Tình trạng sách giả, sách lậu xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi cùng các chiêu trò “đánh lừa” bạn đọc đã không chỉ một lần nữa khiến nhiều nhà xuất bản (NXB) trên cả nước phải kêu cứu.

Một kho sách lậu bị phát hiện ở TPHCM Ảnh: Tường Vy
Một kho sách lậu bị phát hiện ở TPHCM Ảnh: Tường Vy

Trước thực trạng này, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam vừa tổ chức hội nghị “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống” để tìm giải pháp ngăn chặn.

Sách giả, sách lậu ngày càng tinh vi

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức, tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm.

Năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bản in thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt trên 1 tỷ đồng.

Phó Cục trưởng Cục Xuất bản cũng chỉ ra thực tế các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm hiện đã có sự mở rộng về địa bàn vi phạm, địa bàn tiêu thụ, đối tượng, quy mô vi phạm như phát hành trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử; sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo bán sách…

“Hiện nay, công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, địa bàn vi phạm ngày một mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. Địa bàn sản xuất không chỉ diễn ra trong nước mà còn cả ở nước ngoài”, ông Bảo nhấn mạnh.

Theo đại diện Alpha Books, trước kia, việc sách bị in lậu thường diễn ra với những sách best seller (sách bán chạy) thì nay cả những sách bán không quá chạy, sách chất lượng cũng bị làm lậu. Thậm chí còn có hiện tượng nhiều cuốn sách thật được mua về, bóc bìa thật và được “chế” thêm bìa da rồi giao bán như một phiên bản đặc biệt với giá… trên trời. Hơn thế, nhiều người còn tập hợp thành nhóm, bỏ thời gian gõ lại toàn bộ nội dung sách để đăng tải và chia sẻ với nhau, đây là hành động thiếu ý thức, không tôn trọng pháp luật.

Nhức nhối với sách điện tử lậu

Nhiều năm trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu”, nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng. Theo TS Hoàng Mạnh Thắng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, có cuốn sách bán chạy vừa ra mắt buổi sáng, thì đến chiều sách điện tử (ebook) lậu đã được rao bán trên mạng. So với xuất bản một cuốn sách in thì việc tạo ra và phát tán một ebook lậu đơn giản hơn nhiều. Thậm chí, với các loại máy scan kiểu mới còn có thể tự động lật trang, số hóa toàn bộ 1 cuốn sách mà không cần tháo gáy sách.

Tâm lý ham rẻ, thói quen “xài chùa” của một bộ phận độc giả cũng đang gián tiếp làm nạn sách lậu gia tăng khi lâu nay không ít người “vô tư” chia sẻ các bản ebook lậu trên mạng xã hội, tải sách miễn phí trên các diễn đàn… Ngoài các trang mạng kinh doanh ebook trái phép, nhiều trang lại cho phép người dùng tải ebook lậu miễn phí để tạo cộng đồng và bán quảng cáo cho các bên thứ ba.

Nhiều đơn vị xuất bản nhận định, các website phát hành ebook lậu dưới góc độ luật pháp Việt Nam không đơn thuần là bán ebook trái phép mà thực chất là đang tạo ra một hệ thống xuất bản điện tử trái phép. Nếu như xuất bản chính thống (cả sách in lẫn ebook) đang được quản lý rất kỹ, phải đáp ứng rất nhiều điều kiện quy định trong Luật Xuất bản và các luật khác về bản quyền, thương mại điện tử… thì hệ thống xuất bản điện tử trái phép hầu như không bị quản lý. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy cho người làm sách cũng như chính người đọc sách. Theo đại diện NXB Trẻ, các trang web bán ebook lậu đang ngày càng “thách thức” pháp luật, cứ bị phát hiện, bị chặn thì ngay lập tức họ tung ra trang web mới để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.

NXB Trẻ cũng đề xuất xem xét thành lập cơ quan chuyên trách về phòng chống in lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. NXB này cũng mong muốn cần sớm nghiên cứu, sửa đổi pháp luật hiện hành liên quan theo hướng chế tài đủ mạnh để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, đảm bảo sự trong sạch, minh bạch trong môi trường kinh doanh xuất bản phẩm cũng như sản phẩm văn hóa.

Để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn sách giả, sách lậu, các đơn vị làm sách đề xuất thay vì mỗi NXB một mẫu tem chống giả riêng hoặc ký hiệu, nhãn hiệu khác nhau như hiện nay gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong nhận diện sách giả, sách thật… thì nên có một mẫu tem chung với kỹ thuật cao để chống in giả, đồng thời tăng cường sức mạnh kết nối của các đơn vị quản lý liên ngành.

nguồn:https://www.sggp.org.vn/sach-gia-dang-thach-thuc-phap-luat-post695606.html