Cô đơn không phải chỉ là ở một mình, mà là ở giữa rất nhiều người nhưng không tìm được ai hiểu tiếng nói của mình.
Kiyomi nằm lặng yên trong căn phòng số 203. Không nhìn. Không thấy gì. Không thèm quan tâm.
Không nhìn. Cánh cửa sổ bị cong. Rèm cửa đung đưa. Côn trùng lúc nhúc tại góc nhà.
Không thấy gì. Sàn nhà ấm một cách lạ thường. Mùi hôi thối xộc lên vào mũi. Tiếng kẽo kẹt. Tiếng rì rầm. Tiếng cãi nhau.
Không thèm quan tâm. Đôi chân hàng đêm xuất hiện trong giấc mơ. Tiếng hét khản đặc không thoát ra khỏi cổ họng. Bóng đèn chập chờn không sáng.
Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu Kiyomi, cô tự nhủ rằng nếu mình không để ý đến những điều ấy, mọi thứ rồi cũng sẽ biến mất. Giống như cách con người tìm ra lời giải thích cho những điều bất thường xảy đến với họ. Chuột chạy. Ống nước bị rò. Gió thổi. Hàng xóm cãi nhau.
Nhưng cứ mỗi khi Kiyomi nhắm mắt, cô cảm thấy có cái gì đó cứ bóp nghẹt trái tim, “có cái gì đó đen tối, khó chịu cứ bám riết lấy tâm hồn cô”. Người đàn ông bí ẩn đêm nào cũng đến cãi cọ với cô, đánh đập cô đến ê ẩm nhưng không bao giờ Kiyomi nhìn thấy mặt hắn. Tất cả cứ chập chờn thoắt ẩn thoắt hiện khiến cô không biết đâu là thực, đâu là mơ.
Tác phẩm Căn hộ số 203 của tác giả Kamon Nanami.
Căn hộ số 203 của tác giả Kamon Nanami hội tụ đầy đủ các yếu tố ghê rợn thường thấy của truyện kinh dị Nhật Bản. Được ví như Dark Water của nhà văn lừng danh Suzuki Koji, tác giả của Ring, cuốn sách một phần nào thể hiện nỗi cô đơn mòn mỏi của loài người, mỗi khi gặp trắc trở, họ không có ai tin tưởng để chia sẻ. Giống như Kiyomi, cô không thể kể cho bố mẹ, vì họ sẽ cười vào thói tự lập cố chấp của cô, cũng không thể kể cho bạn bè, khi họ chỉ coi những điều cô nói là hoang tưởng.
Cuốn sách cũng giải thích nguyên nhân tại sao những điều kỳ quái thường xảy ra với các cô gái trẻ. Sống một mình, nhạy cảm trên mức cần thiết, lạc lõng giữa xã hội là những điểm chung mà mọi người thường nhìn vào họ. Cho dù có quyết liệt chống trả nhưng phút huy hoàng lại nhanh chóng bị dập tắt, nếu không mang một tâm lý vững vàng, các cô gái sẽ chẳng thể vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình.
Căn hộ số 203 không mang quá nhiều chi tiết giật gân, mà thay vào đó gieo rắc nỗi ám ảnh một cách từ từ, chậm rãi, len lỏi sâu vào tâm trí người đọc. Bản thân mỗi chúng ta cũng giống như Kiyomi, mù mờ không biết gì mà theo chân cô dần dần lật mở những điều bí ẩn. Chỉ có điều ta làm điều đó vì tính tò mò, còn Kiyomi phải chiến đấu vì sự sống của chính mình.
Vốn không dành cho những ai yếu tim, nhưng với những ai đủ dũng cảm để đọc, Căn hộ số 203 sẽ khiến bạn khó mà buông tay nhưng cũng không dễ đọc lại lần hai.
theo Vũ Hậu/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Bắt nhịp cuộc sống
Các vị thần Hy Lạp của Percy Jackson
Hoa sữa – Nguyễn Phan Hách
Giải mã siêu trí tuệ
Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác
Ngày hội sách và văn hóa đọc năm 2023 tại Bình Thuận
Học ngữ pháp để làm gì?
Hai cuốn sách cuối cùng về ”Điệp viên Không Không Thấy”
Văn hóa võ đạo Việt Nam