Cuốn sách là một chuyên luận lịch sử được tác giả dày công tìm tòi, tích lũy, tập hợp, giải mã những số liệu, sự kiện, biến cố lịch sử, từ những nguồn sử liệu trong nước và nước ngoài (đặc biệt các nguồn tài liệu lưu trữ của chính quyền thực dân Pháp, các hồi kí của các nhà hoạt động cách mạng người Việt ở Lào) để cung cấp cho bạn đọc một cách hệ thống, chi tiết về một khía cạnh quan trọng của lịch sử Lào cũng như những biểu hiện bước đầu của quan hệ đoàn kết Lào – Việt.

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Nhà xuất bản: NXB Khoa Học – Xã Hội
Công ty phát hành: Trường Phương Books

Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung không đề cập đến mọi mặt hoạt động của người Việt ở Lào trong giai đoạn 1893 – 1945, mà chỉ tập trung vào khía cạnh quá trình di cư và hoạt động chính trị – xã hội của họ. Đọc cuốn sách của tác giả, độc giả có thể lý giải được vì sao giai đoạn này người Việt lại sang Lào đông đảo như vậy? Các hình thức di cư của người Việt đến Lào như thế nào? Vì sao đa số người lao động Việt lại đi theo cách mạng, đoàn kết với nhân dân các bộ tộc Lào chống thực dân Pháp? Hình thức, qui mô đấu tranh chống thực dân Pháp của người Việt ở Lào. Đồng thời, bạn đọc còn hiểu rõ hơn về chính sách cai trị và khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp ở Lào cũng như ở Đông Dương; thấy được dưới tác động từ chính sách cai trị của chính quyền thuộc địa, người Việt di cư đến Lào đông đảo, làm nhiều nghề khác nhau và phân hóa thành hai bộ phận: Một bộ phận nhỏ đi theo, làm việc cho chính quyền thực dân Pháp và một bộ phận lớn đi theo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.