“Đường hoa” còn chịu ảnh hưởng của truyện tranh Nhật Bản nhưng chất chứa những nỗi niềm riêng mà chỉ có những ai từng “nằm gai nếm mật” với truyện tranh Việt Nam mới thấu hiểu.
Hai tập truyện Đường hoa (tác giả Lâm Hoàng Trúc) đong đầy những kỷ niệm về tuổi thơ, về niềm đam mê và về những khoảnh khắc buông bỏ của những ai ôm mộng cầm cọ vẽ.
Tất cả những điều đó được thể hiện rõ qua các tình tiết nhỏ: từ việc Trung sống giữa làng quê, nơi chỉ biết vẽ đôi chút là đã được khen “có tài”, tới việc cậu nhận ra mình chỉ là một chú cá hề giữa đại dương mênh mông.
Truyện tranh Đường hoa nói về ước mơ, khát vọng trở thành họa sĩ.
Tác giả Hoàng Trúc mang những mảnh ghép của cuộc đời người họa sĩ và kẻ đeo đuổi đam mê ghép lại, thành một bức tranh đồng hoa gắn liền với những gì thơ mộng nhất, rồi đánh đổ nó bằng hiện thực để nhen nhóm lên ngọn lửa nhiệt huyết một lần nữa cho những ai đã thất bại và từ bỏ.
Có nhiều định kiến cho rằng những họa sĩ thường là kẻ lông bông, quái dị, chẳng làm ra nhiều tiền. Ấn tượng về người họa sĩ theo nghề là sống trong đói rách, vẽ ra tác phẩm đẹp dường nào cũng chẳng được mấy người đoái hoài.
Trong Đường hoa, cách nghĩ này được thể hiện rõ nét nhất ở nhân vật người mẹ của Trung, nhưng theo một phương diện sâu sắc hơn. Có thể nói rằng, bất cứ độc giả nào theo dõi Đường hoa rồi cũng sẽ thấy bản thân mình ở một khung truyện nào đó, để nhớ lại những khoảnh khắc “trùm mền hý hoáy vẽ”, để cảm nhận được lý do vì sao đam mê của mình bị gia đình phản đối, và để bật khóc khi thấu hiểu được tấm lòng mẹ cha.
Đường hoa mang lại cho độc giả của nó nhiều ấn tượng lẫn kiến thức, nếu nói về ấn tượng mạnh mẽ, thì thứ lắng sâu nhất trong hai tập truyện sẽ là cảm xúc của người mẹ.
Tình yêu thương của bà vượt qua cả định kiến về “nghề họa sĩ mạt rệp”, vượt luôn cả sự muộn phiền khi nghĩ đến cuộc sống tương lai của con cái, chỉ để đọng lại những suy nghĩ chất phác, đầy tình mẫu tử: “Vì nó đã cố gắng đến như vậy mà vẫn trượt, thì mình không thể nào chấp nhận được”.
Hình ảnh trong sách Đường hoa.
Văn hóa đồng quê Việt Nam được thể hiện rõ trong Đường hoa, một phần cũng từ chính trải nghiệm thực tế về cuộc sống của chính tác giả. Tác giả Hoàng Trúc vốn xuất thân từ gia đình chuyên trồng hoa cảnh bán ngày Tết, vì thế những gì được cô thể hiện trong truyện là cuộc sống thực sự của người nông dân trồng hoa cảnh.
Văn hóa, đời sống của người nông dân trong Đường hoa được thể hiện nhẹ nhàng, giàu chi tiết, đôi lúc khiến người đọc bật cười, đôi lúc lại thấy ngậm ngùi khi nhớ về một thời “ngốc xít”, về những kỷ niệm tuổi thơ đã trôi đi vào hồi ức.
Lâm Hoàng Trúc chỉn chu trong từng nét vẽ. Cô chăm chút điều chỉnh độ sáng tối của khung truyện. Trúc vẽ chắc tay, nghiêm túc và tận tâm. Lời thoại trong truyện khi thì hóm hỉnh, lúc lại sâu sắc thể hiện rõ những trải nghiệm ngọt ngào lẫn nhọc nhằn mà tác giả đã trải qua.
Nét vẽ của Trúc vẫn còn chịu ảnh hưởng phong cách của tác giả Nhật Adaichi, nhưng vẫn có những nét riêng nhất định. Những trải nghiệm mà Trúc gửi gắm vào Đường hoa tinh tế mà nhẹ nhàng, khiến người đọc nếu đã quá tuổi 25 sẽ dễ dàng chìm trong hoài niệm.
Ngược lại, với những người trẻ, câu chuyện là lời khuyên nhủ và cảnh báo về những “điểm hụt chân” mà các bạn sẽ gặp phải ở tương lai, nhưng nếu vững tin và đủ đam mê thì lớp họa sĩ trẻ sẽ sớm vượt qua được, như anh chàng Trung đã đứng dậy đi cùng Mai giữa cánh đồng hoa rực rỡ trong Đường hoavậy.
Cuốn sách như thể hiện câu chuyện theo đuổi ước mơ của tác giả Lâm Hoàng Trúc (phải).
Có lẽ đã lâu lắm rồi, nền truyện tranh Việt Nam mới xuất hiện lại một tác phẩm không đặt nặng ở phong cách vẽ hay kĩ xảo xây dựng khung hình, mà lại tập trung thật sâu vào tâm lý nhân vật tinh tế đến vậy.
Lâm Hoàng Trúc là ví dụ tiêu biểu của những người cầm bút vẽ đặt tâm trên tầm, và đạt tầm từ tâm. Cách tác giả đặt bút, cách Trúc xây dựng cốt truyện, cách mà chị vẽ lên trang giấy trắng chất chứa quãng đường mà bất cứ người trẻ đam mê cây cọ mềm nào cũng phải trải qua… đều chan chứa những cảm xúc tinh khôi và lắng đọng nhất.
Đường hoa có thể khiến những người từng buông cọ, những người từ bỏ ước mơ châm lại ngọn lửa đam mê ngày nào. Đây là câu chuyện cho những người sắp bước trên con đường nghệ thuật và cho cả những người đã phải đau đớn dừng chân, là câu chuyện của quá khứ, cho hiện tại, để kiến tạo tương lai.
Tâm Nguyễn/Zing.vn