêu thích, cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời của chính mình thì tốt hơn nhiều. Thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh cần gương mẫu trong việc đọc và ứng dụng sách vào công việc, cuộc sống.
Thiết nghĩ, hình phạt đọc sách cũng nên áp dụng vào các cơ quan, doanh nghiệp. Ở đây, đối tượng bị phạt là những người đã trưởng thành, ý thức tốt hơn.
Cuối cùng tôi muốn nói về đất nước Indonesia đông dân nhất khối ASEAN. Năm 2014, khi tham gia phiên họp lãnh đạo Hội xuất bản của khối, tôi được nghe về hoạt động đọc sách 15 phút trước giờ học tại các trường học ở đây, mỗi lớp đều có 1 tủ sách.
Muốn lan tỏa văn hoá đọc, chúng ta cần bắt đầu từ nhà trường. Đây là việc làm rất cần thiết. Tôi kêu gọi nhà trường, gia đình và ngành giáo dục nhận ra vấn đề, triển khai càng sớm càng tốt.
nguồn: zingnews
Có thể bạn muốn xem
Tết chiến trường trên đất Chùa Tháp
Làm ba mẹ bắt đầu từ đâu?
Lời hứa về một cây bút chì
Hãy ‘Gieo hạt mầm tử tế’ và nuôi dưỡng ‘Những chồi non hi vọng’ cuộc sống sẽ luôn diệu kỳ
Lời thề Budapest
Ở thị trấn cứ 100 người có 1 tiệm sách
Tài liệu mật: Hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc
Ra mắt sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam
Sự sống bất tử