Nhẹ nhàng và giàu cảm xúc, “Thềm cũ đã xanh rêu” dẫn dắt người đọc đi từ miền Tây sang miền Đông, nhìn lại tuổi thơ với đôi mắt của một người thấm đủ gió sương.
Đối với tác giả – nhà báo Nguyễn Minh Hải, tuổi thơ là những ngày xách rổ hái rau, câu cua bắt cá, canh vịt đẻ đồng; là những đọt lang, bình bát, bần… dân dã mà ngát hương hoài niệm; là lúc vui đùa xúm xít bên bạn bè năm xưa hay phút giây đắm chìm trong những cuốn sách sờn cũ…
Tuổi thơ ấy được vùng đất Nam bộ hào sảng ấp ôm, trải dài qua thập niên tám mươi, chín mươi khi đất nước đang từng ngày đổi mới. Thời ấy điện vẫn chưa kéo đến miền quê, lũ hạn hãy còn làm quặn đau từng nông dân cần lao. Vậy mà trong gian khổ, tuổi thơ ấy vẫn sáng trong như nước giếng làng.
Nhẹ nhàng và giàu cảm xúc, Thềm cũ đã xanh rêu gồm 40 tản văn chắt lọc từ hơn 20 năm viết lách của tác giả sẽ dẫn dắt người đọc đi từ miền Tây sang miền Đông, kể từng câu chuyện xưa cũ, nhìn lại tuổi thơ với đôi mắt của một người đã thấm đủ gió sương, vượt khó vươn lên từ làng quê cơ cực. Đọc những trang văn hoài niệm ấy, hẳn bạn đọc cũng bồi hồi với dòng ký ức của mình, và nhớ mãi một thời ngọt ngào thơ ngây.
Không chỉ là những câu chuyện mà tác giả kể về gia đình mình, cuộc sống ở vùng quê mình mà ẩn sau đó còn là những chiêm nghiệm về cuộc đời, về sự đổi thay của thời cuộc. Trong từng lát cắt nhỏ, người viết bỏ thêm chút cảm xúc, chút bình luận làm cho mỗi lát cắt ấy sâu sắc hơn, tràn đầy những niềm riêng mà đọc lướt qua không thể nào thấy được.
Cuốn sách có thể dành cho mọi độ tuổi. Người trẻ đọc để thấy được những điều dần dần chỉ còn trong lời kể của người lớn. Người không còn trẻ đọc để nhớ về những điều đã từng gắn bó nửa cuộc đời. Dù là ai, dù sống ở bất kỳ đâu, dù làm bất kỳ công việc gì khi cùng ngồi xuống đưa tay lướt qua từng con chữ, sẽ thấy quê hương cùng ký ức tươi đẹp nhất của tuổi thơ hiện ra.
Thềm cũ đã xanh rêu không chỉ là một quyển sách, mà đó còn là một sự chữa lành, một cuốn phim đầy tình tiết thú vị về miền ký ức xa xăm.
Tác giả – nhà báo Nguyễn Minh Hải, quê ở Bến Tre, anh làm báo từ năm 1998, hiện công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM. Anh chia sẻ: “ Đôi lúc, tôi cũng bâng khuâng nhớ lại những điều xưa cũ, nhất là trong bối cảnh xã hội đang chuyển biến rất nhanh như hiện nay. Có những điều nếu không nhắc lại, không kể lại sẽ dần bị quên lãng. Tôi không có tham vọng kể được mọi chuyện mà chỉ kể những điều giản dị mình thấy, mình nghe, những điều của gia đình, họ hàng cho người thân.
Các ký ức đó là các mảnh ghép về những người thân thuộc, các điều đã từng xảy ra, được nhớ lại, được kể lại không theo trật tự nào cả. Nhớ đến đâu thì kể đến đó. Chỉ có điều tất cả đều nằm ở hai trục chính, gắn với hai thời kỳ sống của bản thân tác giả: thời gian sống ở miền Tây và những năm sống ở miền Đông. Xen kẽ đó là các ký ức rời rạc khác mà tôi đã từng thấy, từng biết.
Có thể chuyện chưa hay nhưng chắc không thiếu những xúc cảm giản dị mà chân thật, xưa cũ mà thân quen, xa rời mà ấm áp. Ngoảnh đầu nhìn lại hẳn có chút ngùi ngùi nhưng cũng có nhiều điều thú vị. Dù man mác nhưng đó là động lực để chúng ta đi tới”.
Có thể bạn muốn xem
Cẩm Nang Diện Chẩn – Phương Pháp Đơn Giản Áp Dụng Tại Gia
Biết ơn không nhất thiết cần phải mắt thấy tai nghe…
Kỹ năng thoát nạn từ một số sự cố trong cuộc sống hàng ngày
Sự khác nhau giữa đọc văn bản trên mạng Internet và đọc sách
Sức sống bền bỉ của dòng chảy văn học kỳ ảo Việt Nam
Một Trần Nghệ Tông rất khác trong Nam Ông Mộng Lục
10 cuốn sách kỳ lạ nhất mọi thời đại
Điểm đến cuộc đời
Cuốn sách đầu tiên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng