Ra đời đã 108 năm, tác phẩm Người Dublin của nhà văn người Ireland James Joyce vẫn luôn được đọc và đón nhận nồng nhiệt trên thế giới. Mới đây, tác phẩm này có thêm phiên bản sách nói cho độc giả Việt Nam trên ứng dụng Voiz FM.
Ngày 11-6, tại TPHCM, Ứng dụng sách nói Voiz FM cùng nhóm Những người bạn Ireland (Friends of Ireland) tại Việt Nam, với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland đã tổ chức Ngày văn học Ireland, đồng thời ra mắt phiên bản sách nói Người Dublin của nhà văn James Joyce.
Có 4 nhà văn của Ireland đã đoạt giải Nobel Văn học, gồm: William Butler Yeats, George Bernard Shaw, Samuel Beckett và Seamus Heaney. Mặc dù không có vinh dự nhận được giải thưởng cao quý này nhưng James Joyce (1882-1941) vẫn là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Trong cuộc đời văn nghiệp của mình, mặc dù viết không nhiều nhưng đó đều là những kiệt tác. James Joyce được đánh giá là một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất đối với văn học thế giới thế kỷ 20. Tại Việt Nam, một số tác phẩm của James Joyce đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt như: Người Dublin, Chân dung chàng nghệ sĩ và kiệt tác mang tính bước ngoặt Ulysses.
Trong đó, tác phẩm Người Dublin đã có tuổi đời 108 năm và nhận được nhiều sự yêu thích của độc giả tại Việt Nam. Đây được xem là tập truyện ngắn đầu tay của ông, gồm 15 truyện ngắn. Ông bắt đầu viết vào mùa hè năm 1904 khi còn sống ở Dublin và tiếp tục thực hiện cuốn sách trong những năm đầu ở Pola, Rome và hoàn thành truyện ngắn cuối cùng Người chết ở Trieste năm 1907.
Không nhiều nhà văn trên thế giới có một ngày riêng của mình trong năm, và James Joyce là một trong số đó. Ngày 16-6 tới đây là lễ kỷ niệm Bloomsday được tổ chức hàng năm không chỉ tại Dublin mà còn ở nhiều thành phố khác trên thế giới.
Theo ông Alan McGreevey, Bí thư Thứ hai của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, trong lĩnh vực văn chương, ngoài James Joyce, ngày càng có nhiều tác phẩm của nhà văn Ireland được dịch sang tiếng Việt như Oscar Wilde (Chàng hoàng tử hạnh phúc, Họa mi và hoa hồng, Chân dung của Dorian Gray), Cecelia Ahern (Câu chuyện cuối cùng, Nơi cuối cầu vồng, Tái bút: Anh yêu em), John Boyne (Chú bé mang pyjama sọc), Anna Burns (Người giao sữa)…
“Ở Ireland, kể chuyện là một phần chính của văn hóa và truyền thống Ireland. Vào thời cổ đại, các gia đình và cộng đồng sẽ quây quần bên đống lửa vào buổi tối muộn và lắng nghe các câu chuyện từ người kể chuyện hay trong tiếng Ailen là sheannachi. Hoạt động này và việc lưu truyền những câu chuyện không chỉ giúp định nghĩa bản sắc và văn hóa Ireland, mà còn tạo ra tiền đề cho sự phát triển những tác giả sáng tạo và xuất sắc mà Ireland đã sản sinh ra”, ông Alan McGreevey cho biết.
Theo anh Lê Hoàng Thạch, CEO Ứng dụng sách nói Voiz FM, sau Người Dublin, trong thời gian tới, Voiz FM sẽ tiến hành trao đổi với đơn vị giữ bản quyền tác phẩm Chân dung chàng nghệ sĩ của James Joyce để chuyển thể sang sách nói. Bên cạnh đó, một số tác phẩm văn học đến từ Ireland đã được đơn vị này chuyển thể sang sách nói như Tái bút: Anh yêu em, Gulliver du ký…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thương lượng với các đơn vị khác để có thể chuyển thể được nhiều hơn nữa các tác phẩm của Ireland sang sách nói, từ đó giúp các bạn trẻ có thêm cơ hội quan tâm đến văn hóa và giáo dục Ireland, mong muốn đóng góp tăng cường tình hữu nghị hai nước Việt Nam và Ireland”, anh Thạch tiết lộ thêm.
HỒ SƠN
nguồn: https://www.sggp.org.vn/tac-pham-van-hoc-kinh-dien-nguoi-dublin-co-phien-ban-sach-noi-820126.html
Có thể bạn muốn xem
Cho nhẹ lòng nhau
Cuốn sổ máu – Phong Điệp
Dưỡng sinh trong đời sống hằng ngày
Triết học và vấn đề xã hội – Bìa cứng
Chủ đất – Tiếng hú vang trên cao nguyên đá
5 lý do khiến trẻ bị giảm thính lực
Món mì trứ danh mà vô danh của vùng Tây An, Trung Quốc
Khán giả Trung Quốc tẩy chay Keanu Reeves
Thần chết và người đàn bà