Nhà xuất bản Pan Macmillan đã quyết định dán nhãn cảnh báo “độc hại” với tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” trong lần tái bản sắp tới.
Kể từ khi xuất bản năm 1936, cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell đã được hàng triệu người yêu thích. Câu chuyện lấy bối cảnh tại vùng Georgia khi cuộc nội chiến Mỹ diễn ra khốc liệt. Cuốn theo chiều gió còn ghi dấu ấn nhiều hơn nữa khi được chuyển thể lên màn ảnh rộng vào năm 1939. Bộ phim có sự tham gia của Vivien Leigh trong vai người đẹp phương nam Scarlett O’Hara và Clark Gable trong vai người tình Rhett Butler của cô.
Theo Daily Mail, mới đây, nhà xuất bản Pan Macmillan đã quyết định sẽ dán nhãn cảnh báo “độc hại” đối với cuốn sách bán chạy này trong lần tái bản sắp tới. Đại diện nhà xuất bản cho biết không như các sách của Agatha Christine hay Ian Fleming, Cuốn theo chiều gió sẽ không bị chỉnh sửa, mà sẽ chỉ có nhãn cảnh báo đầu sách. Đơn vị xuất bản hiểu rằng cuốn sách chứa những yếu tố gây sốc và “lãng mạn hóa một thời kỳ lịch sử khốc liệt của nước Mỹ”.
“Vào thời điểm cuốn tiểu thuyết được sáng tác, chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Vì vậy một số cụm từ, thuật ngữ phổ biến lúc bấy giờ được tác giả sử dụng có thể tạo nên định kiến không đúng về chủng tộc”, đại diện nhà xuất bản Pan Macmillan tuyên bố.
Không chỉ dừng lại ở việc dán nhãn, để độc giả hiểu rõ hơn, nhà xuất bản đã mời nhà văn Philippa Gregory đóng góp một bài luận về chủ đề phân biệt chủng tộc trong cuốn sách. Theo cây bút chuyên viết tiểu thuyết lịch sử này, Cuốn theo chiều gió “cổ vũ quan điểm chủ đồn điền miền Nam trong lịch sử nước Mỹ. Một số đoạn mô tả con người theo kiểu phân biệt khuôn mẫu”.
Trước đó, đầu năm 2023, Giáo sư Sarah Churchwell (người chuyên nghiên cứu về văn học Mỹ tại đại học London) đã xuất bản cuốn The Wrath to Come: Gone with the Wind and the Lies America Tells. Toàn bộ cuốn sách hướng về chủ đề những yếu tố nhạy cảm và có dấu hiệu phân biệt chủng tộc trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió. Bà Churchwell cho rằng chế độ nô lệ trong cuốn sách thậm chí còn bị bóp méo và được hoan nghênh bởi chính những người nô lệ.
Churchwell còn chỉ ra mọi người đàn ông da trắng trong vòng tròn xã hội của Scarlett O’Hara đều phạm tội giết người tập thể để duy trì hệ thống phân cấp chủng tộc. Họ còn được khen ngợi vì hành động đó.
Dù vậy, trên phương diện lịch sử, cuốn sách vẫn được coi là một ấn phẩm phản ánh rất sát xã hội nô lệ của Mỹ những năm giữa thế kỷ 19. Việc dán nhãn cảnh báo những diễn ngôn phân biệt được cho là cần thiết trong bối cảnh mới.
Cuốn theo chiều gió cho đến nay vẫn nằm trong danh sách bán chạy. Trong sáu tháng đầu tiên ra mắt, một triệu bản đã được bán. Dù rằng đây là thời kỳ Đại suy thoái, mọi chi tiêu bên lề đều bị cắt giảm. Cuốn theo chiều gió đã được dịch sang 27 ngôn ngữ và vẫn bán được 300.000 bản mỗi năm. Bên cạnh đó, Cuốn theo chiều gió vẫn là một trong những bộ phim có doanh thu cao. Tiểu thuyết và phim đã định hình nhận thức toàn cầu về lịch sử và văn hóa chủng tộc của Mỹ.
nguồn: https://zingnews.vn/tieu-thuyet-cuon-theo-chieu-gio-bi-dan-nhan-canh-bao-nhay-cam-post1417901.html
Có thể bạn muốn xem
Tesla – Elon Musk: Tương lai và những điều viễn tưởng
Dấu ấn với người kể chuyện cổ tích hiện đại
Khởi Chánh Nghiệp: Đưa phẩm chất của Đức Phật vào sự nghiệp
Sách Việt đi Tây
Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero.
Bộ sách Hackers IELTS
Tiếng kèn thiên nga
Sống giữa trung tâm phố Sài Gòn xưa
Một tấm lòng từ xứ Huế