Xu hướng công nghệ thay đổi liên tục. Giới xuất bản phải chạy đua với thời gian để cho ra mắt những cuốn sách công nghệ bám sát dòng chảy thời cuộc.

Đối với những cuốn sách nước ngoài thuộc chủ đề công nghệ, sau khi mua được bản quyền, các đơn vị làm sách trong nước phải thực hiện quy trình xuất bản mất thời gian hơn so với các ấn phẩm của tác giả Việt. Bởi sau khi thương thảo bản quyền thành công là công đoạn chuyển ngữ, hiệu đính. Có những cuốn sách phải trải qua hàng năm trời mới đến tay bạn đọc.

Thực trạng đó đặt ra câu hỏi: Sách công nghệ đã bắt nhịp xu thế, bám sát dòng chảy của thời đại? Khi đến tay bạn đọc, liệu chúng có bị coi là lỗi thời?

Đại diện một số đơn vị xuất bản thực hiện dòng sách công nghệ đưa ra cách nhìn nhận và giải pháp cho vấn đề này.

Một số cuốn sách công nghệ mua bản quyền từ nước ngoài. Ảnh: Quỳnh My.

Xu thế làm sách công nghệ

Theo bà Vũ Yến – chuyên viên phụ trách khai thác bản quyền sách nước ngoài, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM – hiện nay, các nhà xuất bản và công ty sách thực hiện khá nhiều sách công nghệ. Đó là những ấn phẩm bám sát đời sống, bắt kịp được sự phát triển và thay đổi của công nghệ.

Bà Yến cho rằng dòng sách công nghệ có sự phong phú, đặc biệt là mảng sách khai thác bản quyền từ những quốc gia có sự phát triển công nghệ mạnh trên thế giới.

“Nhận thấy xu thế của thị trường và sự quan tâm của bạn đọc dành cho sách công nghệ là không nhỏ, đơn vị chúng tôi cũng tập trung khai thác đề tài này từ cả tác giả trong và ngoài nước”, bà Vũ Yến chia sẻ.

Theo đó, những cuốn như Năm 2062 – Thời đại của trí thông minh nhân tạoBí mật thung lũng SiliconGiấc mơ, hiện thực và sự tan biến… được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM thực hiện, mang đến kiến thức đa dạng về công nghệ; đồng thời dự báo xu thế phát triển của công nghệ trong tương lai.

Không đứng ngoài xu thế đó, bà Lê Bích Ngọc – Giám đốc Công ty Xuất bản và Dữ liệu ETS – cho rằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực là điều tất yếu. Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực dồi dào góp phần vào sự phát triển của đất nước, chúng ta phải tập trung khích lệ việc nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, khởi nguồn của việc làm khoa học là phải dựa trên nền tảng tri thức có sẵn. Điều này lại bắt đầu từ việc đọc, tìm hiểu kiến thức khoa học nền tảng qua sách, tài liệu và các công trình nghiên cứu của những nhà khoa học đã đi trước.

Đại diện Công ty ETS cũng đưa ra nhìn nhận về thực trạng hiện nay: “Xét trên phương diện trình độ khoa học công nghệ và kỹ thuật, Việt Nam còn có một khoảng cách khá xa với các nước phát triển trên thế giới”. Do vậy, việc mua bản quyền những ấn phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ là hướng đi phù hợp.

“Chúng tôi tin rằng những ấn phẩm này sau khi được lựa chọn kỹ càng để xuất bản, sẽ luôn là những tài liệu uy tín và giúp ích được nhiều học sinh, sinh viên cũng như nghiên cứu sinh trong quá trình nghiên cứu khoa học, công nghệ”, bà Ngọc nói.

Một trong những giải pháp để sách công nghệ mua bản quyền khi đến tay bạn đọc không bị lỗi thời là xuất bản điện tử. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Giải pháp cho sách công nghệ mua bản quyền

PGS.TS Phạm Minh Phúc – quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (đơn vị thực hiện nhiều ấn phẩm, công trình khoa học) – cho hay sau khi mua bản quyền một cuốn sách nước ngoài, cần trải qua nhiều khâu để đến tay bạn đọc trong nước.

Với những cuốn sách có giá trị lâu dài, dù trải qua quy trình xuất bản một năm, khi đến tay bạn đọc, chúng vẫn hữu ích, không bị coi là lỗi thời. Tuy nhiên, cũng sẽ có những ấn phẩm, đặc biệt là về chủ đề công nghệ, mang tính thời sự, “đôi khi tính ứng dụng của nó đã không còn hoặc giảm đi vài phần”.

Trước thực trạng đó, PGS.TS Phạm Minh Phúc cho rằng xuất bản điện tử sẽ là “cứu cánh” cho vấn đề này, giúp cập nhật nhanh chóng những nghiên cứu tiên tiến về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật từ các quốc gia trên thế giới.

“Xuất bản truyền thống khiến nhiều cuốn sách ra mắt bạn đọc không đúng tiến độ. Xuất bản điện tử sẽ giúp rút ngắn quy trình, đáp ứng tốt hơn tính cập nhật của thời đại. Mặt khác, nó cũng khiến các công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ của Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến sớm hơn”, ông Phúc lý giải.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Tuấn Vũ – Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) – cũng cho rằng trong bối cảnh xã hội đang ngày một phát triển và có sự đổi mới liên tục, các cuốn sách mua bản quyền thuộc chủ đề khoa học, công nghệ có “tuổi đời” đặc thù hơn.

Do đó, khi mua bản quyền, các đơn vị xuất bản trong nước nên lựa chọn những cuốn có nội dung nghiên cứu hiện đại, tiên tiến và cập nhật nhất để có sự tính toán trước tốc độ thay đổi của công nghệ.

“Dòng sách này cần thực hiện xuất bản nhanh chóng để đảm bảo chúng không bị lỗi thời khi đến tay bạn đọc. Cục Xuất bản, In và Phát hành luôn có văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị làm mảng sách khoa học kỹ thuật, công nghệ về định hướng xuất bản”, ông Vũ cho hay.

Bên cạnh đó, có thể đặt hàng hoặc khuyến khích các tác giả có chuyên môn sâu thực hiện những công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Họ phải là tác giả có uy tín, tên tuổi để có thể đáp ứng được sự phát triển của công nghệ hiện nay.

Trong khi đó, bà Vũ Yến (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) cho rằng trước khi “chào hàng” bản quyền sách với thế giới, các đơn vị xuất bản nước ngoài cũng đã có phương án chuẩn bị kỹ càng.

“Họ nắm rất rõ quy trình xuất bản nên nếu muốn bán bản quyền một cuốn sách, họ đã có chiến lược giới thiệu ngay từ khi còn là một bản thảo. Nếu quyết định mua bản quyền sớm, việc chuyển ngữ sẽ rút ngắn thời gian hơn. Với dòng sách công nghệ, chúng tôi thường chuẩn bị trước đội ngũ dịch thuật có chuyên môn sâu, có thể là một nhóm dịch giả, để đảm bảo khi đến tay bạn đọc, sách sẽ vẫn bắt nhịp đời sống”, bà Yến cho biết thêm.