Viết khi tâm đắc được chính tác giả, nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá giới thiệu là một “mẹt hàng xén” – nơi tập hợp những chắt lọc tinh hoa và tâm đắc trong sự nghiệp người viết chuyên nghiệp của mình. Cuốn sách thể hiện đầy đủ tâm thế xuyên suốt sự nghiệp của nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá: “Làm phê bình, không tâm đắc sẽ không thể viết được, nếu cố viết sẽ chỉ là những sản phẩm giả. Cụ Hoàng Ngọc Hiến sinh thời có viết: “Tôi viết phê bình để làm “sáng giá” và “sang giá” những tác phẩm tôi tâm đắc”. Tôi vẫn thường lấy câu ấy của thầy tôi làm phương châm khi viết phê bình.”. Vì thế, đây sẽ là một cuốn sách giá trị về phê bình văn học tại Việt Nam.
Viết khi tâm đắc là cuốn tiểu luận, phê bình văn học tập hợp hơn hai mươi bài viết trong khoảng thời gian 4 – 5 năm gần đây của nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá. Các bài tiểu luận viết về những tác giả, tác phẩm, vấn đề mà nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá cảm thấy thật tâm đắc. Cuốn sách tập hợp các bài viết chia làm hai phần: phần thứ nhất “Người xa về lại…” viết về những tác giả đã mất và tác phẩm, đóng góp của họ, những vấn đề văn học Việt Nam trong quá khứ (đóng góp của nhà nghiên cứu phê bình Kiều Thanh Quế, truyện ma và thiên hồi ký của Vũ Bằng, tác phẩm của Nguyễn Vỹ, Đoàn Văn Chúc, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Đồi thông hai mộ, tập thơ Vọng biển, tùy bút của Chu Văn Sơn, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, nữ nhà báo – nhà văn chiến tranh Dương Thị Xuân Quý); phần thứ hai “…Cùng người hôm nay” tập hợp bài viết về những tác giả còn sống, còn cống hiến những tác phẩm có giá trị cho đời sống văn học Việt Nam hiện nay, những vấn đề trong nền văn học Việt Nam ngày nay (vấn đề và những cách tân trong văn học Việt Nam sau 1975 đến nay, đóng góp của Lã Nguyên, tác phẩm và đặc trưng sáng tác của Đoàn Ngọc Hà, Đức Ban, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hùng, Đỗ Trọng Khơi, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Trần Hưng, các tác phẩm Thầy Đàn, Cảm ơn người lớn, Phố Hoài, Yersin: Dịch hạch và thổ tả, và suy nghĩ về số phận văn chương thời đại 4.0).
Trích đoạn hay trong sách
“Nếu như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là thông điệp hãy trở về với tuổi thơ, được sống lại tuổi thơ, tuổi thơ như những vị thuốc thần tiên để giúp mỗi người lớn sống đẹp đẽ hơn, ý nghĩa hơn, nhân bản hơn; thì đến lượt Cảm ơn người lớn, vẫn có ý vị của những thông điệp trên, nhưng nhà văn tập trung vào ý tưởng: Làm người lớn cũng thật chẳng dễ dàng gì, người lớn vẫn cứ “ngốc nghếch” mãi; nên tuổi thơ ơi, hãy biết thương người lớn, biết cảm thông cho người lớn. Té ra cuộc đời này thật lạ lùng: người lớn thì mãi mãi “ngốc ngếch”, còn trẻ con thì mãi mãi “điên điên”. Hãy cố mà hiểu nhau, cảm thông cho nhau, thì cuộc đời này bớt khổ, và đầy lên nhân ái.”
Trích trong “Cảm ơn người lớn – hậu Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”
“Quan sát đời sống văn học hiện thời, thấy có một xu hướng đáng lo: dường như thiên nhiên ngày càng suy giảm, thưa cạn trong trang viết của các nhà văn. Cắt nghĩa điều này không hẳn dễ. Có thể do cảm thức đô thị đang ở thế thượng phong? Hay các nhà văn bị hút vào những câu chuyện gay gắt của đời sống thế sự và xã hội? Hay cảm quan về chủ nghĩa nhân loại trung tâm vẫn đang còn thống ngự? Hoặc cũng có thể, ở tầng ý thức, các nhà văn chưa có một thái độ rõ rệt và mạnh mẽ về vấn đề văn học sinh thái?… Trong khi đó, trên thực tế, thiên nhiên, môi trường của chúng ta đang bị tàn hủy từng giờ từng ngày với đủ các loại động cơ khác nhau. Nếu không cẩn thận, rồi mai sau con cháu chúng ta sẽ trở nên trơ cằn và khánh kiệt về đời sống tinh thần, giá trị nhân văn, cả về kho tàng ngôn từ vô cùng giàu có được sinh ra từ cội nguồn thiên nhiên nhờ nỗ lực biểu đạt ngàn đời của cha ông.”
Trích trong “Thơ của niềm “trinh tĩnh” đầu nguồn”
Tác giả, nhà nghiên cứu phê bình Ngô Văn Giá
Có thể bạn muốn xem
Lê Quý Kỷ Sự
KẸO KÉO
Bay qua Hồ Gươm
Quảng cáo không nói láo
Bắc Ninh tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2023
Bố bỉm sữa nuôi con khác biệt
Nếu biết trăm năm là hữu hạn
Chúng ta sống bằng ẩn dụ
Đại tháp Sanchi