Cuốn tiểu thuyết mới của Nguyễn Khắc Ngân Vi tiếp tục hành trình khám phá thế giới nội tâm của những người phụ nữ Việt Nam đương đại.
Nếu trong cuốn sách đầu tay Đàn bà hư ảo – Nguyễn Khắc Ngân Vi đã lựa chọn hình tượng nhân vật là An – một cô gái với những vết thương tâm hồn, hàng ngày phải vật vã, chống chọi với sự day dứt, dằn vặt, những đợt trầm cảm theo cơn, những vết thương về thể xác chồng chéo; thì trong Phúc âm cho một người, Ngân Vi lại lựa chọn hình ảnh bà Khuê – một người phụ nữ trung niên đã có chồng, hai đứa con cũng đều đã lập gia đình.
An của Đàn bà hư ảo có cuộc chiến của riêng mình. Cô chiến đấu với những giấc mơ, nỗi sợ hãi mơ hồ. Cô trả tới chín mươi đô la cho một giờ trị liệu với bác sĩ tâm lý. Nhưng đâu đó cái uẩn ức nơi một cô gái trẻ – gần ba mươi tuổi, với lối sống xa hoa, một anh bạn trai giàu có, vẫn còn.
Bà Khuê thì khác. Bà khác An cả về tuổi tác lẫn hoàn cảnh xã hội. Bà đã già, mà người già thì cuộc chiến của họ là tuổi tác, là bệnh tật, là những nỗi lo lắng về những đưa con mãi mà chưa trưởng thành là vết hằn trong tâm khảm của họ.
Tác phẩm Đàn bà hư ảo của Nguyễn Khắc Ngân Vi.
Gia đình bà đúng ra là gốc Sài Gòn, nhưng sau khi chuyển về một huyện hẻo lánh thuộc tỉnh Đồng Nai, chính xác là ở cái ấp tận cùng của huyện ấy. “Trong cái ấp ấy, người ta sống một cuộc đời không mấy biến động. Một cuộc đời đúng nghĩa, vì thoạt nhìn ai cũng như ai. Ở một nơi thế này chẳng ai mong mình trở nên đặc biệt.”
Hẳn sẽ có những độc giả không theo tôn giáo sẽ thấy lạ lẫm với cụm từ “Phúc âm”. “Phúc âm” hay còn được gọi là Tin Mừng (bởi Công giáo Rôma) hay Tin Lành (bởi các cộng đồng Kháng Cách), là tên gọi chung để chỉ bốn cuốn sách đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong Kinh Thánh Tân Ước, bao gồm: Phúc Âm Mátthêu, Phúc Âm Máccô, Phúc Âm Luca và Phúc Âm Gioan, trong đó các sách Phúc âm Mátthêu, Máccô và Luca được gọi là các Phúc Âm Nhất Lãm. Định nghĩa tốt nhất dành cho “Phúc âm” chính là sứ điệp của sự tha thứ tội lỗi thông qua công tác cứu chuộc của Chúa Jesus Christ.
Với bà Khuê, một con chiên ngoan đạo, bà tin Phúc âm. Bà bám víu lấy Phúc âm như bám víu vào một chiếc phao cứu sinh, hy vọng nó sẽ cứu rỗi cuộc đời bà. Cứu rỗi bà khỏi day dứt ăn năn về một khoản “quỹ đen” giấu chồng, về cuộc tình vụng trộm với ông bác sĩ, khỏi nỗi đau do bệnh tật mang lại…
Người đàn bà ấy sống cùng một ông chồng nhàm chán, nhu nhược, một đứa con trai không tương lai, vô công rồi nghề, cờ bạc, tán gia bại sản, một cô con dâu trầm lặng, cam chịu, một cô con gái nổi loạn thách thức.
Con có những đứa con, nhưng chẳng trông chờ được gì.
Vậy bà còn gì? Còn gì ngoài niềm tin vào Chúa trời trên cao.
…hãy ăn năn và tin phúc âm.
Nỗi tuyệt vọng, chúng luôn có ở đấy từ khi niềm hy vọng vừa được khởi sinh. Và nỗi bất hạnh của con người không chỉ là cơn đói. Niềm hy vọng là bất hạnh lấp lánh nhất của thế giới này.
Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Khắc Ngân Vi Phúc âm cho một người.
Bà cứ mãi hy vọng, cứ mãi kỳ vọng vào một tương lai xa thẳm nào đó tốt đẹp hơn, nhưng thực tế lại dội cho bà những gáo nước lạnh buốt đến tỉnh người. Càng kỳ vọng bao nhiêu càng thất vọng bấy nhiều. Nếu gọi đó là trò đời, chắc cũng không quá ngoa ngoắt.
Nhưng suy cho cùng, bà Khuê vẫn giữ mãi kỳ vọng đó, đức tin đó. Bà tin rằng Phúc âm sẽ cứu lấy cuộc sống của bà, bà tin vào những điều huyễn hoặc, vào ông chồng vô dụng, vào những đứa con luôn muốn từ bỏ mẹ mình để sống cuộc sống của chính họ.
Tin vào cả vòng tay của Chúa trời.
Vì con người mà mất đi đức tin thì chẳng qua chỉ là đang tồn tại như những cái xác không hồn.
Ta đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi…
theo Anh Thư/Zing.vn