Sau gần hai chục năm tìm hiểu qua sách vở và liên tục đi điều tra điền dã tất cả các di tích đền tháp Champa ở miền Trung và trên Tây Nguyên, đến năm 1994, tôi đã hoàn thành và xuất bản công trình khảo cứu của mình với cuốn sách có tựa đề là “Tháp cổ Chămpa – sự thật và huyền thoại” (Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin). Sau đấy, năm 2002, cuốn sách được Nhà xuất bản Thế giới dịch sang tiếng Anh và in. Cho đến nay, bản tiếng Anh “Tháp cổ Chămpa – Sự thật và huyền thoại” được tái bản và bổ sung thêm hai lần nữa vào năm 2006 và 2012.
Kể từ năm 1994 đến giờ, thấm thoắt cũng đã hơn hai chục năm trôi qua rồi. Trong hơn hai mươi năm qua, vì những lý do chuyên môn và công việc, tôi vẫn tiếp tục đi sâu nghiên cứu những di sản kiến trúc và nghệ thuật cổ của Champa. Sau “Tháp cổ Chămpa…”, tôi đã hoàn thành và công bố thêm được một số công trình: “Thánh địa Mỹ Sơn” (năm 2002, tái bản lần thứ 10 năm 2013; Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh); “Tháp Bà Thiên Y A Na – Hành trình của một nữ thần” (năm 2009, Nxb. Trẻ); “Thành cổ Chămpa – Những dấu ấn của thời gian” (năm 2011, Nxb. Thế giới); “Nghệ thuật Chămpa – Câu chuyện của những pho tượng cổ” (năm 2014, Nxb. Thế giới) và “Phật viện Đồng Dương – Một phong cách của nghệ thuật Champa” (năm 2015, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh).
Mặc dầu phải dành nhiều thời gian và công sức cho những công trình mới, trong những năm qua, tôi luôn luôn để tâm tới việc bổ sung và hoàn thiện dần dần cho đứa con đầu lòng của mình là cuốn sách “Tháp cổ Chămpa – Sự thật và huyền thoại” in năm 1994. Gần như tất cả những phát hiện mới và những tài liệu mới liên quan đến các di tích đền tháp Champa xuất hiện trong những năm qua, với tất cả khả năng có thể, đều đã được tôi bổ sung vào tập bản thảo mới. Giờ đây, bản thảo cuốn sách đã hoàn thành. So với lần xuất bản năm 1994, bản thảo mới được bổ sung thêm khá nhiều nội dung và tài liệu mới, đặc biệt là cả phần khảo cứu mang tính khái quát về đền tháp Champa ở phần đầu và phần cuối cùng những ảnh minh họa. Do có thêm không ít những nội dung mang tính khảo cứu chuyên sâu, nên, trong lần xuất bản này, tôi chọn cái tên “Tháp cổ Champa” để đặt cho cuốn sách.
Thay lời nói đầu
SỰ THẬT VÀ HUYỀN THOẠI
Sau hàng mấy trăm năm bị chìm trong quên lãng, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các ngôi đền tháp cổ Champa mới bắt đầu được các chuyên gia người Pháp thống kê, khảo tả và nghiên cứu một cách khoa học và hệ thống. Sau những người mở đầu mà tiêu biểu là kiến trúc sư H. Parmentier, từ những năm 40 của thế kỷ XX đến nay, nhiều thế hệ các nhà khoa học tiếp theo của Pháp, của Việt Nam và của các nước khác trên thế giới đã giải mã dần dần những bí ẩn của những ngôi đền tháp cổ Champa mà người Chăm cũng như người Việt, do không giải thích và hiểu được, đã thêu dệt thành những sự tích và truyền thuyết dân gian ly kỳ. Nhờ công sức và trí tuệ của nhiều nhà khoa học trong hơn một trăm năm qua, giờ đây, những bí ẩn về những viên gạch và chất vữa, về những kỹ thuật xây gạch và chạm khắc các hình thần linh, các họa tiết trang trí… trực tiếp lên mặt tường gạch… mà người Chăm xưa đã sử dụng để xây lên những ngôi đền tháp Hindu giáo có một không hai trong khu vực Đông Nam Á. Cũng bằng những phương pháp của khoa học hiện đại, các nhà khoa học đã xếp đặt từng khu đền, từng ngôi tháp Chăm nằm rải rác trong hoang phế và đổ nát trên suốt dải đất ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận và trên Tây Nguyên vào đúng vị trí niên đại và phong cách trong tiến trình lịch sử của chúng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVII.
Rồi thì, với sự quan tâm mỗi ngày một nhiều thêm không chỉ của các nhà chuyên môn, mà còn của cả các tổ chức chính trị, xã hội và văn hóa ở Việt Nam và trên thế giới, những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các đền tháp Champa đã được đánh giá và công nhận. Hiện nay, tất cả các đền tháp Champa đã được nhà nước Việt Nam công nhận là di tích quốc gia, trong số đó, một số khu đền tháp còn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Và, thật vinh hạnh và tự hào, vào tháng cuối cùng, năm cuối cùng của thế kỷ XX (ngày 1 tháng 12 năm 1999) khu đền tháp Mỹ Sơn của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Có thể bạn muốn xem
Hà Nội và tôi
Vệ sĩ vô hình
Lịch sử Thượng Đế
Vẽ gì cũng là tự họa
Một Trần Nghệ Tông rất khác trong Nam Ông Mộng Lục
Cuốn sách Michelin Guide – quyền lực hơn một thế kỷ
Bạn có phải cá hồi chum không?
Phụ nữ lãnh đạo bằng yêu thương
Lược Sử Vật Lý Lượng Tử – Chúa Có Gieo Xúc Xắc Cho Bạn