Tính từ năm 1960, từ khi bắt đầu có sự quan trắc định kỳ của ngành khí tượng thủy văn, mỗi năm, mặt nước Biển Chết rút thấp bớt chừng một mét.

Cả đời tôi có dịp được dầm mình trong nước mặn Biển Chết có mỗi một lần. Một lần mà nhớ đời. Một lần đã quá đủ. […]

Dù đã biết trước, không ai khỏi ngạc nhiên khi thấy người mình dầm trong biển cứ nổi lềnh bềnh; có giơ cả bốn chân tay lên và ngửng đầu cao khỏi mặt nước, khúc thân ta vẫn không chịu chìm để ngập trong nước biển. Cảm giác người mình lúc này tương tự một cái phao.

Hình như tự cổ chí kim chưa hề có ai chết đuối nơi biển cả này. Tuy nhiên, chớ vội nghĩ anh có thể dễ vẫy vùng trong đó. Nước biển đủ mức đậm đặc để nâng bổng người anh lên, thì nó thừa sức cản trở anh chuyển dịch một cách thoải mái trong nước biển.

Dầm mình một lát trong biển, vị mặn chát thấm qua môi, tôi có cảm giác ghê ghê như mình là một con cá đang bị ướp muối. Đặc biệt sau khi lên bờ, hơi nóng mặt trời mau chóng xoa một lớp bột muối trắng lên toàn thân. Mà phải chịu khó leo lên tới khu nhà nghỉ kia mới có nước ngọt để tráng mình.

Thêm nữa, cái vòi hoa sen tiện tằn trong phòng thay áo mà nền phòng luôn luôn nhớp nháp như bờ đồng muối quê ta cũng chỉ cho phép anh tráng nước ngọt qua mình, đúng với nghĩa đen của từ “tráng”. Dù vậy, ai đã đặt chân tới đây mà chẳng muốn dầm mình trong biển mặn chốc lát thử xem cảm giác ra sao?

Cảnh tượng trên bờ xa của biển nhìn càng ngao ngán. Mờ mờ phía chân trời đằng đông, bên kia mặt biển hẹp là lãnh thổ nước Israel sát với dải đất hiện do chính quyền Palestine kiểm soát. Nước Biển Chết độ mặn cực cao, tới mức không có bất kỳ một sinh vật nào, hoặc động vật, hoặc thực vật có thể sống còn trong đó.

Cái tên Biển Chết xuất xứ một cách chuẩn xác là từ đấy. Mà độ mặn của nước biển mấy chục năm lại đây cứ tiếp tục tăng thêm từng ngày, trong khi mặt biển tuần tự thấp xuống từng ngày. Mặt trời gay gắt hầu như quanh năm, lượng mưa cực nhỏ, nước bốc hơi liên tục, biển mỗi ngày một vơi đi.

Xưa kia, Biển Chết cho dù chịu tiếng “chết” đã lâu, vẫn nhận được dòng nước ngọt từ sông Jordan, con sông lớn nhất vùng này thường xuyên bồi bổ, nhờ vậy hòa nhạt bớt độ mặn quá đáng của nước do hiện tượng bốc hơi gây nên, để tạo nên một sự cân bằng sinh thái tối thiểu. Hàng năm vào mùa ẩm, nhiều trăm triệu con chim di trú từ miền bắc giá lạnh tụ tập về cửa sông tá túc một số ngày.

Ôi con sông Jordan, nguồn nước ngọt chính, con sông Jordan thiêng liêng của cả nghìn triệu tín đồ. Theo truyền thuyết được chép thành văn trong Kinh Thánh đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa, từ dòng sông này, nhà tiên tri gốc Do Thái Gioan Baotixita từng hiển hiện lên để báo tin Đấng Cứu thế sắp ra đời.

Với nước sông này, Đức Chúa Jesus chịu phép rửa tội. Bao nhiêu người hành hương từ nhiều nơi trên Trái Đất đã vượt nghìn trùng đến đây để được uống một ngụm nước vốc từ con sông thiêng ấy.

Trải qua hai nghìn năm, sang thời hiện đại, công nghệ phát triển, các đô thị theo nhau mọc lên, thủy điện xây dựng, kỹ năng trồng trọt đổi thay, nước dòng sông thiêng bị tận dụng tối đa cho sản xuất và sinh hoạt trần tục của dân cư không ngừng đông đúc thêm từng tháng, từng ngày, tới mức chẳng còn lại bao nhiêu để thăm nuôi và tiếp sức cho Biển Chết như ngày xửa ngày xưa.

Nhờ độ mặn của Biển Chết mà du khách có thể dễ dàng nổi trên mặt nước ngay cả khi không biết bơi. Nguồn: ncare.
[…]

Tính từ năm 1960, từ khi bắt đầu có sự quan trắc định kỳ của ngành khí tượng thủy văn, mỗi năm, mặt nước Biển Chết rút thấp bớt chừng một mét. Phần nam của Biển Chết vốn nông hơn những nơi khác đã chết thật sự từ nhiều năm nay rồi. Nước biển nơi đó đã biến dần, để lộ ra một cánh đồng muối trắng khổng lồ, lởm chởm những cột đá xốp, đang chói chang hắt trả lên không trung bức xạ của mặt trời.

Những cột đá không còn được dầm mình thường xuyên trong nước như từ thuở chúng sinh ra, bị nắng nóng mặt trời ngày ngày hun nóng càng trở nên khô giòn, vì vậy hễ có trận gió to là lần lượt theo nhau sụp đổ.

Như các nhà khoa học tính toán, cứ nhịp độ này, chừng nửa thế kỷ nữa, Biển Chết sẽ khô kiệt hoàn toàn. Phải chăng lời Đấng Tiên tri từng phán và từng được chép vào Kinh Thánh mấy nghìn năm trước mai đây rồi sẽ trở thành linh nghiệm? Ấy là đến một ngày kia, Biển Chết sẽ lau khô nốt những giọt lệ cuối cùng trên lòng biển khô cằn của nó.

Để cứu vãn tình thế, nhân hội nghị cấp cao toàn cầu vì sự phát triển bền vững họp tại Johannesburg, thành phố Nam Phi năm 2002, mấy quốc gia xung quanh Biển Chết trao đổi về một vấn đề, từ đó Nhà nước Do Thái phối hợp với Vương quốc Jordan kiến nghị với toàn cầu một đề án táo bạo: nên khởi công đào một con kênh dài 200 km băng qua vùng sa mạc, để liên thông Biển Đỏ với Biển Chết.

Con kênh đào này sẽ có khả năng hàng năm dẫn chừng 1.800 triệu m3 nước từ Biển Đỏ đổ vào Biển Chết, giúp nâng cao dần mặt nước và hòa nhạt bớt độ mặn của cái biển độc đáo sắp chết tới nơi này.

Vấn đề lớn đặt ra là: làm như vậy liệu có tổn hại tiềm năng nước của chính Biển Đỏ? May thay, Biển Đỏ vốn thông với Đại Tây Dương mênh mông, nói cách khác, lượng nước của Biển Đỏ không ngừng được bổ sung bằng nước Đại Tây Dương, do nguyên nhân nào đấy, mực nước Biển Đỏ thấp hơn mực nước toàn Đại Tây Dương, nhờ vậy thường xuyên tạo lập sự cân bằng giữa nước đại dương và nước tiểu hải.

Dự án lớn lao ấy nhận được sự bảo trợ của Ngân hàng Thế giới, và các nhà tài trợ chính là Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia giàu có nhất châu Âu. Điều đáng mừng nữa: nhà cầm quyền Palestine vốn là địch thủ không đội trời chung với Israel đã đồng ý và hai bên đã cùng ký tên vào Công ước ba bên.

Công ước này cũng đã được các cơ quan lập pháp ba nước lần lượt phê chuẩn. Dự án tiền khả thi, dự kiến tiến hành trong hơn hai năm, tốn sơ sơ chừng 15 triệu đôla Mỹ. Còn muốn hoàn tất công trình, phải bỏ ra khoản tiền nhỏ nhoi là… 3 tỷ đô la.

[…] Nhờ liều thuốc mạnh, hy vọng sang những năm đầu thiên niên kỷ mới, may ra Biển Chết sẽ dần dần hồi sinh.

Một niềm hy vọng khá mong manh. Bởi nếu bầu không khí xung đột và cừu hận đang ngự trị lâu nay tại Trung Đông không được chính những người sống tại chỗ – xung quanh vùng Biển Chết – đồng thuận để cùng nhau hạ nhiệt, thì rồi nó có thể biến bao nhiêu hảo ý, hảo tâm của cộng đồng quốc tế tan thành khói súng đại bác tối tân và hơi nóng phát ra từ những trái bom người dân tự tạo theo lối thủ công. Trong những điều kiện như tình hình hiện nay ở vùng Trung Đông, tôi lo Biển Chết e khó có cơ hội hồi sinh.

Theo: Du ký Phan Quang – tiếc nuối hoa hồng. Tác giả: Phan Quang / Đông A Books và NXB Văn học
Cuốn sách là những trải nghiệm, chuyến đi của tác giả, đồng thời là những câu chuyện văn hóa, lịch sử, với những cuộc gặp gỡ, tiếp tân mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.

nguồn: https://zingnews.vn/bien-chet-lieu-co-hoi-sinh-post1343095.html