Thời gian qua, nhiều nhà văn đã mạnh dạn “hoài cổ” với những truyện, tiểu thuyết lịch sử – đề tài thường không dễ, bởi nhìn người xưa, việc xưa qua lăng kính ngày nay, nếu không khéo sẽ có những ý kiến trái chiều. Trong khi đó, với một số nhân vật, hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau, nếu nhà văn dựng lại theo một góc nhìn nào đó cũng dễ bị cho là thiên kiến, phiến diện.
Thiệu Bảo Bình Nguyên, một bộ sách tiểu thuyết lịch sử mới nhất hiện nay
1. Vượt qua những rào cản về không gian, bối cảnh, ngôn ngữ…, nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn riêng trong nền văn học nước nhà, như Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Bão táp triều Trần, Tám đời vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Dương của Trường An, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Oan khuất của Bùi Anh Tấn, Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang… Về các nhân vật và bối cảnh gần hơn, có Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ và Ba người khác của Tô Hoài, Búp sen xanh của Sơn Tùng, Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng… Dĩ nhiên, nói tác phẩm nào là hoàn chỉnh nhất thì e rất khó, bởi gần như tác phẩm nào cũng có những tiểu tiết cần điều chỉnh, nhất là các sự kiện lịch sử, vốn không dễ minh định khi không mấy ai am tường tất cả ở các góc khuất của một lát cắt trong một bối cảnh lịch sử nhất định.
Các truyện, tiểu thuyết lịch sử thường có nội dung tiếp cận các xu hướng: Thứ nhất, “vẽ lại” một không gian lịch sử với bối cảnh không gian và xã hội, ngỏ hầu giới thiệu với độc giả một lát cắt về một khoảng thời gian đã qua trong lịch sử nước nhà. Từ đó khơi gợi tinh thần yêu nước, gìn giữ bản sắc văn học dân tộc, kể cả bài trừ những tập tục lạc hậu. Thứ hai, ca ngợi những nhân vật, thế hệ anh hùng đã có những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; các nhân vật có khi là người nổi tiếng, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nước nhà, nhưng cũng có khi chỉ là những đại diện của các giai tầng, các thế hệ “ẩn danh” hoặc tên tuổi của họ đã hòa với núi sông. Thứ ba, nhìn nhận lại về một nhân vật, một sự kiện lịch sử theo lăng kính mới, với những tư liệu mới, những góc nhìn mới để người đọc có điều kiện chiêm nghiệm về nhân vật đó một cách khách quan hơn, thay vì quá nặng định kiến như lâu nay đã “mặc định”. Thứ tư, lấy chuyện xưa để nói chuyện nay, mượn một nhân vật, một sự kiện, một khoảng thời gian của lịch sử để làm bài học cho ngày nay với những nét tương đồng nào đó… Xét ở nhiều góc độ, những truyện lịch sử tốt sẽ có ý nghĩa thiết thực cả về mặt giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức thẩm mỹ…, đồng thời khơi gợi người đọc có thêm hứng khởi với lịch sử của dân tộc.
2. Không chỉ vậy, các truyện, tiểu thuyết lịch sử đã giúp tái hiện không gian, thời gian và con người vốn đã bị lớp bụi thời gian làm mờ đi ở nhiều phương diện. Nếu không được ai nhắc tới, có lẽ càng về sau sự mờ nhạt càng thể hiện rõ hơn, tức là có những lát cắt của lịch sử sẽ bị mai một với công chúng, hoặc bản thân nó chỉ “nằm yên” trong sử sách chứ không được rộng rãi công chúng biết tới, nhớ tới. Chính các truyện, tiểu thuyết lịch sử đã làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa tiền nhân với con người đương đại và sẽ tiếp tục giữ vai trò đó trong tiến trình lịch sử dân tộc. Bộ tiểu thuyết lịch sử có thể coi là đồ sộ và có giá trị bậc nhất của nền văn học nước nhà là Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái đã tái hiện được bối cảnh nước nhà những năm cuối thế kỷ XVIII và trở thành tư liệu, đề tài cho bao nhiêu tác phẩm văn học, nghệ thuật khác. Và nhờ bộ tiểu thuyết này, một khoảng không gian đặc quánh các sự kiện với rất nhiều biến động của lịch sử dân tộc đã được thế hệ ngày nay nhìn lại tường tận hơn.
Thế nhưng, không phải truyện hay tiểu thuyết lịch sử nào cũng có giá trị thực sự. Ngoài những hạn chế về tư liệu, ngôn ngữ, bối cảnh…, còn nhiều hạn chế khác về lập trường, quan điểm, ý thức chính trị, nhận thức thẩm mỹ… Báo chí đã phản ánh cuốn Việt Lam Xuân Thu, một cuốn tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán, không rõ tác giả, do Lê Hoan biên soạn, hiệu đính và xuất bản vào những năm đầu thế kỷ XX (cuốn này gần đây được Lê Sơn dịch và đổi thành tên mới là Khởi nghĩa Lam Sơn do NXB Từ Điển Bách Khoa ấn hành), có rất nhiều chi tiết sai sự thật và mang dụng ý xuyên tạc lịch sử. Hay cuốn Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang có những chi tiết lịch sử được tác giả chắp vá, lắp ghép một cách vụng về nên trở nên sai lệch ngây ngô. Truyện Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga (đăng trên báo Văn nghệ) có những hư cấu “quá đà” khi có ý khen ngợi “Việt gian” Trần Ích Tắc, tướng giặc Thoát Hoan mà xem nhẹ sự hy sinh của An Tư công chúa. Trước đó, Trở về Lệ Chi viên trong tập truyện ngắn Tột đỉnh tình yêu của Nguyễn Thúy Ái có góc nhìn rất lệch lạc về hai nhân vật nổi tiếng là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Gần đây nhất là cuốn Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ “dậy sóng” với những đoạn viết về tính dục một cách thô kệch, vụng về và tự nhiên chủ nghĩa. Ở các tác phẩm này, dường như yếu tố trung thực, định hướng, giáo dục và thẩm mỹ đã bị tác giả xem nhẹ, thậm chí gạt qua một bên, để bay bổng với những yếu tố khác, nặng hư cấu, tính dục, thiên về “nhìn lại” với góc nhìn gây sốc hơn là phù hợp sự thật lịch sử hay tính logic của sự kiện và tâm lý nhân vật.
3. Có thể nói rằng, người viết truyện lịch sử phải là người am hiểu lịch sử, từ các sự kiện, con người, văn hóa, ngôn ngữ, trang phục… cho đến “hậu trường chính trị”, văn học dân gian của giai đoạn lịch sử đó. Nhà văn có thể mượn các câu chuyện dân gian, mượn dã sử và hoàn toàn có quyền hư cấu nhưng phải trong một khuôn khổ nhất định và bảo đảm rằng nội dung câu chuyện không đi quá xa sự thật lịch sử hoặc làm đảo lộn lịch sử, thay đổi cơ bản tính chất sự kiện hoặc bản chất một nhân vật. Việc hư cấu đó phải thực sự bảo đảm logic về mặt diễn tiến lịch sử và diễn biến của câu chuyện, chứ không phải theo ý đồ chủ quan của tác giả. Đồng thời, nhà văn không được lấy nhãn quan hay lối sống thời nay để áp cho nhân vật thời xưa, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa, phong tục, đạo đức của xã hội đó.
Trên hết, nhà văn phải thực sự tôn trọng nhân vật của mình, dù yêu hay ghét. Một nhân vật có công với đất nước, dù có những hạn chế khác và làm tác giả không thích, nhưng vẫn phải ghi nhận công lao đó. Một nhân vật phản quốc, dù có những điều làm tác giả yêu thích, thì khi xây dựng nhân vật cũng không được đảo lộn thực tế lịch sử. Hay khi “gắn” cho nhân vật lời nói, hành động, thái độ…, cũng phải tôn trọng nhân vật, nhất là các nhân vật lịch sử, có những dấu ấn nhất định trong lịch sử.
Xét cho cùng, đã là một tác phẩm văn học, không phải tác phẩm nghiên cứu lịch sử, các đòi hỏi về tính chính xác, tính trung thực, tính khoa học… không quá cao. Nhà văn có quyền bay bổng với ngòi bút của mình để dựng nên một nhân vật có da có thịt, có tướng mạo, râu tóc khác với hình dung của người khác, hoặc của nhiều người đã từng nghĩ. Dẫu vậy, sự “khác” đó không được tùy tiện, vô lối, xuyên tạc mà vẫn phải bảo đảm một yêu cầu rằng, khi người đọc đọc qua phác họa đó vẫn nhận ra nhân vật như sự thật vốn có! Có lẽ điều này xuất phát từ cái tâm và cái tài của người cầm bút!
TRỊNH MINH GIANG/SGGPO
Có thể bạn muốn xem
Thiền chữa lành thân và tâm
Chánh niệm ứng dụng – mỗi bữa ăn là một phước lành
Fryderyk Chopin: Cuộc đời và thời đại
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ra mắt sách ngợi ca lực lượng Gìn giữ hòa bình
Sống dậy một Hà Nội thời thương khó đầy lạc quan
Lòng người – Kokoro
9 cuốn sách hay về lịch sử thế giới
Ra mắt sách song ngữ Chuyện mùa trăng
Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn