Theo báo cáo Global Wealth Migration Review 2019 được công bố vào tháng 4 năm nay, các tỷ phú, triệu phú USD trên thế giới có xu hướng di cư đến Úc nhiều nhất với khoảng 12.000 người, con số này vượt qua cả Mỹ và Canada.
Bản báo cáo này được Ngân hàng AfrAsia và New World Wealth đồng khảo sát. Theo báo cáo, liên tục trong 4 năm liền, nước Úc được đánh giá là quốc gia có nhiều người giàu có di cư đến nhất thế giới, đặc biệt là các thành phố lớn như Sydney, Melbourne, Gold Coast và Perth từ lâu đã trở thành nơi tập trung những người di cư.
Năm vừa rồi, nước Mỹ xếp ở vị trí thứ hai khi đã đón khoảng 10.000 người giàu nhập cư, vị trí thứ 3 là Canada với khoảng 4.000 người đến từ các quốc gia trên thế giới.
Cũng theo bản báo cáo, Trung Quốc dẫn đầu thế giới khi có khoảng 15.000 người giàu có di cư sang nước ngoài. Vị trí thứ hai thuộc về nước Nga với 7.000 người, thứ 3 và thứ 4 lần lượt là Ấn Độ với 5.000 người và Thổ Nhĩ Kỳ với 4.000 người. Điều đáng chú ý là nước Anh do chịu ảnh hưởng của Brexit nên đã có 3.000 người giàu có di cư sang nước ngoài giống như ở Pháp.
Nước Úc nằm Nam bán cầu, đất rộng dân thưa, là quốc gia có diện tích lớn thứ 6 thế giới, đến nay dân số chỉ có hơn 25 triệu người, đây là quốc gia có mật độ dân số vô cùng thấp. Vào giai đoạn nửa sau thế kỷ 19, nước Úc dần phát triển trở thành một quốc gia tự do dân chủ thịnh vượng, kinh tế xã hội và mức sống của người dân nằm trong top đầu thế giới.
Vậy điều gì đã khiến nước Úc có thể vượt qua được những quốc gia phát triển thu hút người dân di cư khác để trở thành nơi nhập cư lý tưởng của những người giàu có trên khắp thế giới?
Dưới đây là một số nguyên nhân:
1. Khi tài sản của một người vượt qua con số 1 triệu đô la, đương nhiên họ sẽ nghĩ đến việc làm thế nào để giữ tài sản và phân chia tài sản v.v… Thuế di sản ở Mỹ lên đến 40%, Canada tuy không có thuế này, nhưng vẫn phải nộp khoản thuế khá cao khi thừa kế tài sản. Cũng có nghĩa là dù ở Mỹ hay Canada, nếu tài sản vượt qua một con số nhất định thì sau khi người này qua đời, một phần lớn tài sản sẽ thuộc về chính phủ, thậm chí bao gồm cả những tài sản cố định như nhà đất.
Ở Úc không có thuế di sản, những người giàu có sống tại Úc không cần phải lo lắng về vấn đề sau khi qua đời, người có tiền trước khi qua đời có thể chuyển giao toàn bộ tài sản cho người thân hoặc bạn bè theo nguyện vọng. Đây có thể là nguyên nhân thu hút nhất những người giàu có di cư đến sống tại Úc.
2. Đương nhiên là cảnh đẹp thiên nhiên và an ninh xã hội cũng khiến Úc trở thành quốc gia đáng sống nhất trên thế giới. Chính phủ Úc đang làm rất tốt trong việc bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng hệ sinh thái, rác thải ở đây được phân loại và tái chế, nguồn tài nguyên được sử dụng tuần hoàn, con người sống hòa hợp với thiên nhiên.
Chính phủ Úc có thể thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường đồng thời với việc phát triển kinh tế, người dân có ý thức khá cao, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, tỷ lệ phạm tội thấp. Theo bảng xếp hạng chỉ số toàn diện về môi trường của 180 quốc gia do Đại học Yale công bố, Úc đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách chất lượng không khí.
3.Dù giàu có hay không, việc cải thiện môi trường giáo dục và phát triển của thế hệ sau là một yếu tố quan trọng trong việc di cư. Công dân Úc được hưởng chế độ giáo dục công lập miễn phí 12 năm, học sinh có thể xin cho vay hoặc xin học bổng khi học đại học, học phí thấp hơn học phí của du học sinh nước ngoài, hơn nữa ở Úc có những trường đại học hàng đầu Nam bán cầu với chất lượng giáo dục rất cao.
4.Kỹ thuật y tế và phúc lợi y tế ở Úc luôn dẫn đầu thế giới. Phúc lợi y tế mà công dân Úc được hưởng cũng khiến thế giới ngưỡng mộ. Sau khi đăng ký Medicare, người dân có thể được chữa trị miễn phí, giá thuốc cũng rất thấp. Ngoài ra, chế độ quản lý an toàn thực phẩm của Úc cũng rất toàn diện, người di cư đến đây được đảm bảo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tóm lại, những ưu thế này rất phù hợp với nơi được gọi là “thiên đường” trong mắt những người giàu có, đây là lý do vì sao nước Úc có thể vượt qua được những quốc gia phát triển như Mỹ và Canada để trở thành nơi những người giàu có an cư lạc nghiệp lý tưởng nhất trên thế giới.
Thanh Long
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Trở về một đứa trẻ
Khai mạc Tuần lễ sách Nga tại TPHCM
Tặng sách và khẩu trang cho người dân và bác sĩ Đà Nẵng
Tàn lửa
Việt Nam qua góc nhìn của thi sĩ Mỹ
Lời thề Budapest
Chiếc Birkin Màu Cam – Tự Chủ Tài Chính Cá Nhân
Trường Ca Achilles
Những kỷ niệm dọc đường đời