Ở trong mỗi chúng ta! Có đúng vậy không? Đã hàng ngàn đời nay từ bậc vua chúa, tổng thống, thủ tướng, các ông chủ những tập đoàn giàu có, đến các ông bố, bà mẹ, đến những người lao động bình thường đều mong có một chút quyền, một chút thôi, hay quyền lực vô biên!
“Đối với chúng ta quyền lực có ý nghĩa gì? Tại sao ai cũng tìm mọi cách để đạt cho được quyền lực? Cho dù không để ý, nhưng phần đông chúng ta luôn cố đạt cho được một địa vị có quyền lực bởi vì ta tin rằng quyền lực giúp ta làm chủ được cuộc sống, đem lại cho ta tự do và hạnh phúc – những gì ta mong muốn nhất” – mở đầu cuốn sách “Quyền lực đích thực” tác giả Thích Nhất Hạnh đã viết như vậy.
Quyền lực, chuyện của muôn đời. Lịch sử đã chứng kiến biết bao tấn bi kịch do giành giật quyền lực mà dẫn đến những cuộc chiến tranh, sát phạt đẫm máu, huynh đệ tương tàn, đất nước bị phá hủy; Từ đông sang tây, từ nam đến bắc, đã và đang không ngừng diễn ra…
Quyền lực là gì? “Xã hội chúng ta được xây dựng trên một khái niệm rất hạn hẹp về quyền lực, đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị”…
“Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giầu sang không phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng, chúng ta theo đuổi quyền lực hay danh tiếng, tiền tài là để được hạnh phúc. Nếu giàu có và quyền lực mà không hạnh phúc thì giàu có và quyền thế để làm gì?” – Thích Nhất Hạnh viết.
Vấn đề là ở chỗ quyền lực để làm gì? Sử dụng quyền lực thế nào? Nó có mang lại hạnh phúc cho chính người có quyền lực hay không?
“Ai có quyền lực bằng tổng thống Mỹ? Tổng thống G. W. Bush chẳng hạn. Là tổng tư lệnh một lực lượng quân sự hùng mạnh bậc nhất, là vị lãnh đạo quốc gia giàu có nhất thế giới… Nhưng, tôi tin chắc rằng dù với bao nhiều cái gọi là quyền lực trong tay, tổng thống vẫn cảm thấy bất lực và đau khổ… Tôi không nghĩ rằng Tổng thống Bush thường ngủ được yên giấc. Bởi cuộc chiến Iraq, bởi suy thoái kinh tế…”.
Tác giả Thích Nhất Hạnh đã dẫn dụ một thực thể, cũng như trong cuốn sách của mình, ông đã đề cập đến nhiều câu chuyện cụ thể về những người tưởng như có quyền lực vô biên nhưng vẫn không đạt được hạnh phúc thực sự.
Triết gia Jean Jacques Rousseaw đã viết: Người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để mãi mãi ở vị trí lãnh đạo, trừ khi người ấy chuyển đổi sức mạnh thành lẽ phải, và chuyển đổi sự khuất phục thành bổn phận.
Đúng vậy. Sử dụng quyền lực không đúng sẽ nhận lấy sự chống đối từ phía những người dưới quyền. Khi một bên thâu tóm quyền lực và một bên không có quyền lực thì bên không có quyền lực có xu hướng nổi loạn. Sự cách biệt quá lớn giữa dân tộc này và dân tộc khác, giữa nhóm người này với nhóm người khác sẽ làm cho quyền lực bấp bênh. Nhiều người nắm được quyền lực nhưng vẫn cảm thấy bất an.
Ấy vậy, như trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người cố “chạy” cho được những chức này, chức khác, bởi vì theo suy nghĩ thường tình, có chức thì có quyền, có quyền thì có tiền, có tiền thì “mua tiên cũng được” – nghĩa là, có tất cả!
Ở đâu cũng vậy, mục đích cuối cùng của con người là mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng, cho muôn dân. Tác giả Thích Nhất Hạnh, trong cuốn sách “Quyền lực đích thực” đã phân tích, lý giải, trình bày bằng những ví dụ sinh động, từ những con người đang sống hôm nay cho đến những dẫn dụ từ thời xa xưa.
“Bhaddiya một quan chức cao cấp của Vương quốc Sacya. Nhưng, ông đã từ bỏ tất cả để xuất gia. Một hôm, đang ngồi thiền, Bhaddiya bỗng thốt lên: Ôi, hạnh phúc của tôi… đến ba lần.
Bụt gọi Bhaddiya tới và hỏi lý do. Ông trả lời: “Kính bạch thế tôn, khi con còn tại chức, con có rất nhiều quyền hành và tiền bạc. Con có những đội quân bảo vệ. Con muốn mua gì cũng được. Nhưng con không hạnh phúc vì con luôn sợ hãi. Con là nạn nhân của ganh tị, sợ sệt, ghét bỏ và tham lam. Bây giờ, con không còn lo sợ hay phiền não nữa. Con không có gì để mất, không sợ bị ai sát hại, không cần vệ sỹ bảo vệ. Chưa bao giờ con được tự do và bình an như thế. Vì hạnh phúc quá nên con thốt lên như vậy”.
Khuyên ta từ bỏ tất cả để xuất gia ư! Không! Tác giả Thích Nhất Hạnh viết “Nếu kiếm lợi nhuận mà đem lại an vui thì việc làm của ta không có gì sai trái. Ta có thể vẫn kiếm lợi nhuận mà không tàn lụi, mà phát huy công bằng xã hội, đem lại hiểu biết và giảm thiểu khổ đau… Muốn thế, phải ngưng chạy theo quyền hành, tiền tài, danh vọng và sắc dục. Bốn thứ ấy đi liền với nhau. Không thực tập chánh niệm, ta sẽ là nạn nhân của chúng”.
Vậy Chánh niệm là gì? Xin đọc hết cuốn sách này sẽ rõ.
Bụt nói “Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại”. Nếu đánh mất hiện tại thì sẽ đánh mất cuộc sống! Nếu ta quá ưu tư về quá khứ, quá lo nghĩ về tương lai, để luôn đắm chìm trong sự bất an, ta sẽ không có hạnh phúc, dù là người có nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều danh tiếng…
Quyền lực đích thực là gì? Làm sao để có nó? Nó ở đâu? Lần theo những câu hỏi đó, mỗi chúng ta, gấp cuốn sách lại, sau khi đã đọc xong gần 300 trang sách “Quyền lực đích thực”, ta sẽ hiểu rằng, tất cả nằm trong mỗi chúng ta.
Quyền lực đích thực, phải là thứ quyền mang lại hạnh phúc cho bản thân ta, cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội. Nó luôn gắn với sự an lành, nhất là trong xã hội hiện tại, trong sự quay cuồng của cuộc sống, sự khó khăn của nền kinh tế thế giới thời kỳ suy thoái…
Với tôi, cuốn sách “Quyền lực đích thực” đã khơi dậy nhiều ý niệm mà lâu nay bị che lấp, đem lại cho tôi những dẫn dụ để đến với hạnh phúc đích thực, đến với sự an lành trong tâm hồn, trong cuộc sống.
Dương Phạm
Theo: Tiền Phong
Có thể bạn muốn xem
Xử lý những suy nghĩ tiêu cực
Công bố 10 cuốn sách đáng đọc nhất dành cho doanh nhân
Communication – Khéo ăn khéo nói khéo thành công
Tư Duy Phi Thường: Minh Triết Cho Đời Sống Thường Nhật
“Những giấc mơ bay tự do” và bài học từ những chuyến đi cũ
Nghệ Thuật Thất Truyền Về Giao Tiếp Với Thiên Nhiên
Pháp môn hạnh phúc – Sự nghiệp
Những đòn tâm lý trong thuyết phục
Phố chất đầy năm tháng