Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để làm sách giả và đối phó với cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà xuất bản.
Sách giả, sách làm không có bản quyền, sách nối bản trái phép… được gọi chung là sách lậu. Sách lậu tồn tại trong giới xuất bản từ lâu, được coi là một căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa.
Sách giả, sách lậu bùng phát với quy mô, tính chất phức tạp
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành – trong những năm qua, hoạt động in, phát hành sách lậu diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp.
“Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Hệ quả của in lậu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật”, ông Bảo nói.
Thống kê của một số nhà xuất bản (NXB), công ty sách chứng minh cho nhận định của ông Ngọc Bảo.
First News – Trí Việt là một công ty quyết liệt trong công tác phòng, chống sách lậu. Đơn vị này có khoảng 1.000 đầu sách, thì họ đã phát hiện tới 668 cuốn bị in lậu. Đại diện đơn vị này nhận định: “Tình hình sách giả tại Việt Nam trong vài năm gần đây trở nên nghiêm trọng và có quy mô lan rộng hơn. Chúng tôi nhận được ngày càng nhiều thư, email, điện thoại bức xúc than phiền về chất lượng sách, giấy in, lỗi chính tả, lỗi in, chất lượng in, hình ảnh lem nhem từ độc giả đã mua sách. Không ngoài dự đoán, sau khi điều tra thì tất cả những chê trách đó đều có nguyên nhân bạn đọc mua phải sách giả”.
Thái Hà Books cũng phát hiện tới 150 đầu sách bị làm lậu, nổi bật như: 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Người nam châm, Chiến thắng con quỷ trong bạn, Đọc vị bất kỳ ai, Nuôi con không phải là cuộc chiến, Tứ thư lãnh đạo, Nhân tố enzyme…
Theo thống kê của NXB Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đơn vị này đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh thành trong nước. Xuất bản phẩm của NXB Giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, át lát địa lý, đĩa CD ROM nghe nhìn giáo dục.
NXB Kim Đồng – một đơn vị có hệ thống phát hành tốt với mạng lưới các nhà sách ở nhiều nơi – vẫn có sách bị làm giả. Những bộ truyện tranh mà đơn vị này phải trầy trật thương thảo, bỏ tiền tỷ ra mua bản quyền đều bị làm giả như Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, Shin- cậu bé bút chì…
Sách lậu ngày càng tinh vi
Chúng tôi phỏng vấn nhiều độc giả khi họ vừa bước ra khỏi cửa hàng sách với cùng một câu hỏi: “Đã bao giờ bạn mua phải sách lậu?”. Phần nhiều độc giả đều trả lời rằng làm sao họ biết được đâu là sách thật, đâu là sách giả để lựa chọn. Chỉ có một vài người thường xuyên mua sách, sưu tầm sách mới để ý tới xuất xứ của xuất bản phẩm.
Với trình độ in ấn hiện đại, sách giả, sách lậu ngày càng trở nên tinh vi, khó phát hiện. Để đối phó với nạn sách lậu, NXB Kim Đồng dán tem ở trang bìa 4 của sách. Tuy nhiên, các cuốn Doraemon lậu cũng được dán tem khá giống với tem thật khiến cho chính nhân viên NXB Kim Đồng cũng phải ngỡ ngàng với trình độ làm giả.
Khi sử dụng phần mềm check code để kiểm tra mã vạch trên một cuốn Đắc nhân tâm lậu, phần mềm này không phát hiện ra đó là ấn bản giả. Điều đó cho thấy sách lậu được làm tinh vi từ những chi tiết nhỏ, kể cả mã vạch.
“Sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện những chi tiết như: bìa mờ nhạt hơn một chút, giấy bìa và ruột sách mỏng hơn vài %, chữ in không sắc nét, mực in không đều, hơi lem nhem chỉ ở những trang có chữ to, trang bìa lót, trang lưu chiểu cuối và những trang có hình ảnh minh họa”, ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc công ty First News Trí Việt – nói.
Để đánh lừa độc giả, các trùm in lậu cho sắp chữ lại hoàn toàn giống sách thật. Tuy vậy, các cơ sở làm lậu không bỏ công sức vào những khâu như đọc lỗi chính tả, biên tập… Chỉ tới khi đặt hai cuốn sách thật, sách giả đối chiếu từng trang, độc giả mới có thể phát hiện ra được.
Ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc công ty First News – nhận định phân biệt sách giả là “một công việc mà bất kỳ độc giả bình thường nào cũng không có khả năng thực hiện do thiếu thời gian và sách thật để đối chứng”.
Không chỉ in ấn tinh vi, sách lậu giờ đây còn được phát hành dưới nhiều hình thức. Theo đại diện Thái Hà Books, trước đây sách lậu thường được bày bán tại một số địa điểm như khu Trần Quốc Hoàn, Phạm Văn Đồng, đường Láng (Hà Nội), Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Hai, Điện Biên Phủ (TP.HCM)… Tuy nhiên giờ đây, sách lậu có nhiều kênh để phát hành.
Mạng Internet phát triển cho phép mỗi tài khoản dùng mạng xã hội có thể bán sách, trong đó có cả những người bán sách giả. Các chợ thương mại điện tử cho thuê gian hàng đều có thể bị những người bán sách lậu lợi dụng, giao dịch xuất bản phẩm bất hợp pháp. Bên cạnh đó, những bản ebooks không bản quyền cũng bị phá tán tràn lan trên mạng Internet gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giới làm sách chân chính và các tác giả.
Có thể bạn muốn xem
Bay qua Hồ Gươm
Xúc động với những lời tâm sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi con trai
Vắng cha, con trai lạc lối
Đạo đức trong kinh doanh: Nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững
Giải bài toán hạnh phúc xây dựng con đường đến niềm vui của bạn
26 cuốn sách, bộ sách được lọt vào đề cử Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V
Phong tục cưới hỏi của người Si La, tỉnh Lai Châu
Tương lai sau đại dịch Covid
Ra mắt bộ sách về 8 danh họa vĩ đại của thế giới