Theo BookRiot, Gen Z ngày nay có xu hướng đọc khác trước, chịu ảnh hưởng nhiều từ BookTok, đọc đa dạng hơn…
Đi sâu vào các nghiên cứu và báo cáo thu thập dữ liệu về tình trạng đọc của những người từ 26 tuổi trở xuống, BookRiot cho biết Gen Z có nhiều mọt sách. Họ thực sự thích đọc!
Tính đa dạng được đề cao
Wattpad đã công bố một báo cáo vào tháng 12/2022 về thói quen đọc sách của thế hệ này và 55% Gen Z được hỏi cho biết họ đọc mỗi tuần một lần trở lên và 40% đọc mỗi ngày. Khoảng 35% thậm chí còn đọc nhiều hơn so với hai năm trước.
Với độc giả Gen Z, yếu tố đa dạng rất quan trọng. Đa dạng sắc tộc, đa dạng tính dục… 79% Gen Z muốn thấy đại diện của các nhóm thiểu số trong sách và điều này sẽ tác động đến quyết định đọc sách của họ. Con số này cao hơn nhiều so với các thế hệ trước, Millennials là 66%, Gen X là 53% và Boomers chỉ 34%.
Gen Z cũng có xu hướng chủ động tìm đến những sản phẩm mang lại tiếng nói cho các nhóm yếu thế.
Xét về doanh số bán sách nói chung, BookRiot cũng báo cáo rằng đang ngày càng nhiều người đọc sách hơn và doanh số bán sách toàn cầu cũng rất khả quan. Trong đó, độc giả Gen Z đóng một phần không nhỏ.
Mặc dù doanh số bán hàng đã giảm 6,5% vào năm 2022, so với mức tăng kỷ lục vào năm 2021, Publishers Weekly đã báo cáo con số rất đáng nể – 788,7 triệu cuốn sách bán ra vào năm 2022. Sách bìa mềm thương mại thực sự bán được nhiều hơn so với bình thường (chiếm 60% doanh số bán hàng) và doanh số bán bìa cứng giảm 3%.
Mặc dù 67% độc giả Gen Z cho biết họ đọc trên thiết bị di động, doanh số bán sách bìa mềm đó phần lớn là do độc giả Gen Z mua.
Ở Vương quốc Anh, con số này thậm chí còn cao hơn: Nielsen BookData báo cáo rằng đến 80% sách in bán ra là do độc giả 13-24 tuổi mua.
Sách giấy vẫn được ưu ái
Độc giả Gen Z rất thích sách giấy. Trong năm 2022, chỉ 14% độc giả Gen Z mua sách điện tử. Theo Business Insider, những lý do cho sự ưu ái này là họ yêu mùi sách giấy, khả năng sắp xếp một bộ sưu tập sách, mua được các bản đặc biệt, thú vui được ghi chú và đánh dấu vào sách… Một số độc giả Gen Z còn cho biết họ cảm thấy đọc sách điện tử nhanh mỏi mắt và đọc sách in khiến họ thấy thư giãn hơn.
Ngày càng có nhiều thanh niên trong độ tuổi 16-24 tham gia trào lưu cai nghiện kỹ thuật số để giảm tiếp xúc với mạng xã hội. Sự thay đổi trong thói quen đọc sách này cũng bổ sung cho xu hướng ấy.
Một kết quả tích cực khác từ xu hướng này là sự ủng hộ mạnh mẽ họ dành các hiệu sách và thư viện độc lập. Độc giả Gen Z có ý thức hơn về việc tiền của họ sẽ đi đâu và lựa chọn đầu tiên của họ dường như là hỗ trợ các hiệu sách địa phương thay vì mua từ các nhà bán lẻ trực tuyến lớn như Amazon.
Sức mạnh của BookTok
Sự trỗi dậy của BookTok có tác động lớn tới thói quen đọc sách của Gen Z, khiến cho ngày càng nhiều Gen Z đọc sách hơn cũng như đọc nhiều sách giấy hơn.
Gen Z thường tận dụng nền tảng này để tìm các đề xuất đọc cũng như để đề xuất cuốn sách yêu thích, đăng bài đánh giá, xây dựng cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm đọc với nhau. Tính đến nay, hashtag #booktok đã thu hút hơn 80 tỷ lượt xem.
Theo khảo sát của Hội Xuất bản Anh, 68% độc giả Gen Z cho biết BookTok đã truyền cảm hứng đọc sách cho họ. 49% trong số những độc giả đó sẽ đến hiệu sách thực để mua những cuốn sách họ thấy hứng thú sau khi xem trên BookTok. 55% độc giả Gen Z sử dụng BookTok để tìm kiếm đề xuất đọc sách.
Đa dạng thể loại
Gen Z sẵn sàng thử nghiệm với các thể loại sách. Trong nỗ lực tìm kiếm những câu chuyện đa dạng hơn, 83% độc giả Gen Z hoàn toàn bỏ qua những cuốn sách truyền thống và chuyển sang truyện tranh web, tác phẩm tự xuất bản, tiểu thuyết nhiều kỳ và văn học mạng.
Theo BookRiot, Gen Z đọc nhiều thể loại hơn so với các thế hệ trước.
Thể loại phổ biến nhất với Gen Z là tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên (YA). Tiếp đó là tiểu thuyết tình cảm (Romance) và Khoa học – Kỳ ảo (Fantasy and Sci-fi). Tiểu thuyết kinh dị (Horror) cũng được ưa chuộng không kém: đến 38% độc giả Gen Z tìm đọc thể loại này. Và cuối cùng là truyện hành động/siêu anh hùng (Superhero/action) với 34% Gen Z tìm đọc.
Nhìn chung, Gen Z được đánh giá là thế hệ đọc nhiều và đọc rộng.
Có thể bạn muốn xem
Khám phá trời Tây cùng nhà báo Lưu Đình Triều
Tất cả trên một trang giấy – Kĩ thuật tóm tắt học được từ Toyota
Nước Mỹ (Kẻ mất tích) – Hành trình kiếm tìm tự do của kẻ lưu vong cô độc
Apple Still Seems To Think That Only It Could Possibly Have An Apple Shaped Logo
Mất kết nối: Khám phá các nguyên nhân thực của Trầm cảm và các giải pháp bất ngờ
Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn ‘lì xì’ độc giả
Chiến tranh và chiến tranh
Hôm nay tôi thất tình
Tình nghĩa Sài Gòn: Sài Gòn mùa Giáng sinh