Với tiểu thuyết Bể trăng côi (NXB Trẻ), Huỳnh Trọng Khang mang đến một góc nhìn cùng những suy tư đầy thấm thía về thân phận con người trong những biến cố của cuộc đời, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua.

Huỳnh Trọng Khang thuộc lứa 9X, là gương mặt nổi bật của văn học trẻ TPHCM thời gian gần đây. Anh từng gây ấn tượng với các tác phẩm: Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ, Phật trong hẻm nhỏ… Tiểu thuyết Bể trăng côi vừa ra mắt, tiếp tục là tác phẩm như vậy. Không chỉ tiếp nối tinh thần Phật giáo từ tập truyện ngắn Phật trong hẻm nhỏ (ra mắt năm 2021), tác phẩm mới nhất của Huỳnh Trọng Khang còn mang đến những suy tư về thân phận con người trong bối cảnh đại dịch.

Với Bể trăng côi, khi đã có một độ lắng nhất định, Huỳnh Trọng Khang chọn khước từ với việc ghi chép sự kiện để khai thác và truyền tải đề tài đại dịch một cách khéo léo. Không gian tiểu thuyết của Bể trăng côi được mở ra với hành trình tìm đến núi Sa Mạo của hai thầy trò, từ một cái am nơi thâm sơn cùng cốc.

Hành trình càng trở nên đặc biệt hơn khi cả hai thầy trò cùng thực hành im lặng, ai hỏi gì cũng không đáp, khó khăn gì cũng không được mở lời. Chỉ đến khi đến núi Sa Mạo thì mọi sự mới được trở lại bình thường. Tuy nhiên, trên đường đi, khi vào đến thành phố thì biến cố xảy ra với hai thầy trò. Đó là lúc dịch bệnh bùng phát căng thẳng và hai thầy trò cũng lạc nhau từ đó.

Nhân vật chú tiểu bị mắc kẹt trong thành phố, tình cờ được tá túc trong gia đình của bà cụ bán hủ tiếu mà chú gặp trên đường. Sự xuất hiện của chú tiểu ban đầu khiến những thành viên trong nhà bất ngờ, nhưng có lẽ, chính biến cố mà loài người đang phải đối mặt khiến tất cả trở nên dễ dàng đón nhận nhau hơn. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian đầy khốc liệt khi những thành viên trong gia đình lần lượt ra đi. Duy chỉ có Cẩm, cô cháu gái của bà cụ bán hủ tiếu là còn sống, nhưng là trong sự đau đớn và lạc lõng, như vầng trăng côi lẻ loi trên trời cao.

Một điểm đáng chú ý của Huỳnh Trọng Khang trong tiểu thuyết Bể trăng côi, là nghệ thuật viết tiểu thuyết đầy sáng tạo và độc đáo. Song song với câu chuyện của hai thầy trò tìm đường đến núi Sa Mạo là câu chuyện về thầy trò Trần Huyền Trang ở Đại Đường xa xưa tìm đường đến Tây Trúc thỉnh kinh. Ở đây, tác giả vận dụng nghệ thuật viết lại – và cả viết tiếp, dù dựa theo điển tích, nhưng nhân vật được Huỳnh Trọng Khang làm mới, kể cả những kiếp nạn mà các thầy trò phải vượt qua.

nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-suy-tu-ve-than-phan-con-nguoi-post685103.html