Lúc gia đình bà Mẫn mới chuyển về đây, cả khu không có nổi một bóng cây nào. Cũng chỉ vì nhà nhà đua nhau lợp mái vươn ra phía trước để bán hàng
Những ngày oi ả, cái nắng hầm hập từ nền đường bê-tông như muốn dội ngược vào nhà. Bà Mẫn sai con đào hố trên vỉa hè trước nhà trồng xuống đó một cây sấu nhỏ. Đất cằn cỗi lại nắng nóng nên cây còi cọc mãi. Đã có lúc bà Mẫn tưởng cây đã chết khô rồi. Nhưng sức sống kỳ diệu đã được ủ mầm từ trong xù xì trơ trọi. Cây bật dậy vươn mình tỏa bóng khắp khoảng sân trước nhà.
Theo năm tháng bóng của cây ngày càng lan rộng ra đường và cả khoảng sân nhà hàng xóm. Các con đi làm từ sáng đến tối, mấy đứa cháu nội cũng đều đã đi học xa nhà. Bà Mẫn mở một quán nước nhỏ để có khách vào ra cho đỡ nhớ tiếng người. Cả đời bà gắn với miền quê, tuy nghèo khó nhưng tình người chan chứa. Những cánh cổng khép hờ, hàng rào bằng giậu cây cúc tần chỗ nào cũng hổng. Nên bà không hiểu sao nhà ở phố xây tường rào cao thế. Nhà sát nhà mà cả ngày không nhìn thấy mặt nhau, vài tiếng người bay lên rồi tan biến.
Mùa xuân, bà Mẫn ngồi trông quán nước trước nhà nhưng dỏng tai nghe tiếng cười khúc khích của hai đứa nhỏ nhà hàng xóm. Bà mường tượng ra phía bên kia bức tường tụi nhỏ đang chơi đá bóng, đùa cùng chú cún con hoặc đang nghịch mấy con cua mà mẹ chúng vừa mới mua về. Thỉnh thoảng ra quét vỉa hè bà gặp chúng đi học về, đứa nào cũng ngoan ngoãn và lễ phép.
Đôi lần bà chờ chúng ở cổng với mấy chiếc kẹo lạc phần sẵn trong túi áo. Chị vợ nhà bên ấy là dân chợ búa có vẻ chanh chua. Chị hay ăn nói cộc lốc với mọi người xung quanh chẳng kể già hay trẻ. Anh chồng trông hiền lành nhưng lầm lì, chẳng chuyện trò với ai bao giờ. Thỉnh thoảng nhìn thấy bà, anh chồng lại càu nhàu kiểu: “Cây với cối, rụng lá bẩn hết cả sân hè”. Bà Mẫn liền lật đật đứng dậy cầm chổi quét sạch cả đoạn vỉa hè dài. Ngó vào sân hàng xóm thấy lá sấu rụng vương vãi khắp nơi, bà áy náy trong lòng. Giá không có cánh cổng thì bà đã quét sạch sẽ rồi.
Mấy tháng sau nhà hàng xóm có thêm thành viên. Đó là bà nội của lũ trẻ được đón từ quê xuống, tuổi đã ngoài bảy mươi. Bà Hạo xuống đã được cả tuần mà hàng xóm không ai thấy mặt. Bà cụ không đi đâu ra khỏi nhà cũng không chuyện trò gì với ai. Chỉ đêm đến hàng xóm mới nghe thấy những tiếng ho khù khụ vọng qua.
Bà Mẫn nghĩ chắc bà cụ nhà bên cũng mất ngủ vì lạ nhà hoặc là vì thương nhớ cố hương. Bà Mẫn xuống phố gần mười năm cũng đâu có đêm nào ngon giấc. Nhắm mắt lại là thấy cánh đồng rơm rạ. Thấy mảnh vườn xưa, căn nhà cũ, những mặt người từng gắn bó hơn nửa đời người. Cứ mờ sáng là chập chờn thức giấc vì nghe thấy tiếng gà trống vọng ra từ tâm thức. Nên lúc thấy bà Hạo ra quét sân là bà Mẫn liền tới chào hỏi. Hai bà già cứ người bên trong, người đứng ngoài rôm rả bao nhiêu thứ chuyện.
Người quê thường níu nhau lại giữa phố bằng câu chuyện rạ rơm, đồng ruộng. Thỉnh thoảng họ cùng nhau quét lá sấu vun thành từng đống. Cùng nhau ngó lên tán cây nhìn từng chùm hoa đã bắt đầu đậu quả. Cùng ngồi cạo vỏ sấu để ngâm đường, nấu bát canh chua kiếm cái cớ nhớ về bữa cơm quê bình dị.
Bỗng thị xã thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, chuẩn bị lên thành phố. Tất cả những công trình xây trái phép trên vỉa hè và hành lang lưới điện đều phải dỡ bỏ. Cổng và tường nhà hàng xóm đã đập đi. Cây sấu sau nhiều lần xin giữ lại cuối cùng cũng đã bị đốn xuống. Dù khi trồng con trai bà đã tính toán để tán cây không vướng vào đường điện cao thế tít trên cao.
Từ khi cây sấu bị chặt đi, nắng chiếu thẳng vào nhà từ giữa trưa đến tận chiều. Quán nước chè của bà Mẫn chỉ còn có thể mở vào sáng sớm và chiều tối. Những lúc ấy cũng chẳng có khách khứa nào vào ngồi. Các con đi làm, tụi nhỏ đến trường, lúc râm mát bà Hạo lại ra ngồi ngoài cửa.
Hai bà già quanh quẩn mãi cũng hết chuyện để nói với nhau. Có khi chỉ ngồi đó lặng im ngửa mặt nhìn khoảng không trước mặt. Như thể họ vẫn thấy cây sấu già còn đó tươi xanh. Lũ chim sâu thoắt ẩn thoắt hiện nhảy nhót trong vòm lá, lích cha lích chích. Gió như từ cây mà ra, thổi mát cả không gian phố xá. Như thấy cả tiếng lũ nhỏ tranh nhau nhặt những quả sấu chín vàng rụng xuống, chấm muối hít hà ngon. Có phải tuổi già thường rất dễ mủi lòng nên nhớ một cái cây mà lệ cũng ứa nơi khóe mắt.
Hình như cũng chẳng phải mình người già mới nhớ cây. Ngó cái nắng chói chang hắt thẳng vào tận cửa, vợ chồng nhà hàng xóm bảo nhau:
– Giá còn cây sấu già thì tốt. Chịu khó quét lá nhưng còn có bóng râm.
– Mấy hôm nữa vào hè, chắc phải đóng cửa suốt ngày vì nắng.
Bà Hạo bảo con:
– Hay là trồng thêm mấy cái cây trước cửa. Mẹ thấy bảo họ chỉ cấm trồng cây tán cao thôi.
– Nhưng mà trồng cây gì bây giờ?
– Cây gì cũng được. Không có trái thì có hoa. Không có hoa thì có tán. Mẹ cả đời sống ở quê nên đã quen ngửi mùi cây cỏ. Phải có cây mới thấy có hồn nhà.
Mấy ngày hôm sau lúc mở cửa ra, bà Mẫn thấy vợ chồng nhà hàng xóm đang đào hố trồng cây. Họ chở về hai cây vú sữa, hỉ hả khoe:
– Giống này trồng lấy bóng mát là nhất đấy bà ạ. Cành thấp, tán rộng, ít rụng lá lại cho trái ngọt thơm. Người lớn hay trẻ con ăn đều thích.
Tối ấy bà Mẫn cũng bảo con: “Hay là nhà mình lại mua cây về trồng. Kể mà cả một dãy phố dài trồng nguyên cây vú sữa cũng hay, con nhỉ?”. Ý nghĩ về một khoảng trời xanh, những tán cây râm mát đã theo bà cụ cả vào giấc ngủ…
Vũ Thị Huyền Trang/Báo Giác Ngộ
Có thể bạn muốn xem
Trao gởi nhân duyên
Lịch Lãm Như Một Quý Ông
Dòng họ Trần phản ứng với chi tiết cha Trần Thủ Độ trong sách sử
Trên đường tìm hiểu thói hư tật xấu người Việt
Tôi đã trở về trên núi cao
Hồn Nam bộ trong sách ‘Đất rừng phương Nam’
Nam Hán Sơn Thành
Cuộc đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu
5 Bài học kinh doanh đắt giá từ chiến dịch tranh cử Tổng thống của một doanh nhân DONALD TRUMP