Qua nghiên cứu các công ty chuyển đổi số thành công, các tác giả sách “Tương lai số” đúc rút thành bốn lộ trình chuyển đổi.
Thế giới đang nhanh chóng số hóa, nền kinh tế số đã đi sâu vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đang tìm cách thích nghi, phát triển. Các công ty lao vào cuộc đua để tạo ra giá trị mới từ kỹ thuật số, biến giá trị đó thành lợi ích tài chính.
Kinh tế số mở ra cơ hội, nhưng cũng sẽ là rào cản với các công ty không nhanh chóng thích ứng. Cuốn sách Tương lai số của Peter Weill, Stephanie L.Woerner, Ina M.Sebastian được đánh giá là cẩm nang giúp cạnh tranh trong thời đại số.
Ở chương mở đầu sách, các tác giả định nghĩa thế nào là một công ty sẵn sàng cho tương lai số, thiết lập khung lý thuyết cho vấn đề, bao gồm những thay đổi về nền tảng công nghệ đến các khía cạnh “mềm” như xây dựng tầm nhìn rõ ràng, ngôn ngữ nội bộ chung, văn hóa doanh nghiệp.
Phần lớn nội dung sách là bốn lộ trình đưa doanh nghiệp đến tương lai số, bao gồm: 1. Số hóa, 2. Làm hài lòng khách hàng trước tiên, 3. Tập trung luân phiên, 4. Xây dựng đơn vị mới.
Các tác giả mô tả các phương pháp thực hành hay nhất (từ phân tích thống kê và phỏng vấn) và các nghiên cứu tình huống minh họa cách tiến lên trên hành trình sẵn sàng cho tương lai.
Ngoài mô tả chi tiết bốn lộ trình cho tương lai, sách cũng đề cập những khả năng sẽ xảy ra trong mỗi lộ trình. Để minh họa những phương án khác nhau theo từng công ty, các tác giả nghiên cứu tình huống thực tế của những công ty cụ thể, đi vào chi tiết từ khi xác định lộ trình biến đổi cho đến khi gặt hái thành công. Các công ty được nghiên cứu là: Danske Bank, mBank, BBVA, ING, Bancolombia.
Mỗi công ty đi theo từng lộ trình khác nhau hoặc áp dụng đa lộ trình đều có những khó khăn và cơ hội riêng, và thông qua những nghiên cứu tình huống chi tiết này, bạn có thể chọn được lộ trình phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.
Phần cuối sách thảo luận về vai trò lãnh đạo, bao gồm đội ngũ quản lý cấp cao và hội đồng quản trị, trong việc hướng dẫn công ty sẵn sàng cho tương lai. Một bảng tổng kết giá trị tích lũy theo thời gian với các mốc so sánh được đưa vào sách.
Tương lai số được giới quản trị doanh nghiệp đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn. Maile Carnegie, Giám đốc điều hành hoạt động bán lẻ, Ngân hàng ANZ Australia, nhận xét cuốn sách là “bản hướng dẫn chi tiết từng bước một để vượt qua hành trình chuyển đổi số nhiều hiểm nguy. Là cuốn sách phải đọc với bất kỳ nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào đang bắt tay hay đã tham gia vào thử thách chuyển đổi số”.
Giám đốc Công nghệ của BNP Parisbas Bernard Gavgani đánh giá: “Tương lai số là một tác phẩm nghệ thuật, đồng thời cũng hữu ích. Nó đi từ lý thuyết đến thực hành và triển khai, chỉ ra các phương pháp hay nhất mà các công ty hàng đầu đã sử dụng để điều chỉnh chiến lược kỹ thuật số và văn hóa của mình để thành công”.
Giám đốc Công nghệ Thông tin Disney Park Gail Evans đánh giá: “Cuối cùng cũng có một cuốn sách cung cấp đầy đủ các công cụ, chỉ số và ví dụ để bạn có thể vạch ra hành trình chuyển đổi số cho công ty mình! Việc trau dồi năng lực kỹ thuật số, hợp tác để tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng và học cách tạo ra giá trị số đã trở thành chiến lược bắt buộc để thành công. Một cuốn sách mà mọi nhà lãnh đạo đang dẫn dắt chuyển đổi số cần phải đọc”.
nguồn:https://znews.vn/bon-lo-trinh-de-chuyen-doi-so-post1468937.html
Có thể bạn muốn xem
Lịch Sử Vú
Ngày mẹ làm mẹ – Ngày bố làm bố (Bộ 4 tập)
Chạy trời không khỏi đau.
Truyền thông xã hội: Cách tạo lập và đưa ra một chiến lược thành công từ Financial Times
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng: Luôn cảm thấy mình “sinh ra để làm nhà văn”
Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm
Ra mắt cuốn tiểu sử chân thực nhất về Napoléon
Mô hình phân phối và bán lẻ
Phúc âm cho một người