– Nội dung cuốn sách là nói về địa chí Ba Đồn, nhưng ông không ghi tên sách là “địa chí” như các cuốn sách tương tự mà là “Ba Đồn mạn thuật”, phải chăng ông muốn gửi gắm đều gì?

Địa chí là thể loại, còn tên sách tuỳ theo sự thể hiện mà người viết đặt tên. Như An Nam chí lược của Lê Tắc, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch. “Ba Đồn mạn thuật” là do TS Trần Hải Yến, người bạn chí thiết của tôi đặt cho. “Thuật” đây là trước thuật, tức biên soạn, viết sách, ghi chép; “mạn” chỉ sự phóng túng, không bó buộc (trong “mạn đàm”). “Mạn thuật” là một cách viết tổng hợp giữa nhiều thể loại (kể chuyện, ghi chép, bình luận, khảo cứu…). Cách viết tự do, nhẹ nhàng, thoải mái, không trói buộc, câu nệ. Nói chung đây là bút pháp tạo điều kiện cho người ta có rộng đất để diễn, đưa vào nhiều thông tin… dễ tiếp cận bạn đọc hơn là cách viết hàn lâm. Cũng là sở trường của tôi.

Tác giả: Nguyễn Quang Lập
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành: Khai Tâm

– Cuốn sách nói về lịch sử vùng đất quê hương ông, vậy tôi có thể gọi thêm ông là nhà nghiên cứu lịch sử được không, thưa nhà văn Nguyễn Quang Lập?

Trong “Ba Đồn mạn thuật” chỉ có 1/5 là lịch sử thôi, đó là phần III:” Sử lược” – phần ngắn nhất. Còn lại là địa lí (địa sử và địa chính), phong tục, văn hoá, văn minh… chiếm hầu hết cuốn sách. Viết rồi mới biết, viết sử dễ hơn nhiều viết địa chí. Tôi chỉ là nhà văn, không dám nhận nhà gì cả. Nhưng bạn bè gọi tôi là “nhà Ba Đồn học” thì tôi rất sướng và tự hào.

– Đọc cuốn sách, tôi có cảm giác như đang đọc một tác phẩm văn chương chứ không hẳn là một cuốn sách nói về địa chí, lịch sử một vùng đất. Mà văn chương là có yếu tố hư cấu, vậy các nội dung trong cuốn sách có các tình tiết hư cấu không, thưa nhà văn?

Điều đầu tiên và trên hết của địa chí là không được phép sáng tác. Bịa đặt và thêm thắt là điều tối kị. Người viết địa chí có thể bớt nhưng không được thêm. Nếu sách này được gọi là văn chương thì nó là loại văn chương phi hư cấu.

– Tôi nghĩ thành công của cuốn sách, sức lan tỏa của cuốn sách là ở chỗ ông đã lồng yếu tố văn chương vào lịch sử, để mọi người cảm nhận được hơn tình yêu quê hương qua từng sự kiện, từng câu chữ. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Vâng. Có thể hiểu như vậy. Điều mà tôi sướng nhất là lôi kéo được người làng cùng kể chuyện. Cùng với ca dao tục ngữ hò vè của người Ba Đồn, có hơn bốn chục người Ba Đồn đã tham gia trong cuốn sách này, giúp cho cuốn sách tự nhiên có tính văn, sinh động hẳn lên, hấp dẫn hẳn lên.

– Trong cuốn sách, ngoài những thông tin về lịch sử, địa lý… thì hình ảnh cháo canh Ba Đồn, Thịt chó Cu Loe hay đơn giản là Tục sợ ma được ông miêu tả rất rõ nét, vậy nên có lẽ không cần nói nhiều về tình yêu ông dành cho quê hương, ông có “đau đáu” gì với Ba Đồn trong tương lai?

Chỉ cần chục năm nữa Ba Đồn quê tôi sẽ là thành phố nhỏ xinh đẹp của miền Trung, dân quê tôi ngày mỗi khấm khá, tôi chẳng phải lo lắng gì. Chỉ mong sao mọi người yêu quê, nhớ quê. Dù đi đâu cũng không xao nhãng tình quê. Bởi vì, như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.