Đối với một bộ phận người yêu sách tại Thủ đô, dạo phố Đinh Lễ trong đêm Giao thừa để mua sách luôn là hoạt động ý nghĩa đầu năm mới.
Trong ký ức của những người dân Hà Nội, đặc biệt là những người yêu sách, sau Giao thừa, con phố Đinh Lễ luôn là điểm đến đông đúc nhất. Bao quanh bởi những tòa nhà cao tầng, phố sách lâu đời của Thủ đô vẫn sáng đèn chào đón người dân. Từ già tới trẻ, người đi xem pháo hoa về sẽ ghé qua Đinh Lễ để lựa sách. Một số người gọi đây là cách để “hái chữ” đầu năm.
Các chủ hiệu sách ở đây đều cho biết đã rất nhiều năm, bao giờ họ cũng mở hàng ngay trong đêm Giao thừa. Người dân đến đây rất đông, phải tới một giờ hơn, ai mới về nhà nấy. Những người đến mua sách đầu năm không mua nhiều, chỉ từ một đến hai cuốn. Người bán, người mua trò chuyện cởi mở và gửi đến nhau lời chúc tân xuân. Khu phố bỗng chốc nhộn nhịp hẳn lên.
Đối với một bộ phận người yêu sách tại Thủ đô, việc “hái chữ” đầu năm trên phố Đinh Lễ là việc rất ý nghĩa. Các cuốn sách được mua trong đêm Giao thừa đôi khi chỉ là cuốn đầu tiên lọt vào tầm mắt họ. Nguyễn Ngọc Huyền (26 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ rằng: “Sau đón Giao thừa, mình và bạn bè thường đi bộ từ điểm bắn pháo hoa ở phố đi bộ Hồ Gươm ra Đinh Lễ để mua sách. Mình muốn thông qua cuốn sách mua đầu năm này gửi một thông điệp đặc biệt tới bản thân. Mình thấy đây là một việc rất ý nghĩa mà ai cũng nên thử một lần”.
Đối với nhiều người, việc mua sách ở Đinh Lễ trong đêm Giao thừa không phải để tìm một cuốn sách nào rẻ hay độc. Họ có thể mua một cuốn sách mà trước đó chưa từng đọc review hay được ai giới thiệu.
Anh Xuân Quang (25 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mua sách vào đêm Giao thừa thường tạo cho em một tâm thế khá thoải mái. Em có thể lựa một cuốn mà trước đó em không nghĩ mình sẽ động đến, chẳng hạn như các cuốn về sinh học, kinh tế tài chính. Em muốn mua để làm quà cho bản thân và những người xung quanh”.
Nhiều người dân kể lại rằng khoảng 9-10 năm trước phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền vào đêm Giao thừa phải đến 7-8 cửa hàng cùng mở. Nhưng trong năm 2022 vừa qua, số lượng cửa hàng giảm đi rõ rệt. Thay vào đó, các quán cafe, cửa hàng dịch vụ mọc lên. Lác đác chỉ còn 2-3 cửa hàng đứng sát nhau. Trước đó, ở hai góc phố Đinh Lễ có cả những quầy sách bên đường. Họ dựng lên bằng những tấm ván kê lên các chiếc ghế đẩu. Họ treo các loại sách và cả lịch năm mới.
Anh Nguyễn Hoàng (Một người từng sinh sống tại phố Nguyễn Xí) chia sẻ: “Những năm trở lại đây, đặc biệt là sau các hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cửa hàng sách ở đây đóng cửa trả mặt bằng. Phố sách từ đó cũng trở nên thưa thớt hơn trong cả những dịp cuối tuần. Dù vậy, riêng đêm Giao thừa người đi mua sách vẫn khá đông”.
Theo cuốn Từ điển đường phố Hà Nội (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội), phố Đinh Lễ dài 200m và được người Pháp đặt tên là Phuret (Rue Phuret). Sau năm 1954, con phố mới được đổi tên thành Đinh Lễ. Phố Đinh Lễ xưa được xây dựng trên nền là một con ngòi chảy bên cạnh tòa lầu Ngũ Long đời Lê – Trịnh. Hồi đầu thế kỷ XIX, phố Đinh Lễ thuộc địa phận thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Sang giữa thế kỷ XIX, Hậu Lâu hợp với Hậu Bi thành thôn Cựu Lâu và tổng Hữu Túc đổi thành tổng Đông Thọ.
Còn tên gọi “phố sách” Đinh Lễ được nhiều người cho rằng bắt đầu hình thành từ khoảng những năm 2003-2005. Sau khi tiệm sách nhỏ của bà Phạm Thị Mão bắt đầu thu hút lượng khách lớn tại đây, nhiều người từ các nơi cũng về mở cửa hàng. Trải qua thời gian dài phát triển, có suy có thịnh, phố sách Đinh Lễ đã đi sâu vào ký ức của người dân Thủ đô.
Có thể bạn muốn xem
Thảo dược bảo vệ sức khỏe
Thị trường sách nói ở Việt Nam phát triển mạnh
Chùm thơ của Trương Công Tưởng
Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ ‘Chỉ cần tin mình là duy nhất’
Buổi Sáng Diệu Kỳ Dành Cho Sinh Viên
Kho báu bị nguyền rủa
Ping – Giải cứu Vườn Địa đàng
Tiền Đẻ Ra Tiền
Ngành xuất bản thế giới nỗ lực để bình thường mới