Tác giả Lê Thanh Minh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh đến với văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mấy chục năm cầm bút. Anh viết khá nhiều, trừ một vài truyện ngắn in rải rác trên các báo, anh chưa ra một tập sách nào. Gần đây những trang viết của anh xuất hiện trên mạng, ngày một nhiều, lối viết của anh mộc, giản dị nhưng khá cuốn hút vì chính cái thật của nó. Truyện, tản văn, tạp bút của anh thường ngắn, không dài. Nó cho ta cảm giác anh viết liền một hơi, như chơi, như dạo. Văn anh không trau chuốt nên không sáo. Nó như được ném lên mặt giấy từ hơi thở của cuộc sống. Cái nhìn tinh tế, câu văn ngắn, mạch lạc làm cho những trang viết của anh lôi cuốn, hấp dẫn ngay cả đối với những người đọc khó tính. Mặc dù, xét về bề nổi, truyện anh viết nội dung chẳng có gì. Nhưng nó cứ làm người đọc phải bâng khuâng, phải suy nghĩ… Ngoài cái thật, cái mộc, Lê Thanh Minh còn đưa vào trang viết cái hài hước, cái hóm hỉnh, làm cho bạn đọc phải bật cười khe khẽ. Nói về anh rất khó. Xếp văn của anh vào thể loại nào còn khó hơn. Người đọc cứ có cảm giác anh chẳng theo một lề lối, một khuôn mẫu nào. Cứ như anh đang đi dạo bên lề dòng chảy văn chương đương đại vậy.
Con đường vô tận là cuốn bút ký ghi lại chuyến hành trình của tác giả về miền đất Phật – Lâm Tỳ Ni- Ấn Độ, nơi Phật sinh ra, nơi đắc đạo, nơi giảng pháp đầu tiên và nơi Ngài nhập diệt.
Tác giả chia sẻ “Tôi đang đi trên con đường vô tận, không phải người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng. Trước tôi có nhiều người đã đi rồi và sau tôi sẽ còn nhiều người đi nữa. Con đường không có mở đầu, cũng không có kết thúc. Nó là “Con đường vô tận.” Nước mắt và nụ cười không phải là cặp phạm trù đối lập như bạn nghĩ. Tôi không dại gì múa rìu qua mắt của bạn. Tôi đang bàn việc của mình, kể câu chuyện của mình. Nếu được, bạn nên bình tĩnh lắng nghe câu chuyện của tôi. Cái tôi nhìn thấy, cái tôi cảm nhận được là cái mà tôi sẽ kể với bạn.
Tôi cứ trăn trở mãi câu chuyện nụ cười hạnh phúc mà thầy Pháp Niệm, đệ tử của sư ông Làng Mai, đã kể trong cuộc hành trình “Theo dấu chân Bụt.” “Lần trước, nhân chuyến hành hương về quê hương của Bụt, thầy gặp một đứa bé ăn xin. Thầy thấy nó nghèo khổ tội nghiệp ghê lắm. Thầy không cho nó tiền, biết vì sao không? Tiền không giúp được nó, không mang lại cho nó hạnh phúc. Thầy bèn giảng pháp cho nó nghe. Nó đi theo thầy, trên môi nó hiện ra nụ cười hạnh phúc. Trong giây phút thực sự hạnh phúc đó, nó quên đi thân phận ăn mày của nó, quên đi cái đói đang hành hạ nó… Đạo của Đức Phật là làm sao cho chúng sinh được mỉm cười hạnh phúc, tâm được bình an… Để cho chúng sinh bớt phiền não, đau khổ…””