Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, lâu nay, các nhà văn ít viết về văn học thiếu nhi. Họ đặt những vấn đề lớn của thời đại, các vấn đề lớn của xã hội cho nên khi chạm vào văn học thiếu nhi thì lúng túng. Họ mang vào trang viết cho thiếu nhi sự cồng kềnh của người lớn, trong khi viết cho thiếu nhi lại cần sự trong sáng, ngây thơ, trí tưởng tượng phong phú và kỳ diệu. 

Độc giả nhí chọn mua sách

“Họa sĩ khi giữ được phần nào cô, cậu bé trong lòng mình, trong cái nhìn mới tạo được sự hấp dẫn khi tạo hình cho trẻ em. Việc níu giữ độc giả lật từng trang sách không chỉ phụ thuộc vào mỗi nhà văn, mà còn phụ thuộc vào họa sĩ”. Đó là chia sẻ của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, với mong muốn lấp đầy những khoảng trống về sách cho tuổi thơ.

Hiện thực hóa giấc mơ của trẻ

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, kể: “Mấy chục năm trước, đám trẻ con chúng tôi rất biết ơn chúng bạn sơ tán về vùng quê, khi đã mang theo những cuốn sách mà đối với trẻ con ở quê là một thứ xa xỉ, nhất là những cuốn sách dành riêng cho trẻ thơ”. Còn bây giờ, ông cũng nhận định, nhiều sách dành cho thiếu nhi của Việt Nam đã đẹp ngang bằng những cuốn sách trên thế giới. Đóng góp quan trọng để hoàn thiện một cuốn sách, ngoài nội dung, chữ viết và hình ảnh, còn có các họa sĩ – người đã mang đến những minh họa sống động, góp phần hoàn thiện trọn vẹn một cuốn sách cho trẻ em. 

“Những năm gần đây, tác phẩm viết cho thiếu nhi Việt Nam dần đầy thêm trên kệ sách, có những cuốn được tặng Giải thưởng Sách quốc gia. Thế nhưng, khoảng trống về truyện tranh Việt Nam vẫn chưa thể lấp đầy. Tôi cho rằng, những bộ truyện này rất quan trọng, nó sẽ đưa trẻ con đến gần những vấn đề chúng ta mong muốn giáo dục. Trước kia, chúng ta có thể hướng dẫn trẻ con theo cách thức khác nhưng không hiệu quả, hết sức khô cứng và áp đặt. Những bộ truyện tranh Việt có tính giáo dục cao sẽ dẫn dắt bọn trẻ bằng con đường tự nhiên và phù hợp với tâm sinh lý của trẻ”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều phân tích.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, cho rằng, sự dịch chuyển của hình thức truyền thông từ dạng thức văn bản sang hình ảnh đã tác động mạnh mẽ đến thói quen tiếp nhận thông tin, trong đó có thói quen đọc sách. “Có rất nhiều trăn trở về văn hóa đọc, nhiều thử thách đặt ra với công việc sáng tác, và không thể không lo lắng trước sức mạnh của quyền lực mềm cũng như xâm lấn văn hóa. Nhưng chính những thay đổi và thách thức ấy cũng khiến  người viết, người vẽ và người làm xuất bản phải đổi mới, phải thích nghi và sáng tạo hơn nữa”, bà Quỳnh Liên nhấn mạnh.

Bước tiến mới của truyện tranh 

Cuộc bắt tay của tác giả Nhật Bản – xứ sở của truyện tranh manga – với NXB Kim Đồng qua tác phẩm Sơn Goal mở ra cơ hội có thêm nhiều tác phẩm truyện tranh của người Việt và cho độc giả Việt. Bà Quỳnh Liên cho biết, dù tác giả là người Nhật nhưng đội ngũ biên tập của NXB Kim Đồng, các chuyên gia của Việt Nam đóng góp ý kiến để điều chỉnh nội dung cho phù hợp và chuẩn xác nhất. Nhân vật chính tên Sơn là người Brazil gốc Việt. Cậu có hành trình về Đà Nẵng quê mẹ, tại đây Sơn kết giao với Phong. Bọn trẻ gặp nhau ở niềm đam mê bóng đá, cùng dẫn dắt đội bóng chạm tới thắng lợi. Và không chỉ Đà Nẵng, tác giả còn đưa Sơn và các nhân vật tới nhiều địa danh trong cả nước như chợ Bến Thành (TPHCM) hay Hồ Gươm (Hà Nội).

Sơn Goal là dự án truyện tranh với những nhân vật Việt, câu chuyện của người Việt và bối cảnh Việt Nam được ấp ủ từ vài năm nay. Tác giả người Nhật và đối tác xuất bản Nhật Bản sang Việt Nam bàn thảo ý tưởng. Họ chọn đề tài về thể thao Việt Nam mà cụ thể là bóng đá – môn thể thao được nhiều người yêu thích, xem như một thứ ngôn ngữ gắn kết. “Nếu mua bản quyền truyện tranh, chúng tôi chỉ cần lo khâu dịch thuật, kỹ thuật, mỹ thuật và phát hành. Đối với bộ truyện Sơn Goal, chúng tôi được xây dựng từ gốc, nghĩa là từ đóng góp về ý tưởng kịch bản, chỉnh sửa sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam”, ông Đặng Cao Cường, Trưởng Ban biên tập sách Comic (NXB Kim Đồng), chia sẻ.

Nhìn hàng dài các bạn đọc nhỏ tuổi, cha mẹ thậm chí ông bà của các em xếp hàng từ sớm trước các hiệu sách vào ngày phát hành truyện tranh cho thấy dư địa của mảng này vẫn vô cùng tiềm năng. Để lấp đầy khoảng trống truyện tranh Việt, hoặc rộng hơn có thể xem đó là mảnh đất màu mỡ cho tác giả và nhà xuất bản, không thể chỉ trông chờ vào sự sáng tạo riêng lẻ của tác giả nội dung, họa sĩ. Mỗi nhà xuất bản phải tính tới câu chuyện nuôi dưỡng ý tưởng, chăm bẵm để cho ra đời những bộ truyện tranh ăn khách. Kho tàng tác phẩm của Việt Nam rất lớn, có nhiều tiềm năng để chuyển thể sang truyện tranh và kho tàng ấy vẫn đang đợi chờ tiếp tục được khai phá.

MAI AN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/niu-giu-doc-gia-nho-tuoi-qua-tung-trang-sach-817185.html