Cuốn sách “Từ Everest Marathon đến Chinh phục hồ Tây” của tác giả Phạm Duy Cường vừa được xuất bản không chỉ ghi lại hành trình của một người đam mê chạy, truyền cảm hứng chạy bộ cho người khác cũng như đứng ra tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, mà trong đó còn có cả một tình yêu Hà Nội, đặc biệt là với hồ Tây huyền thoại.

Bìa sách “Từ Everest Marathon đến Chinh phục hồ Tây”

Cuốn sách ghi lại hành trình chinh phục Everest Marathon – một trong những giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới của tác giả, cũng là người Việt Nam đầu tiên tham dự giải đấu này, với những thử thách khó tưởng tượng. Nhưng đối với Đốc tờ Dẻo – biệt danh của tác giả, Everest Marathon mới chỉ là khởi đầu cho chuỗi hoạt động khác để thỏa đam mê chạy và cống hiến cho cộng đồng chạy bộ.

Từ việc tác giả thành lập cộng đồng “Run4Self – Chạy vì mình” trên mạng xã hội, nơi những người yêu thích chạy bộ có thể tham gia, chia sẻ kiến thức, đã có rất nhiều giải chạy ở khắp Hà Nội hình thành cùng nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực, hiệu quả như: Hiến máu nhân đạo, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ em vùng cao… 

Trong “Từ Everest Marathon đến Chinh phục hồ Tây”, người ta tìm thấy khao khát mang đến những sân chơi mới cùng với Hồ Tây của Phạm Duy Cường, vốn sinh ra ở khu vực ven hồ Tây. Trong số đó, giải chạy Chinh phục hồ Tây (đã được tổ chức lần đầu vào năm 2020) hoàn toàn có thể xây dựng thành thương hiệu lớn để thu hút người Hà Nội và du khách với quy mô 10.000-20.000 người tham gia vào dịp tháng Giêng. Để rồi người chạy, trong đó có khách từ các tỉnh, thành khác, được chạy trong chút se lạnh, một chút sắc đào Nhật Tân… Rồi có thể là một giải chạy đêm “Midnight Marathon” quanh hồ Tây để người tham gia được trải nghiệm cảm giác chạy giữa màn đêm yên tĩnh của hồ Tây, trong thoang thoảng hương sen…

Và tác giả cũng không ngại ngần bộc lộ ý tưởng về việc biến cung đường ven hồ Tây trở thành “con đường văn hóa”, mà như tác giả chia sẻ: “Đây là ý tưởng mà mỗi lần nghĩ đến đều khiến tôi hạnh phúc. Anh em chạy bộ, đạp xe quanh hồ. Thỉnh thoảng, những nghệ sĩ đường phố chơi nhạc dạo cổ vũ các runner. Dưới hồ, các anh em chèo thuyền tấp nập. Trên những bãi cỏ, mọi người ngồi trò chuyện, nhâm nhi cốc trà đá. Hồ Tây có đủ mọi thứ để anh em có một cuối tuần vừa sôi nổi, vừa chậm rãi. Du khách ghé Hà Nội lại có thêm một không gian check-in mang đậm phong vị Hà thành…”. 

Đi kèm những ý tưởng đó là ưu tư, thách thức mà tác giả đặt ra. Và dù sẽ mất nhiều thời gian để những ý tưởng đó trở thành hiện thực thì qua những trang sách trong “Từ Everest Marathon đến Chinh phục hồ Tây”, người ta vẫn thấy rõ tình yêu Hà Nội, tình yêu hồ Tây của tác giả. 

Như chính tác giả tự sự: “Từ Everest đến với hồ Tây, nghe có vẻ hơi ngược đời, vì ai lại đi từ khó về dễ, nhưng tôi tin rằng, sau khi đã đọc hết cuốn sách này, các bạn phần nào hiểu được hành trình chinh phục hồ Tây vất vả hơn chinh phục Everest rất nhiều…”.