Sự thay đổi trong hình dạng của những cuốn sách cho thấy sức mạnh và giá trị bền bỉ của chúng với tư cách là nền tảng của ký ức văn hóa.
Chúng ta đều được dạy cách đọc sách, nhưng chúng ta còn có thể học được gì khi quan sát vẻ bề ngoài của các cuốn sách? Triển lãm “Building the Book from the Ancient World to the Present Day” (tạm dịch: Tạo ra sách từ thế giới cổ đại đến ngày nay) tại Manhattan, Mỹ đã mang đến câu chuyện lịch sử hơn 2.000 năm của ngành sản xuất sách, cho thấy sự đa dạng trong hình thức của những cuốn sách.
Câu chuyện của những cuốn sách
Cuộc triển lãm trưng bày hơn 100.000 tác phẩm, được lấy từ bộ sưu tập của trường Rare Book School, bao gồm các khối in, công cụ đóng sách, bút mực, mẫu giấy, bản in thử, đồ đạc kỳ lạ và rất nhiều sách từ thế kỷ thứ VIII TCN, từ Kinh điển Phật giáo Nhật Bản cho đến bản sao tác phẩm Sex của Madonna.
Theo The New York Times, thông điệp chủ yếu của buổi triển lãm chính là mọi cuốn sách, dù là cuốn sách hiếm tinh tế hay cuốn sách bìa mềm khiêm tốn nhất, đều kể một câu chuyện – ngay cả trước khi bạn thực sự bắt đầu đọc nó.
“Có quá nhiều lịch sử và rất nhiều câu chuyện nằm ở bề ngoài những cuốn sách, những câu chuyện tuyệt vời mà những cuốn sách này mang theo như những con tàu” – Barbara Heritage, phó giám đốc của Rare Book School, người phụ trách triển lãm cho biết.
Các vật phẩm được trưng bày có nhiều kích cỡ từ một tập nhỏ các bài phát biểu của Abraham Lincoln, cao chưa đến một inch, do các sinh viên tại một nhà xuất bản ở Tennessee thực hiện vào khoảng năm 1929, cho đến một ấn bản khổ lớn hai trang bìa của cuốn sách The Birds of America (Các loài chim nước Mỹ) của John James Audubon – một tượng đài theo nghĩa đen của từ này.
Ngoài ra còn có những cuốn sách với hình dáng đặc biệt, chẳng hạn một cuốn sổ ghi chép từ thế kỷ 19 làm bằng ngà voi gần như trong mờ (để dễ tẩy xóa), một cuốn niên giám thu nhỏ được giấu trong hộp gỗ được chạm khắc và sơn trông giống một ổ bánh mì (được tạo ra để làm danh thiếp cho một thợ đóng sách người Vienna thế kỷ 18), và một cuộn da tuần lộc đã sẵn sàng để buộc được người Sami thu hoạch vào thế kỷ 18, bị mất trong một vụ đắm tàu và sau đó được cứu vào 200 năm sau, vẫn còn mùi dầu bạch dương.
Cuốn On the Slates, một cuốn sách thử nghiệm năm 1992 của Clark Coolidge cũng được tạo ra một cách đặc biệt. Nó bao gồm những bài thơ được in trên những tờ giấy có kích thước bằng tờ đôla, được cuộn lại bằng những tờ đôla thật có in địa chỉ của nhà xuất bản, buộc lại với nhau bằng dây giày và nhét bên trong một chiếc giày nam cũ nát được đặt trong hộp đựng giày.
Thách thức định nghĩa về sách
Định nghĩa của một cuốn sách chắc chắn đã thay đổi theo thời gian, vì những viên đất sét, cuộn giấy cói, giấy da và bút lông đã nhường chỗ cho codexes, quy trình in được cơ giới hóa và thiết bị đọc sách điện tử. Nhưng lịch sử sách không phải là câu chuyện về một tiến trình tuyến tính, với những tác phẩm nổi bật trong lịch sử, mà thực tế đó là các công nghệ làm sách và hình thức sách khác nhau cùng tồn tại chồng chéo.
“Một trong những điều chúng tôi muốn thực hiện thông qua chương trình này là thách thức định nghĩa về thế nào là một cuốn sách”, Heritage nói.
Triển lãm bao gồm những vật phẩm như samta Tây Tạng (bảng gỗ có bề mặt có thể tái sử dụng), bản thảo lá ola của Sri Lanka và một nhóm Kinh Thánh bọc gỗ của Ethiopia, cũng như những cuốn sách in sớm từ Đông Á, nơi loại chữ di động đã được phát triển hàng thế kỷ trước máy in của Gutenberg.
Buổi triển lãm cũng nói lên sức mạnh bền bỉ của cuốn sách với tư cách là nền tảng của ký ức văn hóa, dù có sự thay đổi trong hình dạng của nó. Nhưng nó cũng bao gồm một số cuốn sách sẽ không bao giờ được đọc, bởi vì chúng đã trở nên không thể đọc được theo đúng nghĩa đen.
Lấy Gutenberg, một cuốn sách năm 2002 của Edward Bateman làm ví dụ. Nó bao gồm tám trang in bằng máy dập chữ, giữa các bìa được làm bằng hai đĩa zip máy tính, chứa các phiên bản kỹ thuật số của The Odyssey, The Canterbury Tales, Hamlet và các tác phẩm kinh điển khác. Tuy nhiên, tờ giấy in đi kèm cũng giải thích thêm, trong vòng 5 năm, các đĩa sẽ bắt đầu hỏng và “sách sẽ biến mất”.
Hoặc một tác phẩm độc đáo khác là Album tình bạn, được thực hiện ở Nebraska vào khoảng năm 1892 bằng cách sử dụng một cuốn sổ tay mua ở cửa hàng, được bọc trong bìa nhung khâu tay. Mỗi trang được gấp lại và đóng chặt vào gáy bằng chỉ, nút, ruy băng và thậm chí cả tăm, với những chỉ dẫn viết tay như “Mở ra khi cảm thấy thất vọng” hoặc “Mở ra khi bạn đến California”. Nhiều trang vẫn được niêm phong, và sẽ được giữ nguyên như vậy.
“Nó giống một cánh cửa chưa mở. Tại sao người đọc không mở nó? Chuyện gì đã xảy ra thế? Chúng ta chỉ có thể suy đoán”, Heritage nói. Và ngay cả việc những trang sách chưa được mở cũng nói lên một câu chuyện khác về nó. Các tác phẩm được trưng bày tại Grolier Club, Manhattan đến hết ngày 23 tháng 12.
nguồn: https://zingnews.vn/cau-chuyen-lam-sach-qua-2000-nam-post1381722.html
Có thể bạn muốn xem
Giữ thế thượng phong trên bàn đàm phán
Cẩm nang Canva – Thiết kế dễ như chơi
Nhà lúc đông lúc vắng
Những cuốn sách cho ngày xuân
Chuyện phong thủy của Lầu năm góc
Offline: Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội
‘Từ bỏ’ giúp bạn mở khoá thành công bằng kỹ năng từ bỏ
Số phận kỳ lạ của cuốn sách bán được 10 triệu bản
Hội kín HellFire