Nhà văn người Mỹ gốc Việt trong cuộc phỏng vấn với The Guardian đã chia sẻ về ý niệm đưa sự nghiệp sáng tác đến một cái kết có ý nghĩa.

Ảnh chụp Ocean Vương tại nhà riêng ở Northampton, Massachusetts năm 2019. Ảnh: Doug Levy/The Observer.
Ảnh chụp Ocean Vương tại nhà riêng ở Northampton, Massachusetts năm 2019. Ảnh: Doug Levy/The Observer.

Ocean Vương là nhà văn, nhà thơ người Mỹ 34 tuổi. Anh sinh ra tại TP.HCM, lớn lên tại Hartford, Connecticut. Anh đã xuất bản 2 tập thơ và một tiểu thuyết. Độc giả Việt Nam biết đến Ocean Vương nhiều nhất qua tiểu thuyết On earth we’re briefly gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian).

Trong lần trả lời phỏng vấn với Guardian gần đây, Ocean Vương đã chia sẻ về những quan điểm của mình trong sáng tác văn chương.

Theo Ocean Vương, không có nhiều cách để một nhà văn tìm tòi, sáng tạo trong thể loại, cấu trúc. Sau quá trình giảng dạy về viết sáng tạo tại Đại học New York, anh nhận ra những giới hạn trong khái niệm “phong cách”. Dù vậy, anh một mực tin vào lý tưởng viết giàu trí tưởng tượng đến từ một “tác phẩm hư cấu tối cao” theo quan niệm của Wallace Stevens.

Đó là sáng tác như tạo tác một tác phẩm nghệ thuật, tiếp năng lượng và biến đổi sự thật trong ký ức bằng trí tưởng tượng.

Ocean Vương cho rằng viết theo kiểu hồi ký sẽ đem lại nhiều hạn chế. Anh phân biệt rạch ròi giữa hồi ký và tự truyện. Với Ocean Vương, tự truyện là viết về bản thân, dù vậy, tác phẩm của anh không chỉ là thuật lại kinh nghiệm của anh mà là sự tìm kiếm, khám phá từ kinh nghiệm.

Tập thơ mới nhất Time is a mother là tác phẩm khiến Ocean Vương tự hào nhất. Anh chia sẻ: “Tôi tự hào không vì cảm thấy tác phẩm đạt được chất lượng hay thành tựu cao mà vì sự thỏa mãn trong tiềm năng nghệ thuật của mình. Với các cuốn khác, tôi luôn cảm thấy chiếc cốc chưa được đổ đầy (chủ yếu là do tôi không đủ can đảm để đi đến cùng, hoặc kỹ thuật viết chưa tới – như yếu tố hài hước). Nhưng với cuốn này, tôi thấy chiếc cốc đã được đổ đầy. Tôi thấy vừa thỏa mãn vừa tiếc nuối”.

“Có phải đây là điểm cực thịnh? Mình đã ngừng phát triển ư? Mình đã bắt kịp với chính mình? Tôi không rõ – nhưng nếu có đúng như vậy thật, thì tôi cũng thấy mãn nguyện”, anh nói thêm.

Anh không cho rằng một nhà văn nên viết cho đến khi chết. Nhìn vào sự nghiệp sáng tác, anh không quan tâm đến số lượng tác phẩm có thể tạo ra mà quan tâm hơn đến chặng đường đến với một tác phẩm có thể khiến anh thỏa mãn và dừng lại một cách có ý nghĩa. Nhà văn nhận định: “Tôi muốn dừng lại đúng lúc hơn là sáng tác không ngừng”.

Cuối cuộc trao đổi, Ocean Vương chia sẻ một vài cuốn sách anh đang đọc: Culture của Terry Eagleton; In Love with the World của Yongey Mingyur Rinpoche; Palm-of-the-Hand Stories của Yasunari Kawabata; Fantasia for the Man in Blue của Tommye Blount; All Our Yesterdays của Natalia Ginzburg; To Anacreon in Heaven and Other Poems của Graham Foust.