Cả một nền ẩm thực tinh hoa đất Việt trong tuyệt tác “Bếp ấm của mẹ” hiện lên sống động, thơm tho khiến độc giả không khỏi bùi ngùi nhớ về ánh lửa bập bùng nơi gian bếp của mẹ.
Vào những ngày cuối năm, khi những đứa con xa gia đình sắp được trở về nhà đón Tết cùng cha mẹ, thì tác phẩm Bếp ấm của mẹ dường như “ấm” hơn bao giờ hết.
Vì trong cuốn sách nhỏ bé ấy không chỉ lưu giữ những món ăn, những câu chuyện về một thời khó quên của lịch sử mà nó còn là tâm nguyện của bà Đỗ Phương Thảo, người con gái Phố Hiến và Kẻ Chợ, với trách nhiệm giữ gìn và chuyên chở ký ức truyền lại cho thế hệ sau.
Bếp ấm của mẹ như một đốm lửa nồng và lấp lánh dành tặng Quá khứ, Hiện tại và Tương lai.
Bếp ấm của mẹ giống như một kho tư liệu vô giá về các món ăn truyền thống Bắc Bộ. Chúng ta có thể học cách nấu các món ăn quen thuộc như bún thang, canh mọc, bún bung dọc mùng, giả cầy, chè, mứt, bánh quế… tới cả những món tiếc rằng nay chỉ còn vang bóng một thời.
Tác phẩm không phải cuốn sách dạy nấu nướng với những công thức vô hồn. Người đọc sẽ cảm nhận được trong ấy cách người nấu trân quý từng hạt gạo, cách họ chỉn chu cẩn trọng trong từng cách gói quà, cách họ gửi gắm tình thương hay sự yêu quý qua mỗi món ăn.
“Khâu gói cũng phải khéo tay. Đặt tờ giấy bóng xuống bàn, đặt ngược phẩm oản xuống vào điểm chính giữa của tờ giấy, gấp hai góc của tờ giấy dán vào đế oản rồi hai ngón tay trỏ gấp góc của hai cạnh còn lại và dán đè lên đế oản. Khi dán chỉ được dán bằng hồ nếp, lấy chút bột khảo hòa một tí nước sạch để làm hồ dán không được dán bằng cơm nguội hoặc các loại keo khác”.
Người xưa kể cũng thật tinh tế khi chọn tiếp khách bằng món bún thang luôn đi kèm với món cuốn. Nếu người trẻ hiện đại không đọc sách thì chẳng thể hiểu được ý vị sâu sa của nó. Bún thang thì phải ăn nóng, húp xì xụp nên không tiện giao tiếp trò chuyện. Vì thế, khi có khách thường làm thêm món cuốn, coi như món điểm tâm ăn trước khi ăn bún thang để có thể vừa ăn vừa ôn chuyện cũ.
Bún thang là một trong những món ăn đại diện cho nền ẩm thực Việt Nam được các thế hệ lưu giữ đến tận ngày nay. (Ảnh: NVCC)
Không chỉ các món ăn mà đến các loại bánh cũng được bà Đỗ Phương Thảo tỉ mỉ truyền cho thế hệ mai sau qua từng câu chữ. Cả một thế giới bánh cổ truyền hiện ra trước mắt người đọc.
Những tên bánh nghe vừa lạ vừa quen như bánh Tô Châu, bánh mặt trăng, bánh khảo, bánh củ cải, bánh bẻ, bánh chả, bánh su sê… Rất nhiều loại bánh thơm thảo, đọc và ngẫm nghĩ về một nền ẩm thực quá đỗi phong phú và tinh tế của dân tộc.
Bánh mặt trăng (Ảnh: NVCC)
Nếu như nửa đầu của cuốn sách những mùi thơm ngào ngạt quyện với tiếng cười hạnh phúc trong gia đình ấm êm thì nửa sau lại là những gian nan khi đất nước bước qua hai cuộc kháng chiến trường kì.
Đâu đó trong cuộc sống của bà Đỗ phương Thảo hồi ấy là món riềng rang muối, sắn luộc, trùng trục nấu với bầu sao, tép khô, lạc chưng tương… Những món ăn của một thời gian khó ấy bước vào trang sách của bà cũng khiến người đọc không khỏi xúc động bùi ngùi.
Điều làm người đọc ấn tượng và nhớ mãi trong Bếp ấm của mẹ đó chính là cái “tình”. Các món ăn được bày ra trước mặt người đọc hòa quyện cùng cái tình ấm nồng của những thành viên trong gia đình, tình bác cháu, tình anh em, trên dưới nhất nhất một lòng thủy chung, kính trọng.
Thế hệ này truyền lại vẹn nguyên cái nền văn hóa ẩm thực, đối nhân xử thế cho thế hệ khác. Tre già măng mọc, cứ thế cho đến tận ngày hôm nay thế hệ trẻ chúng ta được cầm trên tay cuốn sách này trên tay để nhớ về quá khứ và viết tiếp nó trong tương lai.
Bà Đỗ Phương Thảo sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản ở Phố Hiến. Bố bà là cụ giáo An có tiếng trong vùng. Sau này, bà làm dâu một gia đình tư sản với lối sống cẩn trọng, cầu kỳ, ở phố Hàng Thùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đắm mình trong không gian của Phố Hiến và Kẻ Chợ – hai tiểu vùng văn hóa nổi bật, màu mỡ, rực rỡ nhất của vùng châu thổ Bắc Bộ, bà Thảo vừa như một tín đồ nâng niu gìn giữ vừa như một hiện thân của quá khứ, của những tầng lớp văn hóa tiếp biến qua nhiều thế hệ.
Sự nghiệp của Đỗ Phương Thảo gắn liền với hoạt động quay phim và đạo diễn điện ảnh. Bà là tác giả kịch bản phim Nhà bác (1984); Chuyện tình kể trước lúc rạng đông (1986).
theo Vũ Hậu/Zing.vn