Quản trị rủi ro là vấn đề quan trọng trong quản trị tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp, đặc biệt trong môi trường kinh tế thế giới ngày càng trở nên khó đoán định, tần suất của các cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên dày đặc và liên tục.
Tháng 6-2017, TS Harry Dent đã xuất bản cuốn sách mang tên “Thương vụ để đời” để cảnh báo một cuộc bong bóng có thể nổ ra trong giai đoạn 2017-2019.
“Bán sớm” là chiến lược khi đối diện với bong bóng
Chối bỏ sự tồn tại của bong bóng là một đặc điểm tự nhiên của các nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách và chuyên gia nghiên cứu, chỉ rất ít người nhận ra sự tồn tại của bong bóng. Qua đó, tác giả Harry Dent đã chỉ ra 7 nguyên tắc nhận biết bong bóng. Một trong những nguyên tắc của bong bóng là tăng trưởng diễn ra theo hàm số mũ và đây cũng là hiện tượng xảy ra ở cuối xu hướng tăng trưởng dài hạn.
Theo Harry Dent, con người có bản năng tự nhiên sinh ra bong bóng, nhưng lại có điểm mù với các bong bóng do chính chúng ta tạo ra. Đó là lý do tại sao ở thời điểm thị trường tài chính và nền kinh tế thiết lập đỉnh, chúng ta nghe rất nhiều những tuyên bố lạc quan: “Không hề có bong bóng”, “Sẽ không bao giờ có cuộc khủng hoảng nào nữa trong cuộc đời chúng ta”, “Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên chấm dứt khủng hoảng”… vì “đã đạt tới trạng thái ổn định dài hạn”, hoặc “thị trường đã đạt tới mặt bằng giá mới, được tất cả các NĐT chấp nhận và không thể có sự sụp đổ”.
Cái giá phải trả cho điểm mù này rất đắt. Sự sụp đổ của bong bóng hoàn toàn khác với sự điều chỉnh thông thường ở chỗ nó diễn ra rất nhanh, đến nỗi bạn không kịp phản ứng để tránh khỏi bị tổn thương. Đó chính là lý do tại sao gia tộc Rothschild luôn xem “bán sớm một chút” là bí quyết để xây dựng cơ nghiệp giàu có.
Trong “Thương vụ để đời”, Harry Dent chỉ ra 3 ngòi nổ lớn nhất cho cuộc khủng hoảng sắp tới. Đầu tiên là bong bóng bất động sản lớn nhất trong lịch sử tài chính hiện đại của Trung Quốc. Ngòi nổ thứ hai là cuộc khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu. Dầu mỏ là ngòi nổ thứ ba của cuộc khủng hoảng 2017-2019. Ba ngòi nổ này không hề tách biệt mà có mắt xích với nhau, tạo nên hiệu ứng domino toàn cầu.
Những bàn tay can thiệp
Chối bỏ sự tồn tại của bong bóng là điều thường xảy ra tại đỉnh thị trường. Do vậy NĐT cuốn theo lợi nhuận nên không thích bong bóng vì sự đổ vỡ. Chính phủ và các nhà điều hành chính sách chối bỏ, vì nếu thừa nhận càng làm cho sự đổ vỡ bong bóng xảy ra nhanh hơn. Nhưng sự chối bỏ không làm cho bong bóng biến mất, trái lại làm cho bạn tổn thương mạnh mẽ hơn vì sự bất cẩn trong giai đoạn nền kinh tế đổ vỡ.
Vì vậy, thông qua “Thương vụ để đời” Harry Dent muốn các NĐT nhận thấy nguy cơ xảy ra bong bóng đối với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Harry Dent đưa người đọc trải qua các chu kỳ bong bóng/đổ vỡ của lịch sử tài chính hiện đại, nhằm rút ra những bài học cho tương lai.
Một kết luận quan trọng từ lịch sử: “Mọi bong bóng luôn có bàn tay can thiệp của chính phủ. Bởi họ không đứng về phía NĐT, mà hành động vì lợi ích của nhà lãnh đạo. Họ không muốn sự đổ vỡ của nền kinh tế xảy ra trong nhiệm kỳ của họ, vì thế đưa ra những chính sách can thiệp đầy mạo hiểm nhằm trì hoãn.
Bằng chứng là thay vì để cho nền kinh tế đạt đỉnh tự nhiên theo tác động của chu kỳ nhân khẩu học vào năm 2007, FED (Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ) và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu lại thực hiện chính sách in tiền chưa từng có trong lịch sử, nhằm kéo dài bong bóng.
Harry Dent đã chỉ ra những biểu hiện của chính sách in tiền đang mang lại hiệu ứng trái ngược với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Tiền không chảy đến những người cần thiết là người tiêu dùng, mà được chuyển vào tay những gã đầu cơ. Bản thân các doanh nghiệp cũng không sử dụng dòng tiền để thực hiện các dự án đầu tư dài hạn nhằm tạo dựng giá trị cho doanh nghiệp, thay vào đó nợ được dùng để mua lại CP quỹ nhằm hỗ trợ giá CP cũng như tài trợ cho các mục tiêu M&A (nhằm làm đẹp kết quả kinh doanh ngắn hạn).
Ngày nay, các ngân hàng trung ương buộc phải thu hẹp và rút các chương trình nới lỏng định lượng khi lạm phát vẫn còn dưới mục tiêu, vì nhận ra sự thất bại của chính sách in tiền quá mức. Họ lo sợ việc in tiền đang thổi phồng các bong bóng tài sản tài chính thay vì tạo ra lạm phát như mong đợi. Khi bác sĩ không còn tiêm thuốc, giảm phát sẽ bộc phát và sự đổ vỡ bong bóng sẽ phá hủy mọi thứ.
Để sinh tồn và trở nên thịnh vượng?
Giảm phát nguy hiểm hơn lạm phát, vì có rất ít nơi để bạn trú ẩn trong giai đoạn đầu của sự đổ vỡ. “Bán sớm” là nguyên tắc sống còn khi bong bóng đổ vỡ. Tránh xa các trái phiếu rác (junk bond) hoặc các trái phiếu có lợi suất cao, vì đây là nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Bất động sản, trái phiếu chính phủ, vàng, CP của các công ty tiện ích không có tính chu kỳ hoặc cổ tức cao, đều không phải là nơi trú ẩn an toàn, thay vào đó nắm giữ nhiều tiền mặt nhất có thể. Các doanh nghiệp nên tiến hành điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo hướng phòng thủ: cắt giảm các mảng kinh doanh không hiệu quả, giảm thiểu định phí, chỉ giữ lại các bất động sản có tính chiến lược để duy trì hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cố gắng tạo ra nhiều dòng tiền càng tốt.
Mùa đông rồi sẽ qua đi và giai đoạn tăng trưởng mùa xuân sẽ nối tiếp theo sau. Vì thế, bạn cần nhìn nhận cuộc khủng hoảng sắp tới dưới con mắt “cơ hội tạo dựng sự giàu có”. Hãy lập sẵn kế hoạch đầu tư và thâu tóm để hành động một cách nhanh chóng và quyết đoán. Khi tất cả mọi người đều tỏ ra sợ hãi vì đã bán tháo CP, bất động sản, các doanh nghiệp rơi vào khó khăn hoặc phá sản, đó là thời điểm bạn có thể vung tiền mua sắm. Hãy nhớ rằng, bạn nhất định phải bảo toàn tài sản trước khi nghĩ đến chuyện chớp lấy các thương vụ để đời.
Doanh nghiệp, NĐT có thể tham khảo “Thương vụ để đời” đã được mua bản quyền, dịch ra tiếng Việt và phân phối độc quyền tại: textbook.edu.vn.
theo TRẦN HẢI/SGGPO