Câu chuyện về thân phận con người và tương lai của nhân loại

Từ góc nhìn tâm lý học xã hội, Trốn thoát tự do (Omega Plus và NXB Thế Giới) của tác giả Erich Fromm, tập trung vào khía cạnh có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc khủng hoảng văn hóa và xã hội trong thời đại của chúng ta: ý nghĩa của tự do đối với con người hiện đại.

Tự do là đích ngắm mà mọi người đều hướng đến, và nhiều khi người ta phải đấu tranh để giành lấy nó. Vậy mà ngay từ tựa đề cuốn sách, Erich Fromm đã khiến người đọc tò mò khi đặt ra một nghịch lý: nếu đã muốn sở hữu tự do, thì tại sao lại phải trốn thoát nó? Bằng cách tập trung vào khía cạnh có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc khủng hoảng văn hóa và xã hội trong thời đại của chúng ta, cuốn sách Trốn thoát tự do của Erich Fromm sẽ giải đáp những thắc mắc xoay quanh nghịch lý này, một cách thỏa đáng.

Trốn thoát tự do là một phần trong công trình nghiên cứu khái quát về cấu trúc tính cách của con người hiện đại và những vấn đề về tác động qua lại giữa các yếu tố tâm lý và xã hội mà tác giả đã dày công tìm hiểu suốt nhiều năm. Cuốn sách hàm chứa một nội dung vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa nhân văn lớn lao đối với con người và sự phát triển của xã hội hiện đại; qua đó, thể hiện sự tiếp nối dòng tư tưởng khám phá về con người trong tiến trình lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung, và của tâm lý học xã hội – chính trị nói riêng.

“Trốn thoát tự do” đã được tái bản 24 lần, được xem là tài liệu hữu ích dành cho những ai quan tâm đến tư tưởng phương Tây thời kì hiện đại nói riêng và lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung

Cuốn sách phân tích hiện tượng lo âu của con người, bắt nguồn từ sự tan vỡ của Thế giới Trung Cổ, nơi mà dù đầy rẫy hiểm nguy, con người vẫn cảm thấy bản thân được đảm bảo và an toàn. Sau nhiều thế kỷ đấu tranh, con người đã thành công trong việc tạo ra một kho của cải vật chất khổng lồ; xây dựng xã hội dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới… nhưng, như trong Trốn thoát tự do cố gắng chỉ ra, con người hiện đại vẫn đầy hoang mang và bị đủ các kiểu độc tài xúi giục từ bỏ tự do, hoặc đánh mất nó bằng cách biến bản thân mình thành một bánh răng nhỏ trong cỗ máy, được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng không phải là một con người tự do mà là một con robot.

Fromm nêu lên chủ đề chính của cuốn sách: “Con người, càng đạt được tự do theo ý nghĩa là bộc lộ chân tính độc đáo giữa con người và thiên nhiên thì càng trở nên một cá thể riêng biệt”, tức là, mỗi cá nhân, khi bộc lộ bản ngã của mình trong thế giới, họ được tự do và trở thành những cá thể riêng, độc đáo. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều đó, bởi họ bị quy định bởi môi trường và hoàn cảnh xã hội, họ ẩn mình vào trong xã hội, ngại bộc lộ cái riêng biệt, và vô hình trung, họ trốn thoát sự tự do của chính mình.

Fromm nhận định rằng, con người được sinh trưởng trong những kiểu gia đình khác nhau nên có những tính cách khác nhau, và vì thế cách hành xử cũng khác nhau. Vấn đề là không phải gia đình nào cũng là môi trường sống tốt nên con cái bị ảnh hưởng và nhân cách cũng được định hình từ những hoàn cảnh đầy những khiếm khuyết đó. Chính vì thế mà Fromm nói không phải ai cũng thực sự tự do trong cách hành xử của mình. Chính trong bối cảnh đó mà Fromm đề cao giá trị của tình yêu và tự do trong việc hình thành nhân cách. Ông cũng ước vọng về một xã hội nơi đó con người bình đẳng, tự do và hết lòng quan tâm đến nhau. Đó chính là những giá trị cao cả, nhân văn mà tư tưởng của Fromm hướng tới trong tác phẩm Trốn thoát tự do.

nguồn: https://www.sggp.org.vn/tron-thoat-tu-do-cau-chuyen-ve-than-phan-con-nguoi-va-tuong-lai-cua-nhan-loai-post674623.html