Triết Học Phật Giáo Việt Nam Thời Trần – Đỗ Hương Giang
Phật giáo Lý – Trần từ lâu đã được khẳng định là đỉnh cao, dấu son của hai nghìn năm lịch sử Phật giáo ở Việt Nam trên cả ba chiều kích tôn giáo (hoàn chỉnh về mặt cấu trúc, tông phái, số lượng tín đồ…), đến nỗi không ít người vẫn cho rằng nó đã trở thành quốc giáo thời Lý – Trần; về mặt ý thức hệ, Phật giáo thời kỳ này đã trở thành bệ đỡ tư tưởng chính trị cho nhà nước phong kiến Lý – Trần và phương diện văn hóa, Phật giáo Lý – Trần có vị trí quyết định đối với sự phát triển nền văn hóa chính thống, và có thể cả một phần văn hóa dân gian của nền văn minh Đại Việt.
Sử sách, các công trình nghiên cứu về Phật giáo thời kỳ Lý – Trần trong và ngoài nước đến nay không ít, và khối lượng những ấn phẩm như thế chưa thể dừng lại. Tuy vậy, có vẻ như bạn đọc còn mong mỏi những cuốn sách có tính chuyên khảo, có khả năng làm rõ những vấn đề cơ bản của “thực tại Phật giáo Lý – Trần”. Trong chiều hướng nhận biết như thế, tư tưởng triết học của Phật giáo Lý – Trần có lẽ vẫn là những đòi hỏi cơ bản, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu chuyên môn mà cả của đông đảo bạn đọc nói chung.
Hiểu sâu sắc về điều này, tác giả Đỗ Hương Giang đã chọn Triết học Phật giáo thời Trần làm đề tài Luận án Tiến sĩ Triết học của mình. Cuốn sách chuyên khảo Triết học Phật giáo Vỉệt Nam thời Trần mà các bạn đang có trên tay là kết quả của quá trình ấy, sau khi hoàn chỉnh và nâng cao phần nội dung.
Trong Triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần, tác giả đã đưa ra cái nhìn tương đối tổng thể về sự hình thành và phát triển của triết học Phật giáo thời Trần. Luận cứ của tác giả về các tiền đề văn hóa, tư tưởng cũng như “điều kiện lịch sử” của “triết học Phật giáo thời Trần” là khá thuyết phục, đây đó lấp lánh những suy tư, lối cắt nghĩa mới. Mặc dù, điều này đã được rất nhiều người nghiên cứu để cập, ờ nhiều góc độ, tuy nhiên, với ngòi bút triết hoc, tác giả đã phân tích toàn diện hơn tác động của các yếu tổ nói trên trong việc hình thành và phát triển Phật giáo mới Trần.
Chủ đích của tập sách này đúng như sự bộc bạch của tác giả là sự mong muốn làm rõ những sắc thái độc đáo của tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần từ phương diện bản thể luận, nhân sinh quan đến nhận thức luận của các tông phái Phật giáo Bắc tông, nhất là của dòng Thiền ra đời trong chính cái nôi của thời đại ấy – Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Mong muốn của tác giả không chỉ đóng khung trong việc thể hiện “câu chuyện triết học” qua Phật giáo thời Trần mà còn hướng tới sự tìm hiểu đặc điểm, vai trò của hệ tư tưởng triết học Phật giáo.
Các nhà sử học, văn học, tôn giáo học ở nước ta lâu nay đã bàn luận nhiều về đặc điểm và giá trị thực tiễn của tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần như tính nhập thế, tính nhân bản… Đến lượt mình, tác giả tập sách này đã nỗ lực khu biệt thành những đặc điểm nổi bật của dòng triết học Phật giáo thời đại này dựa trên ba căn tính: tính tổng hợp uyển chuyển, tính nhập thế tích cực và tính nhân bản sâu sắc.
Về vai trò của triết học Phật giáo thời Trần, tác giả cũng có được những trang viết khá hấp dẫn trong lĩnh vực xây dựng thể chế chính trị, tổ chức xã hội và đặc biệt góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng một quốc gia Đại Việt hùng mạnh (hệ luận của việc 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông) với một nền “văn hiến Đại Việt” (Nguyễn Trãi).
Giới Tôn giáo học ở nước ta có một nhận định khá thống nhất rằng, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thời kỳ Lý – Trần nói riêng, thế mạnh là ở Phật giáo dân gian chứ không phải là Phật giáo bác học. Hy vọng tập sách này của tác giả Đỗ Hương Giang, tuy không thể thay đổi nhận định chung đó, nhưng cũng đã góp thêm một nỗ lực để làm rõ những gì mà Phật giáo bác học, ở đây là triết học Phật giáo thời Trần đã đạt được cũng thật đáng trân trọng.
Thời đại của Phật giáo Lý – Trần cũng là thời đại mà Tam thừa Phật giáo đã bộc lộ sự khác biệt cơ bản về Phật pháp. Nếu như với Phật giáo Nam tông (Theravada) vẫn lấy giải thoát từng cá nhân và “Đức Phật chỉ có một”, Phật giáo Kim Cương thừa tu tập với phương pháp bí truyền (Mật tông) và nhấn mạnh trí tuệ và tâm linh thì Phật giáo Bắc tông không chỉ coi trọng chính pháp, giải thoát “tập thể” mà còn nhấn mạnh sự đa dạng vê hình tướng của Đức Phật.
Trong khung cảnh đó, cũng như Phật giáo nhiều nước trong khu vực, Phật giáo thời Trần, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm đã hướng đến sự xóa bỏ ranh giới giữa Thiền và Tịnh (Độ Tông); sự quân bình giữa tâm linh và vận mệnh dân tộc. Đó chính là nguồn gốc tư tưởng triết học của “tính nhập thế tích cực”, như chữ mà tác giả dùng. Tất nhiên, tác giả đã không có được những điều kiện cần thiết để mở rộng sự so sánh, đối chiếu, phân tích với “Tam thừa Phật giáo” như chúng tôi nói ở trên. Là người có điều kiện theo dõi bước đi trong con đường khoa học của tác giả trẻ này, nhất là trong khuôn khổ thực hiện và bảo vệ Luận án Tiến sĩ Triết học, chúng tôi rất vui mừng được đọc trước và viết Lời giới thiệu.
Với tâm trạng đó, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc xa gần chuyên khảo đầu tay của tác giả Đỗ Hương Giang.
Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2017
GS.TS. Đỗ Quang Hưng
Có thể bạn muốn xem
Những quy định mới về sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023
Thung lũng Silicon thập niên 1950-1960
Amazon công bố top 100 cuốn sách hay nhất năm 2017
Những Cuốn Sách Nên Đọc Khi Buồn Chán
Đường về nô lệ
Ngủ ơi là ngủ – 5 tiếng là đủ
Chín vía gọi về
Xem tác phẩm, đọc cuộc đời
Hai tác phẩm cổ điển Triều Tiên được truyền đọc rộng rãi nhất