Dấu ấn Việt Nam trên trang văn của một người Ý
“Vàng trên biển đá đen” là tập sách thứ 3 của Elena Pucillo Trương, gồm 2 phần: truyện ngắn và tạp bút. Bà là người Ý, lấy chồng Việt Nam và đây là tác phẩm thể hiện rõ những trải nghiệm văn hóa của bà khi cùng chồng trở về sinh sống tại Việt Nam. Là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài, từng viết nhiều về đất nước và con người Việt Nam, nhưng có lẽ đây là tác phẩm mà nữ nhà văn người Ý dành nhiều tình cảm và tâm tư nhất. Từng trang viết thể hiện rõ sự thấu hiểu, đồng cảm và trải nghiệm cùng những cảm xúc của bà với nhân vật, với đất và người Việt Nam – nơi bà chọn gắn bó suốt phần đời còn lại. Cuốn sách này được chồng bà – ông Trương Văn Dân – dịch từ nguyên tác tiếng Ý.
Trong 14 truyện ngắn, có đến 12 truyện viết về phụ nữ với nhiều thân phận, tính cách, tuổi tác khác nhau. Mỗi câu chuyện được kể với giọng văn tự sự, với nỗi niềm, tâm lý của người trong cuộc, làm bật sự suy tư của nhân vật. Như người mẹ già trong truyện “Con chim nhỏ trong lồng”, người vợ trong truyện “Búp bê bằng sáp” luôn cô đơn, buồn khổ khi bị cô lập với thế giới bên ngoài. Hay tình cảm thiêng liêng của tình mẫu tử qua các truyện: “Thư viết cho mẹ”, “Trên đỉnh núi thiêng”, “Đợi chờ”.
Đa số các truyện đều nhuốm màu bi thương, bất hạnh nhưng qua đó, gửi gắm những thông điệp về tình thân, gia đình, nhân phẩm – những giá trị truyền thống trong văn hóa Á Đông. Ấm áp nhất là câu chuyện “Vàng trên biển đá đen”, tôn vinh thành quả của sự lao động qua hình ảnh nông dân gieo hạt làm đồng trên vùng cao nguyên đá ở Hà Giang. Góc nhìn đó được truyền tải qua nhân vật cô giáo trẻ từ thành thị về dạy học trên bản làng xa xôi, hẻo lánh. Người nông dân giúp cô nhận ra ý nghĩa của công việc đang làm: cô cũng đang gieo những “hạt giống tri thức” cho trẻ em vùng cao. Khi những hạt giống ấy nảy mầm, vươn cao, đó chính là “vàng” mà cô thu được.
Dành nhiều tình cảm cho đất nước và con người Việt Nam, văn chương của Elena Pucillo Trương mang đậm sự trải nghiệm văn hóa. 11 bài viết về chân dung – tạp bút của bà là góc nhìn đa chiều về mọi mặt. Trong đó, khắc họa rõ nét chân dung những người bạn thân thiết, dành nhiều tâm huyết cho văn học nghệ thuật như: họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Nguyên Minh, Nhật Chiêu, Phạm Cao Hoàng, biên kịch Sâm Thương…
Đặc biệt, trên những cung đường khám phá Việt Nam: Hà Nội, Huế, Vũng Tàu, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh… ngoài cảnh đẹp và những món ăn ngon, hành trang của nữ văn sĩ còn chứa đầy cảm xúc với sự hiếu khách, thân thiện của những người dân địa phương, của bạn bè ở các tỉnh, thành. Những trang viết của bà vì thế mượt mà và thắm thiết hơn.
Theo báo Cần Thơ
Có thể bạn muốn xem
“Gia tài” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê đến với bạn đọc
Theo mẹ đi chợ Đồng Xuân.
Tủ sách chung cư, sợi dây gắn kết cộng đồng
5 hành động tuyệt đối phải tránh khi đi phỏng vấn xin việc
Cuốn sách ‘không thể cháy’ có giá 3 tỷ đồng
Cách để bắt chuyện với người khác
Tâm linh là gì? Như thế nào? Từ đâu? Tại sao?
Đẹp Là Một Nỗi Đau
Như mây đầu núi