Tác phẩm “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ” in đậm dấu chân thể nghiệm của tác giả trong văn chương, ở vào giai đoạn sung sức nhất của nghề viết, đã từng mang về cho Nguyễn Ngọc Thuần một giải thưởng văn học trong nước cách đây 15 năm, sau đó, được dịch sang tiếng Nhật. Cũng là tác phẩm hàm chứa những đặc thù của phong cách văn chương Nguyễn Ngọc Thuần: đẩy xa tính mộng và tính thơ trong trò chơi ý tưởng bất tận.
Điều đó làm cho các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần vừa có độ quyến rũ của sự trong trẻo, lấp lánh, vừa gây ngạc nhiên thú vị bởi, một cách tự nhiên, anh trình bày một phiên bản lộn ngược của hiện thực – cái hiện thực bề mặt mà nhiều nhà văn chúng ta ngày nay đang bị cầm tù.
Như trong tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Thuần kéo về bầu khí quyển mặc nhiên của dụ ngôn, thi ca và huyễn mộng để triển khai một cuộc phiêu lưu ý tưởng đầy duy mỹ và buồn bã. Khu vườn được dựng lên trên đồi cao bằng ý chí, vô nhiễm với xung quanh nhưng chính nó lại là một trong những cơ tầng, di chỉ của lãng quên. Nó gom vào trong mình một âm bản nhân thế sơ khai, tinh khôi như vừa được sáng lập, lại như đã ngấm ngầm trượt khỏi miền thời gian thực hữu, một hình thức cô lập cuối cùng của sự sống.
Cái chết, sự sinh sản và vô vàn những biến cố diễn ra giữa rừng ám tượng đưa người đọc đi vào một không gian khác biệt của thứ sáng tạo nâng niu vết dấu huyền thoại tưởng đã lụi tàn hay bị vùi chôn trong một đời sống văn chương nệ thực.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thuần
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Công ty phát hành: Phanbook
Có thể bạn muốn xem
Cổ học tinh hoa
Nhiều nhà xuất bản ở Ukraine ngừng hoạt động
Bước tiến đáng kinh ngạc của sách điện tử công nghệ 4.0
Yoshida Shoin: Người trí thức chân chính trước cuộc Minh Trị Duy Tân
Hóa chất trong các sản phẩm tiêu dùng nhựa nguy hiểm như thế nào?
Tranh Tết – Nét tinh hoa truyền thống Việt
Đời Kinh Doanh
Bước Chân Theo Dấu Mặt Trời
“Bữa tiệc” sách phong phú từ “Tháng Ba sách Trẻ”