Ngày 12-2, buổi giao lưu tọa đàm với tác giả “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” – tác giả Nguyễn Thái Long, người lính trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979 đã được tổ chức tại Hà Nội.
Đèo Khau Chỉa nằm cách cửa khẩu Tà Lùng trên biên giới Việt – Trung khoảng 10km. Án ngữ trên Quốc lộ 3 dẫn từ biên giới với Trung Quốc về trung tâm tỉnh Cao Bằng, rồi từ đó tiến sâu vào nội địa Việt Nam, đèo Khau Chỉa trở thành một tuyến phòng ngự quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979.
Là một người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận Khau Chỉa, những ký ức về đồng đội, về những năm tháng bên nhau bảo vệ biên cương luôn trở về đã thôi thúc tác giả Nguyễn Thái Long cầm bút. Sau nhiều năm miệt mài viết, miệt mài thu thập, lưu trữ thêm thông tin, tư liệu quý giá từ các đồng đội cuốn Tiếng vọng đèo Khau Chỉa đã ra đời.
Xuất hiện dày đặc trong cuốn sách là những tên người, tên địa danh gắn liền với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Đó phần lớn là những đồng chí, đồng đội của tác giả, những người từng trực tiếp cầm súng chiến đấu trong cuộc chiến tranh.
Trong số họ, người đã mất, người còn sống. Nhưng điều quan trọng là tác giả nhắc đến họ không đơn giản vì có liên quan các sự kiện lịch sử, mà hơn thế, tác giả muốn nhìn thấy ở họ một biểu tượng bất khuất của tinh thần yêu nước.
PGS-TS Lê Văn Cương chia sẻ: Cuốn sách không chỉ đem đến cho tôi những ký ức cảm động trào nước mắt, mà còn cung cấp những tư liệu lịch sử đặc sắc và độc đáo. Qua những gì tận mắt chứng kiến và tận tai lắng nghe từ các đồng đội của mình, Nguyễn Thái Long từ từ tái hiện trung thực các sự kiện đến từng chi tiết nhỏ, kể lại những suy tư và hành động dũng cảm vô song của các sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, của đồng bào các dân tộc trên mặt trận Cao Bằng – Hà Giang trong cuốn hồi ức chiến tranh Tiếng vọng đèo Khau Chỉa.
“Ký ức chiến tranh trong cuốn sách này là của tôi, của đồng đội tôi, của đơn vị tôi. Những tên người, địa danh trong cuốn sách đều được giữ nguyên. Tôi không phải là nhà văn, nhà báo nên cuốn sách viết ra thật khó khăn và phải viết đi, viết lại nhiều lần. Nhưng nếu không viết ra, tôi như mắc nợ các anh em đồng đội của mình, mắc nợ nhân dân Cao Bằng đã sát cánh cùng chúng tôi chiến đấu và có lỗi với con cháu mình vì đã để chúng không biết gì về Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên…”, tác giả viết.
“Cùng với nhiều cuốn sách khác, cuốn Tiếng vọng đèo Khau Chỉa đã để lại cho các thế hệ muôn đời sau một kho tư liệu vô giá mà nhờ đó họ sẽ được sống lại và cảm nhận được hơi thở, nhịp đập, sức nóng lên chiến trường Cao Bằng, Hà Giang nói riêng và trên toàn tuyến biên giới phía bắc những năm 1979-1989 nói chung. Và cũng qua đó, các thế hệ sau sẽ rút ra được từ cuộc chiến tranh này những bài học quan trọng về dã tâm của kẻ xâm lược, về tinh thần chiến đấu quả cảm nhưng thấm đẫm nhân văn, nhân ái của quân dân chúng ta”, PGS- TS Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Có thể bạn muốn xem
Chiến Quốc Tung Hoành: Thế Cục Quỷ Cốc Tử
Bí quyết giúp tiết kiệm điện khi sử dụng máy lạnh
Bếp xanh chữa lành: Dinh dưỡng cho người bệnh và phương pháp giúp cơ thể tự chữa lành
Cô gái 9X ra mắt sách về diễn xướng dân gian
National Differences in Cultural and Economy Political – Sự khác biệt về văn hóa và kinh tế chính trị giữa các quốc gia
Ra mắt hai tuyển tập văn chương của nhiều thế hệ
Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách
“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” từ góc nhìn của một nhà báo nữ
Những hạt bùn vạn dặm