Các chúa Nguyễn đã lập những đội thuyền như: Thanh Châu, Hải Môn, Bắc Hải,… để vượt biển đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cắm cột mốc khẳng định chủ quyền.
Dựa trên các nguồn sử liệu chính thống của Việt Nam và thông tin từ các hồi ký của những người nước ngoài từng đến Việt Nam trong các thế kỷ XVII – XIX. Biên khảo Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn của tác giả Trần Đức Anh Sơn biên soạn do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành cung cấp một cái nhìn tổng quát về ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và ở Việt Nam trong thời kỳ đầu của vương triều Nguyễn (1802 – 1945).
Với đặc điểm bờ biển dài, chạy dọc phía đông đất nước cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, địa thế đó tạo thành môi trường sống từ bao đời nay của người Việt luôn gắn liền với sông nước. Việc đi lại, vận chuyển, giao thương chủ yếu dựa vào đường thủy nên thuyền bè đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của người Việt.
Thế kỷ XVII, giao thông ở Đàng Trong vẫn sử dụng đường thủy là chính: “Các phủ đều không có đường lối thông nhau, mỗi phủ đều do một cửa biển đi vào; nếu từ phủ này sang phủ khác tất do đường biển”. Vì thế, thế kỷ XVII – XVIII, ngành đóng thuyền ở Đàng Trong là ngành độc quyền, do các chúa Nguyễn kiểm soát, đích thân chỉ đạo. “Chúa là người quản đốc các cảng…. trong công việc đóng thuyền thì không một cái đinh nào được đóng xuống mà không xin ý kiến chúa trước tiên”.
Việc chú trọng và phát triển ngành đóng thuyền ở Đàng Trong là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp cho các chúa Nguyễn đã mở mang, khai phá đất Đàng Trong thành một nơi trù phú và hùng mạnh chỉ trong vòng 220 năm.
KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TỪ RẤT SỚM
Ngay từ rất sớm, các chúa Nguyễn đã lập những đội thuyền như: Thanh Châu, Hải Môn, Bắc Hải,… để vượt biển khơi đến các hòn đảo giữa biển Đông như: Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa), Bắc Hải (quần đảo Trường Sa), Côn Lôn, Thổ Chu, Phú Quốc… để đo đạc thủy trình và cắm cột mốc khẳng định chủ quyền. Đồng thời, để thu hoạch yến sào, khai thác hải sản và thu nhặt của cải, châu báu, đồ đồng… do các thuyền buôn gặp nạn bỏ lại.
Năm 1644 thế tử Nguyễn Phúc Tần chỉ huy thủy quân của chúa Nguyễn Phúc Lan (1600 – 1648) đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (Thuận An). Đây là lần đầu tiên người Việt đánh bại hạm đội hải quân của phương Tây. Thất bại này cũng khiến người Hà Lan phải từ bỏ tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam.
CÔNG XƯỞNG ĐÓNG THUYỀN NHỘN NHỊP CỦA CHÂU Á THẾ KỶ XVIII
Đồng bằng Mê Kông và Xiêm La là những trung tâm sản xuất lúa gạo chủ chốt thế kỷ XVII-XIX. Đây cũng là nơi có nguồn gỗ tốt, dồi dào, khai thác thuận tiện. Năm 1747, nhà Thanh có chính sách khuyến khích buôn bán lúa gạo giữa Trung Hoa với các nước Đông Nam Á. Điều này khiến các thương nhân Trung Hoa tìm đến Việt Nam và Thái Lan để đóng thuyền và thu mua lúa gạo về bán bên Trung Hoa, bán cả lúa gạo lẫn thuyền. Thuyền đóng ra không chỉ bán cho thương nhân người hoa mà còn cả thương nhân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – những người “dường như tới Việt Nam chỉ để mua thuyền”.
Theo sách Đại Nam thực lục, vào tháng 3 năm Quý Tỵ (1653), chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687) tại Phú Xuân có cuộc duyệt binh lớn “Lực lượng thủy binh đông đảo … với hơn 22.740 người thuộc 377 thuyền được huy động”.
CHẾ TẠO THÀNH CÔNG TÀU HƠI NƯỚC
Dưới triều Tự Đức, nhà Nguyễn muốn đẩy mạnh phát triển công nghệ đóng tàu thủy, đặc biệt là tàu chạy bằng hơi nước. Tháng 4/1865, được sự đồng ý của vua Tự Đức, Ngoại lang Hoàng Văn Sưởng, Cai đội Lê Bân cùng 9 người thợ và phiên dịch Nguyễn Đức Hậu lên đường sang Hương Cảng để học đóng tàu. Năm 1866 với sự trợ giúp của kỹ sư người Anh Withseller, nhóm thợ đã chế tạo thành công chiếc tàu thủy bọc đồng chạy bằng hơi nước. Đây là một tiến bộ đáng kể trong ngành đóng tàu thuyền Việt Nam thời Nguyễn. Minh chứng rõ ràng nhất người Việt Nam lúc bấy giờ đã có thể tiếp cận và làm chủ kỹ thuật đóng tàu cơ khí phương Tây.
Nhìn chung tàu thuyền thời Nguyễn rất phong phú về chủng loại và đa dạng về kiểu dáng, kích thước. Đa số đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của vua và triều đình, nhu cầu giao thông vận tải công ở trong nước, vận chuyển hàng hóa, cấp gạo cho triều đình. Đặc biệt dùng trang bị cho thủy binh để tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng.
Chính sách ưu tiên phát triển ngành đóng thuyền của nhà Nguyễn tạo nên một diện mạo mới cho thuyền bè và giao thông đường thủy Việt Nam trong thế kỷ XIX. Ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội và tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Đáng tiếc do những hạn chế về tầm nhìn chính trị, tài chính, khoa học kỹ thuật và đặc biệt sự thiếu quan tâm sâu sát của các đời vua sau này là nguyên nhân chính làm tiềm lực kinh tế biển của Việt Nam không phát huy hết, sức mạnh của lực lượng thủy quân vì thế cũng không được tăng cường để bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xâm đến từ những hạm đội hiện đại của thực dân phương Tây.
nguồn: https://zingnews.vn/chua-nguyen-vuot-bien-den-hoang-sa-truong-sa-cam-moc-chu-quyen-post1347009.html
Có thể bạn muốn xem
Linh Hồn Thế Giới
284 đầu sách của 47 NXB tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3
Hoa trôi trên sóng nước
Biết ơn không nhất thiết cần phải mắt thấy tai nghe…
9 điều không nên làm trong mùa hè nóng nực
Bửu Sơn Kỳ Hương
Dạy con qua những trang sách
CÁC HUYỀN THOẠI VỀ NGUỒN GỐC CỦA LỬA
Tác giả ‘Chúa tể những chiếc nhẫn’ làm Cha Giáng sinh 23 năm