Những cuốn sách như “Phi châu thịnh vượng” và “Red Nile” cung cấp góc nhìn về lịch sử, những điều bí ẩn của châu lục này.

Châu Phi là lục địa hùng vĩ, nơi có sa mạc Sahara rộng lớn, dòng sông Nile trải dài. Nơi đây sở hữu loại hình phong cảnh, văn hóa đa dạng, khoảng 1.500 ngôn ngữ được sử dụng.

Châu lục này cũng nổi bật với tài nguyên thiên nhiên phong phú: Vàng, dầu mỏ, các mỏ khoáng sản quý…

Nhưng châu Phi cũng còn nhiều điều mà ta chưa được biết. Điều này một phần do tài liệu, sách về châu Phi chưa nhiều. “Độ bí hiểm của nó sẽ tăng lên rất nhiều khi ta không hiểu biết về nó”, PGS.TS Văn Ngọc Thành – khoa Sử, Đại học Sư Phạm Hà Nội – nói.

Sự hùng vĩ và những điểm còn ẩn khuất của châu Phi, sách vở về châu Phi là hai vấn đề mà PGS.TS Văn Ngọc Thành, nhà báo Trương Anh Ngọc, dịch giả Lê Đình Chi, chị Thanh Mai (người đi châu Phi một mình) bàn luận trong tọa đàm trực tuyến mới đây.

Sách Phút 90++ của Trương Anh Ngọc mô tả một châu Phi với những thái cực đối lập. Ảnh: N. N.

Mảnh đất của những thái cực đối lập

Chị Thanh Mai, 23 tuổi, nói sau chuyến đi châu Phi một mình, chị nhận thấy nơi đây còn nhiều ẩn khuất.

“Tôi luôn hỏi khi nào châu Phi sẽ phát triển hơn bây giờ, có cuộc sống hiện đại hơn. Dù tôi chỉ đi một dải miền Đông (dải khá hòa nhập với thế giới), nhưng nhiều vùng khác vẫn sống theo bộ tộc, có giao tranh… Tôi cảm giác ở đó luôn có sự đấu tranh: Một mặt tiến tới đời sống hiện đại, một mặt vẫn giữ văn hóa thổ dân xưa”, chị Thanh Mai nói.

Nhà báo Trương Anh Ngọc là người đi nhiều nơi, từng đặt chân tới Nam Phi. “Châu Phi với tôi, đầu tiên là cảm giác kinh hoàng”, Trương Anh Ngọc kể. Năm 2010, anh từ Italy tới Nam Phi công tác.

Trước chuyến đi, anh nhận được thư điện tử từ lãnh sự quán dài hơn chục trang nói về vấn đề an ninh, cảnh báo những điều không nên làm ở châu Phi như không nên ra ngoài vào ban đêm, không nên mang theo tư trang khi ra ngoài, nếu bị cướp không được nhìn vào mặt kẻ cướp…

Nhưng châu Phi không chỉ có những bất an. Châu Phi đã cho những người đặt chân tới mảnh đất này như Trương Anh Ngọc, Thanh Mai trải nghiệm đẹp.

“Ngoài chuyến chết hụt ra, mọi thứ ở châu Phi đều đẹp”, nhà báo Trương Anh Ngọc nhớ lại. Thiên nhiên hoang dã, những khu rừng, các loài động vật, bầu trời rộng lớn, điểm tận cùng của thế giới… của châu Phi đã đẩy cảm xúc của Trương Anh Ngọc tới hai thái cực: “Kinh hoàng vẫn kinh hoàng, hạnh phúc vẫn hạnh phúc và vẫn khao khát một ngày nào đó được trở lại”.

Cũng giống người lữ hành Thanh Mai, khi rời châu Phi, nhà báo Trương Anh Ngọc thường trực câu hỏi: “Tại sao vùng đất giàu tài nguyên như vậy, ở một đất nước giàu có, thuộc nhóm G20 mà vẫn nhiều bệnh dịch, tệ nạn, tỷ lệ bạo lực cao như vậy”.

Bộ sách “Lịch sử châu Phi”. Ảnh: Omega+.

Lấp khoảng trống sách về châu Phi

“Châu Phi còn nhiều điều mà ta chưa biết tới”, PGS.TS Lê Đình Chi nói. Dịch giả cuốn Lịch sử của Herodotus nói ngay trong công trình đầu tiên về sử học, châu Phi đã được miêu tả, ghi chép, đề cập.

Tuy vậy, nhiều điều về vùng đất này chưa được khám phá. Ví dụ, những di chỉ bằng đá cho thấy đây là thành quả của một nền văn minh nào đó từng tồn tại, nhưng đến nay vẫn chưa có đầu mối văn bản, văn tự để biết rõ hơn.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết anh ít thấy sách về châu Phi xuất bản bằng tiếng Việt. Trước đó, nguồn kiến thức đầu tiên của anh về châu Phi là hai câu thơ trong một vở kịch của Nga được chiếu trên truyền hình: “Hết ngày dài lại đêm thâu / Chúng ta đi trên đất Phi châu”.

Sau đó, anh khám phá châu Phi qua tiểu thuyết Trên sa mạc và trong rừng thẳm (của Henryk Sienkiewicz); hình ảnh trong bộ phim Xa mãi Phi châu (chuyển thể từ sách Châu Phi nghìn trùng).

PGS.TS Văn Ngọc Thành nói nếu nhìn một cách hệ thống về lịch sử của châu Phi, trong tư duy, nhận thức của sinh viên Việt Nam thường chỉ nằm ở bốn điểm: Châu Phi là nơi sinh ra con người đầu tiên; Ai Cập (nơi có kim tự tháp); quá trình thực dân hóa và phi thực dân hóa ở châu Phi; Nam Phi đấu tranh chống chế độ apartheid.

Theo TGS.TS Văn Ngọc Thành, “sách vở, tài liệu về châu Phi ở ta không nhiều”. Khi thông tin không nhiều thì độ bí hiểm sẽ tăng lên. Bởi vậy, châu Phi còn có điểm khuất lấp trong nhìn nhận của nhiều người.

Xuất phát từ việc thiếu sách, tư liệu về châu lục này, công ty sách Omega+ bắt tay thực hiện bộ sách “Lịch sử châu Phi”. Bộ sách gồm hai cuốn Phi châu thịnh vượng – Lịch sử 5.000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực (tác giả Martin Meredith) và Red Nile: Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới (tác giả Robert Twigger).

Phi châu thịnh vượng  Lịch sử 5.000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực là bức tranh toàn cảnh 5.000 năm lịch sử của lục địa châu Phi rộng lớn, đặc biệt là giai đoạn thịnh vượng đã kéo dài hàng nghìn năm, thu hút bao nhà thám hiểm và kẻ xâm chiếm đến từ những vùng đất xa xôi.

Red Nile: Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới là câu chuyện về những gì đã xảy ra trên và bên cạnh sông Nile – dòng sông dài nhất thế giới. Dòng sông như một chứng nhân lịch sử cho bao thăng trầm thay đổi của con người sinh sống dọc hai bên bờ.

PGS.TS Văn Ngọc Thành đánh giá bộ sách Lịch sử châu Phi là một hướng tiếp cận hợp lý. Trong đó, một cuốn cung cấp hiểu biết nền tảng về lịch sử, một cuốn giống như chuyên đề, đi sâu vào một vùng đất, văn hóa, một vấn đề của châu lục.

nguồn: https://zingnews.vn/chau-phi-hung-vi-qua-cac-cuon-sach-post1269635.html