Với lịch sử phát triển lâu dài, mang nhiều ý nghĩa và giá trị, chữ Quốc ngữ có vai trò quan trọng và cần được tôn vinh, gìn giữ sự trong sáng.
“Tựu trung hay tựu chung”, “co giãn hay co dãn”, “giùm hay dùm”, “chòng chành hay tròng trành”, “cổ súy hay cổ xúy”, “khinh xuất hay khinh suất”? Những cụm từ thường gặp, thường sử dụng trong cuộc sống song không phải ai cũng hiểu nghĩa và viết đúng. Trò chơi lựa chọn từ đúng này cũng nằm trong phần mở đầu của chương trình giao lưu “Lịch sử chữ Quốc ngữ và tiếng Việt” do Thái Hà Books tổ chức ngày 16/3 tại Hà Nội.
Không chỉ tìm hiểu về cội nguồn, bàn luận về sự đa dạng, giàu có, chương trình còn có mục tiêu tôn vinh ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Sự kiện có sự tham gia của ông Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong, ông Phạm Đắc Bi – Tiến sĩ kỹ thuật phát thanh truyền hình, nhà văn Hoàng Minh Tường, ông Đỗ Anh Vũ – Ban Văn học Nghệ Thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam và ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books.
Chữ Quốc ngữ giàu đẹp
Những người yêu tiếng Việt bình thường và một số tài liệu khi nói đến chữ Quốc ngữ thường nhầm tưởng rằng Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (thường gọi là Đắc Lộ), tác giả cuốn Từ điển Việt – Bồ – La in tại La Mã năm 1951 là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Thế nhưng, sự thật chưa hẳn vậy.
Theo các nghiên cứu sau này đã làm rõ, có thể khẳng định rằng chữ Quốc ngữ ra đời sau một quá trình dài từ năm 1618 đến 1625 với sự hợp tác của nhiều người. Và đa số họ là người Bồ Đào Nha, người Italy cùng một số người Việt góp sức.
Nhờ những nỗ lực bền bỉ, bộ chữ Việt ghi âm bằng chữ cái Latin dần dần hình thành trong suốt nửa đầu thế kỷ XVII, nhằm mục đích giúp người phương Tây học tiếng Việt và giúp người Việt học các ngôn ngữ phương Tây được dễ dàng, phục vụ cho sứ mệnh ban đầu là truyền bá tôn giáo tại Việt Nam.
Nhà văn Hoàng Minh Tường cho rằng dù hiện nay mọi người đều sử dụng chữ Quốc ngữ hàng ngày, đọc sách, xem thư từ, Internet, không phải ai cũng nắm được lịch sử ra đời của nó và nên có những bài giảng, bài chia sẻ trong nhà trường về chủ đề này.
Tiếng Việt giàu đẹp, đa dạng và được phát triển hoàn thiện như hiện nay song cũng đang bị một bộ phận người trẻ biến tấu, sử dụng lệch chuẩn nhất là trên mạng xã hội. Một khán giả tại sự kiện bày tỏ trăn trở về việc nên chăng có những quy định để quản lý.
Trước vấn đề này, ông Đỗ Anh Vũ cho rằng ngôn ngữ mạng được nhiều bạn trẻ sử dụng hiện nay không phải là kiểu ngôn ngữ chuẩn mực được in trong sách vở.
“Chúng tôi gọi đó là môi trường phi chính thống, không thể có luật pháp nào bắt các bạn ấy phải viết thật đúng, nghiêm chỉnh cả, cái đó cũng thuộc về quyền cá nhân nên không thể có chế tài hay quy định phạt.
Tuy nhiên, khi các bạn trẻ viết bài trên lớp, ví dụ viết văn, không thể nào sử dụng kiểu ngôn ngữ như vậy vì sẽ bị đánh lỗi chính tả, trừ điểm. Đó là khi viết nói ở nơi công cộng, viết sách, học sinh làm bài kiểm tra, những môi trường đó kéo chúng ta quay về sự chỉn chu, chuẩn mực”, ông nói.
Lan tỏa vẻ đẹp chữ Quốc ngữ
Chương trình giao lưu “Lịch sử chữ Quốc ngữ và tiếng Việt” cũng nhân dịp giới thiệu hai ấn phẩm Lịch sử chữ Quốc ngữ và Tiếng Việt ân tình.
Với Lịch sử chữ Quốc ngữ, linh mục Đỗ Quang Chính đã dựa trên các tài liệu để lại bởi chính các giáo sĩ và nghiên cứu về giai đoạn hình thành của chữ Quốc ngữ. Sự tiếp xúc của tác giả với các tài liệu đầu tay, được phân tích theo phương pháp sử học, đã khiến tác giả vạch lại một cách cặn kẽ sự biến chuyển của cách thức viết chữ Quốc ngữ trong tiền bán thế kỷ thứ XVII.
Trong khi đó, cuốn Tiếng Việt ân tình (gồm 5 phần: Từ Hán Việt; Chính tả; Địa danh; Thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ; Nội dung khác) không khai thác quá sâu về một đề tài cũng cũng không đi vào chi tiết với những lý luận chặt chẽ, khô khan, mà chỉ cố gắng trình bày ngắn gọn, súc tích nhất có thể, đủ cho người đọc cảm thấy hứng thú và nếu cần, họ sẽ tự tìm hiểu thêm.
nguồn: https://znews.vn/ton-vinh-su-giau-dep-cua-tieng-viet-va-chu-quoc-ngu-post1465290.html
Có thể bạn muốn xem
Nợ nước non – được viết từ tình yêu thiêng liêng dành cho Bác
Bố già – Mario Puzo
Ba cây bút nữ Y Ban, Thùy Dương và Võ Thị Xuân Hà cùng nhau ra mắt sách
Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina
Ra mắt sách kể chuyện “bếp núc” của Kiều @
Sách Tết 2021: Giao hòa xưa và nay
Những khoảng khắc sao sáng của nhân loại
Sách được coi là phương thuốc cho những ngày tồi tệ
Những đứa con của cây cầu Long Biên