Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới
Takashi Saito / Quảng Văn và NXB Phụ nữ Việt Nam
Tác giả Takashi Saito chỉ ra đọc là cách mà loài người làm cho trí tuệ tiến triển không ngừng. Không chỉ nói về sự cần thiết của việc đọc, tác phẩm còn hướng dẫn cách đọc sách sao cho hiệu quả, hữu ích.
Nói sinh viên không đọc sách không có nghĩa là họ không hề đọc chữ viết. Ngược lại, họ còn đang đọc một lượng rất lớn. Đa phần là họ đọc trên mạng Internet và trên mạng xã hội.
Cũng có người sẽ đưa ra lý lẽ “Cho dù không đọc sách đi nữa thì đọc trên mạng cũng tốt chứ sao?”.
Nếu như ai đó nói “Chẳng phải mọi thứ đều có trên Internet rồi sao?”, thì có lẽ là đúng như thế thật. Mạng Internet được cập nhật một lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày, không chỉ là các tin tức mới nhất mà còn có cả các câu chuyện Đông Tây kim cổ, sự phân tích và phản ứng đối với chúng. “Aozora Bunko” là trang web mà mọi người có thể đọc miễn phí các tác phẩm đã hết hạn bản quyền.
Vì vậy, ý kiến cho rằng không cần phải cất công đọc sách mà chỉ cần đọc trên mạng Internet cũng không có gì sai cả.
Tuy nhiên, giữa đọc trên mạng Internet và đọc sách có sự khác biệt lớn. Đó là “cách thức tiếp cận”.
Ở trên mạng Internet, khi muốn đọc gì đó thì thay vì hướng về nội dung nào đó và đọc thật chậm rãi, người ta sẽ đọc lướt qua hết cái nọ tới cái kia trong thời gian ngắn. Ánh mắt của họ sẽ hướng về những thứ hấp dẫn và bắt mắt hơn. Ngoài một lượng lớn thông tin, mạng Internet còn tràn ngập các câu cửa miệng và hình ảnh. Vì thế, thời gian hướng về một nội dung sẽ mỗi lúc một ngắn đi.
Gần đây, chúng ta còn có thể nghe nhạc thông qua Internet và với “cách thức tiếp cận” trên Internet, chúng ta không thể nào nghe khúc dạo đầu. Chúng ta sẽ không thể kìm nén được mình và sẽ liên tiếp tìm kiếm các tác phẩm khác. Vì vậy, tôi đã được nghe về cách thức sáng tác các ca khúc mở đầu đột ngột bằng điệp khúc từ một nghệ sĩ nọ.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng năng lực tập trung của người hiện đại đang suy giảm. Theo công bố của Microsoft năm 2015, “Attention span” của con người (thời gian có thể tập trung vào một việc) chỉ là 8 giây, ngắn hơn 4 giây so với 12 giây năm 2000 và ngắn hơn cả mức 9 giây của cá vàng hiện nay.
Đây chắc hẳn là do ảnh hưởng của Internet. Đặc biệt, theo một ý nghĩa nào đó, đây là kết quả “thích ứng” của việc phổ cập điện thoại thông minh, thường xuyên tiếp cận nhiều thông tin khác nhau bằng điện thoại và tiến hành trao đổi ngắn bằng mạng xã hội.
Thời đại không còn “độc giả”
Như vậy, “đọc thông tin trên Internet” và “đọc sách” là hai hành vi hoàn toàn khác nhau. Khi đọc các văn bản trên mạng Internet, chúng ta không phải là “độc giả” mà là “người tiêu dùng”. Khi đó, chúng ta nắm quyền chủ đạo và lựa chọn những thứ hấp dẫn hơn. Đó là tình trạng chúng ta liên tiếp ném bỏ vì “không có cái này”, “buồn tẻ” và tiêu thụ cái kia vì nó “thật thú vị”.
Không chỉ tiêu thụ mà chúng ta còn khó có thể tích lũy. Tuy chúng ta hối hả tiếp cận thông tin nhưng lại có chút chao đảo và không giữ lại được gì cho bản thân. Khi đó, tuy chúng ta có trầm trồ “A! Ra vậy” nhưng rồi lại quên bẵng đi ngay. Rất có thể chúng ta thường xuyên được tiếp cận các thông tin hời hợt nhưng lại không thể “làm sâu sắc cuộc đời mình”.
Đây là vấn đề thuộc về thái độ hơn là vấn đề thuộc về thông tin hay công cụ. Khi chúng ta kính trọng tác giả và nghĩ “Nào, hãy đọc cuốn sách này nào”, thì chúng ta sẽ có thể ngồi xuống và chậm rãi lắng nghe. Chúng ta sẽ ngồi trong căn phòng bốn chiếu rưỡi dành cho hai người và lắng nghe câu chuyện kéo dài bất tận.
Cho dù có gặp phải một tình tiết hơi tẻ nhạt, chúng ta cũng không thể dễ dàng né tránh mà sẽ cố gắng chịu đựng và tiếp tục lắng nghe câu chuyện.
Nếu người đối diện là tác giả thiên tài thì có khi chúng ta sẽ vội vàng nói “tôi muốn nghe phần tiếp theo” và đọc sách không tiếc cả thời gian ngủ, phải không nào?
Tuy nhiên, nếu như chúng ta liên tục nghe câu chuyện chỉ có hai người từ Dostoevsky trong ba tháng, hẳn là phần lớn mọi người đều muốn bỏ chạy (nhưng sẽ vô cùng tuyệt vời nếu ta thử làm điều đó). Trên thực tế, mọi người đều đang chạy trốn.
Nếu như không chạy trốn mà nghe câu chuyện tới cùng thì sẽ thế nào? Điều đó sẽ khắc sâu như một “trải nghiệm”. Đọc sách chính là “trải nghiệm”. Trên thực tế, có người cho rằng hoạt động của bộ não khi đồng cảm với các nhân vật xuất hiện trong lúc đọc sách cũng rất gần với hoạt động của bộ não khi trải nghiệm.
Trải nghiệm có ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách. Chắc hẳn rồi các bạn cũng sẽ có những trải nghiệm khiến bản thân nghĩ rằng “trải nghiệm ấy đã đắp bồi nên bản thân mình hiện tại”.
Kể cả những trải nghiệm cay đắng, khổ đau cũng giúp các bạn hiểu được cảm xúc của con người, và nhờ việc vượt qua nó mà các bạn trở nên tự tin, mạnh mẽ. Khi bị bệnh nặng và cảm nhận được sự lớn lao của sinh mệnh, người ta sẽ coi trọng những phút giây hiện tại và có sự thay đổi về nhân cách.
Trải nghiệm của một cá nhân sẽ có giới hạn nhưng người ta có thể có trải nghiệm gián tiếp nhờ đọc sách.
Nhờ đọc sách, con người có thể làm sâu sắc nhân sinh quan, thế giới quan, làm phong phú trí tưởng tượng và nâng tầm nhân cách.
Cũng có người nói rằng trải nghiệm thực tế quan trọng hơn đọc sách. Đương nhiên trải nghiệm thực tế rất quan trọng rồi. Tuy nhiên, tôi cho rằng đọc sách và trải nghiệm không hề mâu thuẫn. Cũng có khi nhờ đọc sách mà bản thân có động lực “mình muốn trải nghiệm cái này”, hơn nữa còn có thể nhận ra ý nghĩa của những trải nghiệm mà bản thân không thể biểu đạt bằng ngôn ngữ.
Đọc sách giúp bạn có nhiều trải nghiệm gấp hàng chục lần trải nghiệm thực tế.
Trong cuốn sách này, dựa trên tiền đề “Đọc sách làm sâu sắc nhân sinh”, tôi sẽ nói về chủ đề “Trong khi vẫn sử dụng Internet và mạng xã hội, chúng ta nên đọc sách gì và đọc như thế nào?”. Nếu nó giúp cho cả người thích đọc sách và những người gần đây không mấy khi đọc sách lần nữa phát hiện ra sự tuyệt vời của việc đọc sách thì tôi sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Nguồn: https://zingnews.vn/su-khac-nhau-giua-doc-van-ban-tren-mang-internet-va-doc-sach-post1208775.html
Có thể bạn muốn xem
Kinh thánh – bộ bách khoa toàn thư về nhân loại cổ đại
Góc khuất
Sẽ Qua, Đừng Khóc!
Mẹ đã đi chợ về
Hỷ lạc từ tâm
‘Đường hoa’ – Những mảnh ghép cuộc đời người họa sĩ
Cô bé 9 tuổi đoạt giải thưởng Khát vọng Dế Mèn
Cỗ máy Thời Gian
Thiên đường xuất bản ở Na Uy