Sinh năm 1988, đến giờ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lữ Mai đã có vốn liếng khoảng 10 cuốn sách, trong đó, có những tựa đáng chú ý như “Mở mắt rồi mơ”, “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”, “Ngang qua bình minh”…

Nữ tác giả vừa cho ra mắt trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”, về đề tài đi tìm hài cốt đồng đội của những người chiến sĩ năm xưa, bằng cái nhìn sâu sắc, trân trọng của cây bút trẻ, hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2021).

Cuốn sách “Chư Tan Kra mây trắng” của nhà thơ Lữ Mai.

Sau trường ca đầu tiên “Ngang qua bình minh” ra mắt năm 2020 khắc họa hình tượng chiến sĩ hải quân nhận được nhiều đóng góp và động viên của giới nghề, đặc biệt, tác phẩm đoạt giải Ba giải thưởng sáng tác về biên giới, biển đảo (giai đoạn từ năm 1974 đến nay) của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Lữ Mai tiếp tục mạnh dạn dấn thân sáng tác thể loại trường ca về những người chiến sĩ.

Nhà thơ Lữ Mai cho biết, trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) lấy cảm hứng từ câu chuyện về “Trung đoàn mũ sắt” – tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Đây là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều chiến sĩ là người Hà Nội. Sau thời gian luyện quân kỹ lưỡng, đơn vị bộ binh này tham gia đánh trận đầu tiên ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26-3-1968. Họ đã chiến đấu quả cảm và nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những chiến sĩ may mắn được trở về vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra.

Từ năm 2009, các cựu chiến binh ở tuổi bảy mươi ấy lại khoác ba lô với tư liệu và lương thực để đi tìm hài cốt đồng đội trên dãy núi Chư Tan Kra. Nhiều liệt sĩ đã được đưa về quê hương. 

Với sự đồng hành của các phóng viên, biên tập viên chương trình “Đi tìm đồng đội” (Truyền hình quốc phòng Việt Nam); nguồn tư liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân và đặc biệt là được sự chia sẻ, cung cấp tư liệu từ các cựu chiến binh “Trung đoàn mũ sắt” năm xưa, nhà thơ Lữ Mai đã viết nên trường ca dày 152 trang với 6 chương: “Giấc mơ vụn”, “Đỉnh gió”, “Bên kia đại dương”, “Mẹ vẫn đợi con về”, “Gửi hòa bình”, “Mẹ”. Bằng mạch thơ xúc động, sâu sắc, đầy trân trọng, tác giả dẫn dắt người đọc theo chân nữ biên tập viên của chương trình “Đi tìm đồng đội” nhiệt huyết và giàu lòng trắc ẩn, cùng các cựu chiến binh năm xưa đến Tây Nguyên, chiến trường Chư Tan Kra xưa kia để tìm hài cốt đồng đội. Bên cạnh đó, tác giả còn khai thác hình tượng người mẹ, tình cảm của thân nhân liệt sĩ, thế hệ trẻ tham gia vào công việc ý nghĩa này và góc nhìn của những người bên kia chiến tuyến trở lại chiến trường xưa, cùng các cựu chiến binh Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ…

Nhà thơ Lữ Mai cho biết, tác phẩm không khai thác sử liệu về trận chiến oanh liệt trên dãy Chư Tan Kra năm xưa mà đi sâu vào tình cảm, tâm lý, câu chuyện của những cựu chiến binh thời bình, qua đó khẳng định khí chất, tinh thần dũng cảm, hào hoa, sống và hành động đầy ý nghĩa của các thế hệ “cầm súng”.  

Nhận xét về trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”, ông Hồ Đại Đồng, cựu chiến binh Trung đoàn 209 cho biết, tác phẩm được viết từ tâm sáng, cảm xúc chân thành của một cây bút trẻ với cái nhìn trân trọng, sâu sắc, tích cực về những đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước để đất nước độc lập, thống nhất như hôm nay. Tác giả cũng truyền tải được những trăn trở của người trở về trên hành trình đi tìm đồng đội khá thành công. Đây là tác phẩm rất có ý nghĩa đối với thế hệ đi trước và cả thế hệ hôm nay.

Cuốn sách do tác giả tự túc in ấn. Một số lượng lớn sách được phát hành và toàn bộ số tiền bán sách sẽ được gửi tặng những cựu chiến binh “Trung đoàn mũ sắt” năm xưa để góp phần thực hiện công việc đi tìm hài cốt đồng đội thiêng liêng của họ.