“Những gì Nguyễn Hoàng Anh Thư viết mang một dấu ấn riêng biệt, không đụng chạm với bất kỳ ai. Cái mới của Nguyễn Hoàng Anh Thư nằm ở cách nhìn và đặt vấn đề, thủ pháp dựng truyện, những suy nghiệm và liên tưởng gây bất ngờ, cách vận dụng ngô ngữ đậm chất thơ, và trong nhiều truyện, nhất là truyện cực ngắn, một sự tự động phối hợp thành tố để tạo ra một cấu trúc nghệ thuật tân kỳ. Từ đó truyện đã mở ra những biên độ sâu rộng hơn thế giới chúng ta đang sống.”
Đặng Thơ Thơ
“Nguyễn Hoàng Anh Thư có tố chất lạ, một lối tư duy đặc biệt dị thường.
…
Tôi thấy Nguyễn Hoàng Anh Thư có sự tương đồng với Linda Lê. Cả hai đều chối bỏ hiện thực để đi sâu vào thế giới mê hoặc của cõi mộng, của tưởng tượng được thổi lớn từ hiện thực.”
Tru Sa
Chỉ là gió trên cánh đồng
Anh bạn tôi vừa hoàn thành xong những bức tranh sau chuyến phượt. Gã alô tôi đến rửa cọ chúc mừng. Những bức tranh này được hắn gọi là những bí ẩn bất tận. Tôi lại gần và cảm nhận được những thanh âm phát ra qua những vệt màu, những vệt sơn dầu đang chảy, tôi đưa tay sờ lên một tấm, lớp sơn dầu còn nham nhám chưa khô hẳn.
Tôi cảm giác được trên những vân tay còn dính lại lớp dầu bóng pha loãng màu mà mắt tôi không nhìn thấy rõ được. Đẹp quá. Chúng thật đẹp. Những bức tranh được gã vẽ lại vào ngày thứ sáu của chuyến đi. Vì sao đến ngày thứ sáu gã mới vẽ lại thì tôi không hiểu được. Gã không trả lời cho thắc mắc của tôi. Những ngôi nhà gỗ tạp không có cánh cửa chìm sâu giữa thung lũng, có một vài người phụ nữ, họ đang mặc những chiếc váy thổ cẩm sọc đỏ vàng và cõng những gùi nước lớn. Có vài chú chó có đôi mắt hiền từ đang nằm trước sân vườn. Một quả cầu bằng nhựa bị khuyết một miếng như trái táo bị cắn. Cảm giác thật ngọt. Có điều gì đó cô độc và nhiều nỗi đau bị nhốt lại nơi này. Có rất nhiều loại nhạc cụ được đóng đinh dọc bức tường.
Ở một góc nào đó tôi nghe thấy chúng đang bật lên những điều du dương và thảng thốt. Sự pha trộn. Đủ thứ. Mọi điều vẫn chưa đóng khung. Những mép vải bố uốn cong lên như muốn níu giữ điều bí ẩn. Màu cổ đồng ánh bạc thỉnh thoảng có chút phớt màu mun đen như đám tro rừng vừa cháy hết. Những gương mặt cũng như thế, những khuôn miệng hay cười ngờ nghệch, thon thon dẹt dẹt như họ đặt cái kèn lá thổi dưới bờ môi trề ra phớt thoáng niềm vui từ khoang bụng. Gã họa sĩ này thật tài tình, gã đã gói lại tất cả thứ âm thanh bí ẩn của đại ngàn vào trong những vệt màu quái đản, những thứ màu đỏ bầm bầm của máu ứ, màu xanh đen úa của những vết thương ồn ã của nội thành pha trộn với thứ cảm xúc ban sơ của núi rừng.
Tháng trước, chúng tôi đã đến nơi ấy theo con đường độc đạo dài hun hút. Nơi này là một thế giới khác hẳn nhịp sống hiện đại, sự khác biệt từ phía rừng cây yên lặng với những ồn ào náo nhiệt của thế giới công nghệ bên kia. Chúng tôi đọc thấy những dòng chữ khai sinh của núi rừng mà chưa một bàn tay con người nào đóng dấu vào đấy công chứng. Cuộc sống nơi xóm nhỏ này đã mấy mươi năm không có sự hiện diện của điện, sóng điện thoại và nước máy, không biết bao nhiêu năm ở nơi này đã kéo những con người khốn khó cứ xa dần khỏi tầm với của lối sống văn minh. Nơi đây chỉ có mấy chục gia đình nhỏ, tất cả họ hầu như quên mất tiếng nói.
Người ta kể lại rằng, xưa có một gia đình rất nhỏ đã bắt đầu đến sinh sống ở thung lũng này. Một người đàn ông biết nói và một người vợ câm. Họ đã sinh ra những đứa con bị câm. Việc những đứa con bị câm này người ta không thể lý giải từ thói quen giao tiếp hay từ dị tật của vòm họng. Mỗi ngày trong buổi chiều muộn, họ thường quây quần với nhau. Một người đàn ông ngồi ở giữa, không nghe thấy tiếng nói gì, chỉ thấy từng động tác bằng tay, bằng miệng, đôi khi cả chân tay ông ta nhún nhảy theo, đôi mắt lầm lừ và gương mặt có màu của rễ cây rừng.
“Sao ở đây lại toàn là gió nhỉ” – hắn nói vu vơ, mắt chăm chú nhìn những bức tranh – “chúng đang vi vu, không phải là gió rát mặt như ở quê mình”.
*
– “Alô”
– “Tao đây, mày qua tao đi”.
Cả buổi sáng nay tôi mới ngồi với hắn, chẳng còn chuyện gì để trò chuyện, hắn cứ ngồi nghệch mặt ra đường mà ngó từng dòng xe lao vùn vụt.
Hắn đang ngồi trước giá vẽ, bên cạnh chai rượu rum đã vơi hơn nửa, những bức tranh ngổn ngang giữa phòng. Gã xoay người lấy bút quẹt quẹt vào bức vẽ nháp, gã bảo: ừ, những dòng suy nghĩ hôm nay ta sẽ xé nháp đi nhé, sẽ không bao giờ biết được, không bao giờ biết được trừ khi… Hắn ngập ngừng, gã quàng tay lấy ly rượu hớp thêm một ngụm, nó có vị chát ngắt. Hắn sợ những bức tranh kia sẽ luôn mách lại: Hắn là một thằng nhút nhát! Hắn đã từng giấu nước mắt của mình chảy ngược qua hai gò má, chảy xuống bụng rồi phun ra dưới đũng quần, hai bàn tay hắn đã rất nhiều lần tê cứng lại khi chạm vào cánh cửa gió của đại ngàn.
Tối nay hắn không thể gượng dậy nổi, người hắn mềm nhũn ra như sợi bún nhão. “Mày biết không, ở nơi đấy có những con người thật thà mộc mạc đến tận cùng của sự khốn khó, họ như những cái ruột mướp khô, người ta xé nhỏ vứt bừa bãi vào những cái sọt tre, như những người đàn bà ở đấy, người ta xé cả sự im lặng của gió”, hắn nói với tôi và đôi mắt không nhìn trực diện, “ở nơi đó có thể hóa lỏng tất cả những lòng dạ rắn như kim loại, hóa lỏng những ký ức của tao về cánh đồng đầy gió, hóa lỏng những năm tháng tuổi thơ rát bỏng, chúng sẽ trôi đi tất cả, như gió, mày hiểu không?”.
Tôi hiểu, gió từ thung lũng ấy đã nằm trọn những bức tranh hắn vừa vẽ, tất cả là một sự im lặng, vi vu.
Mắt hắn xa xăm, đó là những ngọn gió từ cánh đồng đã chảy dài ra mặt phá Tam Giang, bốn mùa rát rạt. Những mái đình hoang lạnh. Cây cầu đá bắc qua dòng kênh nhỏ. Tiếng chim đang gù trong một lùm cây nào đó. Những đống rơm vàng, hai hàng mù u… tất cả là những mảnh ghép lều tều rời rạc. Mỗi chiều, chúng im lìm trong làn khói đục.
– “Mày thấy gì không?”
– “Không”
– “Gió đấy”
– “Chúng ở đâu?”
– “Trong đôi tai của tao”
– “Chỉ có gió thôi à”
– “Ừ, phải, chỉ có gió, gió từ bên trong khoang bụng, năm ấy có nhiều đứa trẻ đi chân đất leo lên những cánh cửa của những chiếc xe tải rách nát qua Lào kiếm cái ăn đó, tao nghe tiếng bước chân của chúng, rất đông”
– “Tết này mày có về thăm quê không?”
– “Chưa, sẽ chẳng còn những con đường đất không có hàng rào nào chắn cho thằng bé năm xưa chạy”, tiếng hắn cười nhỏ.
Hắn đã nói với tôi rằng “mình đã gởi những giấc mơ lên những ngọn xương rồng”, nơi ấy có một ngọn tháp ba tầng trên đỉnh núi rất bí ẩn, chẳng có thang leo, có thể nó đã bị gãy bởi bom đạn, hoặc là bởi gió. Những cái gai đang đâm vào cát, rất sâu, những giọt máu của cát đã phủ tràn nơi gã nằm.
Ngoài kia, khu phố nhỏ vẫn đang quay vòng. Những ngọn nến đã được treo ngược ở hai bên đường dưới màn mưa trắng xóa. Hắn vẫn mơ về một cánh đồng đầy gió, những cái roi gió đang quất vào da thịt hắn, nỗi đau ấy thật là êm ái. Hắn vẫn đang nằm và mắt lim dim thưởng thức cơn say, như cát. Những ngày ấy trong nỗi nhớ của hắn chỉ còn là những khái niệm thật mơ hồ như những bài toán đi tìm nghiệm âm. Góc quê ấy vẫn còn khoanh lại từng vòng tuổi ấu thơ của hắn. Những nét mặt hồ hởi của những đứa trẻ khi đến vụ mùa. Nụ cười của chúng có màu vàng óng.
Hắn đã học thuộc lòng ca dao để ngắm gương mặt của mẹ với những giọt mồ hôi trong như hạt pha lê. Hắn đã từng can đảm tẩy xóa những con số trong học bạ để được vào học ở một trường thành phố. Rồi hắn đã lớn lên, bôn ba như gió. Hiện tại hắn đang vẽ, và tẩy xóa, hắn vẫn đang thiết kế những giấc mơ của mình. Giấc mơ ấy chỉ là gió trên cánh đồng. Cánh đồng có một màu vàng óng của hoàng hôn. Những hạt vàng óng ấy đã đọng trong đôi mắt của hắn mãi mãi. Ừ thì, dù sao nơi ấy vẫn còn lại gió đó thôi, phải không?
Nguyễn Hoàng Anh Thư
Có thể bạn muốn xem
Top 10 kỳ quan thiên nhiên đáng kinh ngạc nhất châu Á
Ứng dụng công nghệ xuất bản trực tuyến vào sách nói
Ông Nguyễn Nhật Anh được tặng huân chương Hiệp sĩ Văn học Pháp
Khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10
Yêu những điều không hoàn hảo
Sử thi La Mã: Việt Nam có thể tiếp nhận ?
5 điểm chết trong teamwork
Hòn đảo của tiến sĩ Moreau
Những cuốn sách cho ngày xuân