Sau 30 năm miệt mài, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã hoàn thành việc chuyển ngữ tác phẩm kinh điển Hiệp sĩ Thánh chiến của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz, chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 1905. Tác phẩm cũng vừa được Đông A liên kết với NXB Văn học giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam.
Ngày 17-10, tại hội trường Hội Nhà văn TPHCM đã diễn ra buổi giao lưu và trò chuyện với dịch giả Nguyễn Hữu Dũng nhân dịp ra mắt tác phẩm Hiệp sĩ Thánh chiến của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846-1916).
Nhà văn Henryk Sienkiewicz sinh ra tại Wola Okrzejska (Ba Lan) trong một gia đình gốc quý tộc. Ông từng theo học luật, y học trước khi chuyên tâm vào sự nghiệp viết lách.
Độc giả Việt Nam từng biết đến tài năng của Henryk Sienkiewicz qua các kiệt tác: Quo vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Hania, Trên bờ biển sáng… Tuy nhiên, trong cuộc đời sáng tác văn học của ông, không tác phẩm nào được thai nghén lâu như tiểu thuyết lịch sử Hiệp sĩ Thánh chiến (Krzyżacy).
Ngay từ năm 1865, trong lòng chàng sinh viên Henryk Sienkiewicz 19 tuổi đã nảy mầm ý định xây dựng một tiểu thuyết xứng tầm với cuộc đụng đầu lịch sử xảy ra hồi đầu thế kỷ XV giữa liên minh Ba Lan – Litva với Giáo đoàn Thánh chiến.
Sau Quo vadis, ông dồn hết tâm huyết vào viết Hiệp sĩ Thánh chiến. Công việc sáng tác kéo dài ròng rã bốn năm trời, và nhà văn đã cho đăng dần tác phẩm trên các tờ báo Ba Lan, mãi đến năm 1900 mới in thành sách.
Sách có dung lượng khá lớn, chia thành 2 tập với hơn 600 trang mỗi tập, có các minh họa đẹp mắt giúp độc giả dễ theo dõi diễn biến truyện. Được biên tập chỉn chu, cuốn sách cũng được thiết kế bìa mềm, thuận tiện cho người đọc và góp phần giảm giá thành sách để ai cũng có thể tiếp cận với tác phẩm đầy ý nghĩa này.
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng là PGS-TS về động lực học, chuyên ngành động cơ đốt trong, từng có nhiều năm giảng dạy ở Trường Đại học Thủy sản và công tác tại Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Thủy sản. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, ông đã được bạn đọc biết đến trong vai trò dịch giả – người có công giới thiệu nhiều tác phẩm Ba Lan đến với độc giả Việt Nam, tiêu biểu như Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Đường công danh của Nikodem Dyzma, Con hủi…
Theo chia sẻ của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, tác phẩm Hiệp sĩ Thánh chiến đã được dịch ra trên bốn mươi thứ tiếng, được dựng thành bộ phim dài hai tập rất công phu, chiếm được sự hâm mộ của nhiều thế hệ người đọc và người xem khắp thế giới.
“Tôi đã dành thời gian suốt 30 năm (1990 – 2020) để dịch tác phẩm kinh điển này từ ấn bản toàn tập tác phẩm Henryk Sienkiewicz do Panstwowy Instyut Wydawniczy xuất bản năm 1948 tại Warszawa, giáo sư Julian Krzyanowski chủ biên”.
Có mặt tại chương trình giao lưu, ông Alexander Nowakowski, Bí thứ thứ 3, Đại sứ quán Ba Lan, trân trọng và đánh giá cao nỗ lực và tâm huyết của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cũng như các dịch giả đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Ba Lan sang tiếng Việt.
Theo ông, sau năm 1905, khi nhà văn Henryk Sienkiewicz đoạt giải Nobel Văn học, phong trào văn học ở Ba Lan phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, nhiều tác giả Ba Lan nổi tiếng đã viết nên những tác phẩm có giá trị, được vinh danh tại giải Nobel Văn học như: Władysław Reymont (1924), Isaac Bashevis Singer (1978, Yiddish), Czesław Miłosz (1980), Wisława Szymborska (1996) và Olga Tokarczuk (2018, 2019).
Ngoài ra, cũng có nhiều tác giả Ba Lan khác mà người Việt Nam biết đến và được đọc rất nhiều. Ông Alexander Nowakowski cho rằng, hiện nay, trong giới trẻ Việt Nam có nhiều người thích đọc tác phẩm văn học Ba Lan được dịch ra tiếng Anh, vậy nên, sẽ rất là tiện nếu độc giả được tiếp cận những tác phẩm đó thông qua tiếng Việt.
“Việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Ba Lan sang tiếng Việt cũng là nền tảng để xây dựng mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai quốc gia. 70 năm quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Ba Lan và Việt Nam sẽ không thể nào hoàn chỉnh nếu không nhờ những bản dịch, những tiếp cận đến những tác phẩm văn học Ba Lan như hiện tại”, ông Alexander Nowakowski cho biết.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, việc giới thiệu tác giả tác phẩm văn học có giá trị của nhân loại cho độc giả Việt Nam là hoạt động hết sức sôi động của nhiều dịch giả, các công ty sách, nhà xuất bản, nhà đầu tư, nhằm đem lại không chỉ tri thức mà còn là cầu nối cảm xúc về các giá trị nhân văn giữa các nền văn học, các nền văn minh của nhân loại.
nguồn: https://www.sggp.org.vn/tac-pham-kinh-dien-hiep-si-thanh-chien-lan-dau-tien-duoc-gioi-thieu-tai-viet-nam-849606.html
Có thể bạn muốn xem
Bầy Cừu xuất chúng – Lật tẩy khoảng tối của nền giáo dục tinh hoa Mỹ
“Kiến Phật” – Hành trình tìm chốn an bình cho tâm hồn
Chủ nhân giải Nobel Văn học 2020 ra mắt cuốn văn xuôi đầu tay
Người sinh ra trên đất Việt, truyền Phật giáo từ Giao Chỉ tới Đông Ngô
Cách trò chuyện với con trước 10 tuổi quyết định tương lai của con
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2: Tôn vinh sách và những người làm sách
Cô gái Gen Z “khóc Tố Như”
Đơn giản hơn ta nghĩ
“Trở về trong giấc mơ”- câu chuyện cảm động về mối tình thời chiến