Tôi vẫn luôn cho rằng bản thân là người “không có tài năng”.

Bởi dù làm gì thì tôi cũng không thể nghiêm túc duy trì được lâu dài. Và dù là chơi thể thao hay học tập, tôi cũng chưa khi nào đạt được những thành tích đáng kể. Nhưng sau khi tìm hiểu về thói quen, tôi đã thay đổi suy nghĩ.

Hiện tại, với tôi, việc có tài năng hay không đã không còn quan trọng.

Bởi tài năng không phải là thứ “được ban tặng” mà là thứ “được tạo ra” từ kết quả của việc duy trì các thói quen.

Tôi rất thích nhà văn Sakaguchi Kyohei. Trong những cuốn tiểu thuyết của mình, anh ấy sử dụng những từ ngữ hoàn toàn khác với các nhà văn khác. Anh ấy biết chơi guitar, đàn những bản nhạc khiến bao người rung động, và còn biết vẽ những bức tranh độc đáo. Gần đây, anh ấy còn đóng bàn ghế, đan lát đồ dùng. Anh ấy quả thực là một người tài năng.

Nhưng khi Sakaguchi Kyohei mới bắt đầu hoạt động, chính bố anh đã nói rằng: “Nếu không có tài năng thì không trở thành nhà văn được đâu”, và ngay cả em trai anh cũng từng nói: “Anh có thành công thì cũng chỉ là mèo mù vớ cá rán mà thôi!”… Nhưng Sakaguchi vẫn luôn nói rằng: “Quan trọng không phải là tài năng mà là tính kiên trì.” Dù là những người đang đứng ở vị trí hàng đầu trong các lĩnh vực như thể thao, nghệ thuật, như Ichiro hay Murakami Haruki thì họ cũng không tự nhận mình là thiên tài.

Trong khi đó, chúng ta lại luôn bị mê hoặc trước những truyền thuyết về các thiên tài. Ví dụ, trong bộ truyện tranh Dragon Ball, tài năng của các nhân vật luôn được đánh thức khi họ tức giận, hay Slam Dunk với nhân vật chính vốn chỉ biết đánh nhau thì lại được phát hiện khả năng bật nhảy, hay như bộ phim điện ảnh Hollywood The Matrix kể về người được chọn sẽ đột nhiên thức tỉnh năng lực của bản thân.

Càng trải nghiệm, bạn sẽ càng nhận ra rằng tài năng thực tế không giống với những câu chuyện hấp dẫn đó. Những người được coi là thiên tài đều phải nỗ lực hết mình.

Có một câu danh ngôn như sau:

Thiên tài chẳng qua là sức mạnh của quá trình nỗ lực không ngừng. – Elbert Hubbard

Như vậy, có lẽ thiên tài chính là người luôn kiên trì, nỗ lực. Từ đây, tôi lại suy nghĩ: Vậy, mỗi chúng ta có tồn tại “khả năng duy trì nỗ lực” không?

Tác giả: Sasaki Fumio
Dịch giả: Như Nữ
Nhà xuất bản: Công Thương
Giá bìa: 139.000VNĐ

Tôi cho rằng hiện tại, mọi người đang hiểu sai cũng như dùng sai hai từ “tài năng” và “nỗ lực”. Tài năng không phải là thứ sinh ra đã có, được ông trời ban cho, và nỗ lực cũng không phải là những đau khổ mà chúng ta phải nếm trải. Trong cuốn sách này, tôi muốn cùng bạn làm rõ hai từ đó thông qua việc tìm hiểu chủ đề “thói quen”. Đồng thời, tôi cũng muốn đem tài năng và nỗ lực quay về với những người bình thường nhất. Hai yếu tố tài năng và nỗ lực không phải chỉ có ở một nhóm người mà được hình thành dựa vào bản thân mỗi người chúng ta.

Cuốn sách này có thể tóm lược đơn giản như sau:

  • Tài năng không phải là thứ “được trời ban” mà là thứ “được tạo ra” khi bạn duy trì nỗ lực.
  • Bạn có thể duy trì sự nỗ lực lâu dài nếu biến nó thành thói quen của mình.
  • Phương pháp để dưỡng thành các thói quen ấy là những thứ có thể học hỏi được.

Trong cuốn Lối sống tối giản của người Nhật, tôi đã được giải phóng khỏi tiền bạc và vật chất. Và với cuốn sách lần này, tôi cũng đã được giải phóng khỏi gánh nặng mang tên “nỗ lực” và “tài năng”.

Cuốn sách này đối với tôi có thể coi là “sự phát triển cá nhân cuối cùng”.

Và giờ, hãy bắt đầu chuẩn bị cho sự phát triển cuối cùng nào!

MỤC LỤC:

Lời mở đầu

Chương 1: Sức mạnh ý chí có sẵn ngay từ khi sinh ra?

Chương 2: Thói quen là gì?

Chương 3: 50 bước để tạo thành thói quen

Chương 4: Chúng ta được tạo nên từ những thói quen

Lời kết

TRÍCH ĐOẠN SÁCH:

Thói quen là hành động gần như không cần suy nghĩ

Chẳng có người nào thảm hại tới mức không có nổi một thói quen và luôn bị sự lưỡng lự, do dự làm cho dằn vặt, khổ sở. Nếu có, với những người như vậy, dù chỉ châm một điếu thuốc, uống một cốc trà, hay cả thời gian thức dậy, đi ngủ mỗi ngày, hoặc giả như có chút chuyện gì đó xảy ra cũng đều cần đến ý chí. Họ dành phần lớn thời gian để đưa ra quyết định, hoặc tiêu phí nó trong sự hối hận. – William Shakespeare

Ở cuối Chương 1, tôi có viết rằng thói quen là “hành động gần như không cần suy nghĩ”. Tôi cho rằng tiến đến trạng thái của thói quen tức là bạn gần như không cần dùng tới ý thức mà hành động trong vô thức vậy. Trạng thái này không tồn tại tình trạng “trăn trở”, bạn không cần “quyết định” xem nên làm cái gì, hoặc phải “lựa chọn” xem nên sử dụng phương pháp nào… bởi trăn trở, quyết định, lựa chọn, đều là vấn đề của ý thức.

Theo một nghiên cứu của Đại học Duke, 45% hành động của chúng ta không đến từ quyết định ngay tại thời điểm đó mà do thói quen. Nói đến đây, chúng ta lại có một câu hỏi. Những quyết định như “bữa trưa ăn cơm hay ăn mì”, “ngày nghỉ đi đâu xem phim” chắc chắn đều được lựa chọn sau quá trình suy nghĩ. Vậy nếu thói quen là “hành động gần như không cần suy nghĩ” thì tỷ lệ 45% có phải là quá cao không?

Tuy nhiên, dù có người phân vân không biết bữa trưa đi ăn ở quán nào thì chắc hẳn cũng chẳng có ai thực sự đắn đo khi vào quán bia và gọi “cho tôi một cốc trà” cả.

Thói quen sau khi thức dậy

Hãy nghĩ đến những hành động của bạn sau khi thức dậy vào buổi sáng. Bạn rời khỏi giường, đi vệ sinh, tắm, ăn sáng, đánh răng rồi thay quần áo, buộc dây giày và ra khỏi nhà.

Mọi thứ dường như đã được lập trình sẵn và được thực hiện trôi chảy như một nghi thức vậy.

Thông thường, sẽ ít ai nghĩ đến chuyện lấy bao nhiêu kem đánh răng, đánh răng bên nào trước hay hôm nay thắt dây giày kiểu nào nhỉ!

Và vì mọi thứ đều được thực hiện mà không cần suy nghĩ nhiều nên hẳn là không có mấy ai coi những hoạt động buổi sáng này là thử thách khó khăn và phải nỗ lực để thực hiện chúng. Có thể nói với hầu hết người trưởng thành, những chuyện này đều đã là thói quen trong cuộc sống.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, chuyện thực hiện một loạt các hành động sau khi thức dậy buổi sáng lại cần rất nhiều nỗ lực. Ngay cả việc đi vệ sinh, các bé cũng không thể đi một mình, hay việc đánh răng, cài cúc áo, thậm chí thắt dây giày, dường như đều có một bức tường kiên cố dựng trước mặt, và để vượt qua bức tường thành đó, các bé cần đến một nỗ lực phi thường. Và có thể trước khi hoàn thành công tác chuẩn bị để ra khỏi nhà, các bé sẽ sử dụng hết sức mạnh ý chí của bản thân để rồi ngủ quên lúc nào không hay. Tuy nhiên, khi lặp đi lặp lại các hoạt động này trong thời gian dài, các bé tự nhiên sẽ hoàn thành được chúng. Dần dần, các hoạt động này gần như đều trở thành vô thức và chúng ta cũng không biết “tại sao chuyện như vậy thôi mà hồi trước lại khó nhọc đến thế…”

Vô tư lái xe

Dù đã thành người lớn nhưng chúng ta vẫn có những chuyện cần phải học. Năm ngoái, tôi lái xe trở lại sau 18 năm kể từ ngày lấy bằng. Ngày trước, chỉ nổ máy thôi nhưng tôi cũng phải thắt dây an toàn, giẫm chặt chân phanh, vặn chìa khóa rồi mới đổi sang phanh tay và gạt cần số P sang số D… Với mỗi động tác, tôi đều phải nhẩm đi nhẩm lại và kiểm tra thật cẩn thận.

Hiện tại, dù lái các xe số sàn phức tạp hơn, tôi cũng có thể thực hiện trơn tru trình tự ấy mà không cần nghĩ ngợi gì. Thật khó để giải thích điều này. Thời điểm chưa lái quen tay, chỉ mấy việc như vậy thôi nhưng tôi cũng cần tập trung ý thức. Vậy nên, mỗi khi nhìn những người lái xe có thể vừa lái vừa nghe nhạc, tôi vô cùng ngưỡng mộ. Nhưng giờ thì tôi cũng có thể vừa tập trung ý thức vào bài nghe tiếng Anh vừa có thể lái xe một cách vô tư như vậy.

Sáng nay, bạn xỏ giày bên nào trước?

Thời điểm không có vấn đề gì xảy ra và các hành động được lặp đi lặp lại như mọi lần, ý thức của con người sẽ không xuất hiện. Chuyện này cũng tương tự như khi không có sự kiện, vụ án nào xảy ra thì cũng sẽ không có bài báo nào được viết. Những tật ngồi bắt chéo chân hay gù lưng khó sửa bởi đó hầu như đều là những hoạt động được thực hiện mà không có sự tham gia của ý thức.

Hẳn không có mấy ai có thể nhớ được chính xác buổi sáng khi ra khỏi nhà đã xỏ giày bên chân nào trước. Đó là vì vấn đề “đi giày bên trái hay bên phải trước” không được ý thức quyết định mà chỉ là một hành động thông thường, diễn ra hằng ngày.

Nhà nghiên cứu não bộ Ikegaya Yuji từng đưa ra một ví dụ rất thú vị như sau: “Lúc nào ta cũng có thể nhìn thấy được mũi của chính mình nhưng lại chẳng ý thức được nó”. Đúng là mũi nằm trong tầm nhìn của mỗi chúng ta và chỉ cần muốn là chúng ta sẽ nhìn thấy. Nhưng nó lại không phải là một “tin tức” mới mẻ để được đăng trên “tờ báo”