Bạn từng lập danh sách đọc theo năm cho bản thân chưa? Nếu chưa từng làm điều này thì bạn có thể tham khảo cách lập danh sách đọc hàng năm dưới đây.
Có thể bạn không phải là người thường xuyên lập danh sách, nhưng việc tự tạo một “giáo trình” nhỏ hàng năm cho quá trình học tập thường xuyên của mình là điều khiến bạn cảm thấy có động lực.
Tại sao bạn nên lập danh sách đọc?
Danh sách đọc là một lời nhắc nhở rằng đọc sách là một phần quan trọng đối với con người bạn, cũng như sự phát triển cá nhân của bạn và bạn sẽ ưu tiên nó trong năm mới.
Danh sách đọc sẽ đáp ứng nhu cầu thiết thực là bạn có sẵn một cuốn sách mới ngay sau khi đọc xong cuốn sách nào đó, điều này giúp bạn không sa đà vào việc xem Netflix trong khoảng thời gian chờ để tìm sách mới.
Hơn nữa, nếu không lập danh sách, bạn sẽ muốn chộp lấy cuốn sách thú vị nhất và dễ đọc nhất trên kệ. Lập danh sách đọc giúp bạn ưu tiên một số cuốn sách sâu sắc và kinh điển mà nếu không thì bạn có thể trì hoãn mãi mãi.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu có thứ gì đó ở cửa hàng sách cũ thu hút sự chú ý của bạn? Hoặc bạn nghe nói về một cuốn sách mà bạn rất muốn đọc? Cứ thử đi! Danh sách này nhằm giúp bạn coi việc đọc là một phần quan trọng trong năm của mình và duy trì động lực. Chứ không phải là nhà tù ngăn cản bạn đọc bất cứ điều gì bạn thích. Bạn luôn có thể thêm hoặc thay đổi danh sách của mình. Chúng ta đã trưởng thành! Chúng ta có thể đọc những gì chúng ta muốn!
Cách tạo danh sách đọc hàng năm
Đầu tiên hãy xem xét bạn có khả năng đọc bao nhiêu cuốn sách trong một năm. Nếu bạn đọc hàng chục cuốn sách mỗi năm, hãy thử đọc 50 cuốn trở lên! Nếu bạn đọc với số lượng vừa phải, hãy thử đọc hai cuốn mỗi tháng. Nếu bạn không thể đọc nhiều được, hãy thử chỉ một cuốn mỗi tháng (bạn luôn có thể bổ sung thêm nếu muốn!)
Sau đó xem xét cách bạn muốn sắp xếp danh sách của mình. Thay vì có một danh sách dài các đầu sách, hãy chia danh sách của mình ra từng tháng để có thể đạt được những cột mốc nhỏ hơn.
Hãy ghi lại những cuốn sách bạn muốn đọc. Có thể một người bạn đã giới thiệu một cuốn sách nào đó khiến bạn quan tâm hoặc một bộ phim chuyển thể từ cuốn sách nào đó sắp ra mắt và bạn muốn đọc cuốn sách trước khi xem nó.
Nếu bạn chưa từng lập danh sách đọc, thì dưới đây là một số điều bạn có thể làm:
- Kiểm tra kệ của bạn để tìm những cuốn sách bạn định đọc nhưng chưa đọc. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trong nhà có bao nhiêu cuốn sách mình chưa kịp đọc.
- Hỏi bạn bè để được giới thiệu. Có thể những cuốn sách hay nhất bạn đọc được trong năm sẽ là những cuốn bạn chưa từng nghe đến nhưng được bạn bè giới thiệu. Bạn có thể post bài trên mạng xã hội để hỏi xem bạn bè mình gần đây đọc gì và họ có thể gợi ý cho bạn.
- Tra cứu một số danh sách phù hợp với sở thích của bạn.
Những điều cần cân nhắc
Có thể bạn chủ yếu đọc để giải trí và chỉ muốn có một danh sách để theo dõi kế hoạch đọc của mình. Nhưng có lẽ bạn thực sự muốn mở rộng trí óc trong năm nay và đọc một số thứ sẽ thử thách bạn và rèn luyện trí não của bạn. Dưới đây là một số danh mục bạn có thể muốn đưa vào danh sách của mình:
- Tiểu thuyết kinh điển. Chỉ vì bạn không tham gia bất kỳ lớp học văn học nào nữa không có nghĩa là bạn không thể tiếp tục đọc những tác phẩm khó nhưng đáng giá. Có thể bạn yêu thích văn học Anh và muốn bổ sung thêm nhiều tiểu thuyết gia người Anh. Hoặc bạn muốn thử sức với những tác giả lớn của Nga chẳng hạn.
- Phi hư cấu. Đôi khi rất khó để bạn chuyển từ đọc tiểu thuyết sang đọc sách phi hư cấu. Nhưng những cuốn sách hoặc bài luận phi hư cấu thực sự hay có thể hoàn thiện danh sách đọc của bạn.
- Những cuốn sách về tinh thần, tâm linh. Có một cuốn sách viết về những điều thiêng liêng trong danh sách đọc là một điều quan trọng vì những tác phẩm tâm linh thường mang lại cho bạn nhiều sự biến đổi nhất.
Khi sắp xếp danh sách của bạn, hãy thêm một số cuốn sách nhẹ nhàng hơn vào những tháng bạn đọc một cuốn sách dày. Bằng cách đó, bạn có thể duy trì đà đọc.
nguồn:https://znews.vn/cach-lap-danh-sach-doc-hang-nam-post1452058.html
Có thể bạn muốn xem
Mood book: Đọc vị cảm xúc
Tử Tế Đáng Giá Bao Nhiêu?
một ví dụ xoàng, một cõi đời xoàng
Homecoming – Hồi sinh đứa trẻ bên trong bạn
Tớ không sợ bị bắt nạt
“Lịch sử cái đẹp”: Công cuộc khám phá cái đẹp dưới góc nhìn phương Tây
Để đời nhàn tênh
Evie và biệt tài bí mật
Bộ ba siêu giàu