Jun’ichirō Tanizaki (24/7/1886 – 30/7/1965) là một thiên tài văn chương với một văn nghiệp đồ sộ. Ông thành công nhờ những tác phẩm nhắm tới miền sâu thẳm phong kín của địa ngục nội tâm con người muôn thuở, họa lại một thế giới đảo điên với những ám ảnh dục vọng cuồng si, một xã hội Nhật chông chênh, thay đổi đến chóng mặt trước làn sóng du nhập văn hóa Phương Tây vào thế kỷ 20.
Là người sùng bái phụ nữ và sắc đẹp nhưng cái đẹp trong văn của Tanizaki lại nhuốm mùi chủ nghĩa tự nhiên. Những mỹ nhân trong văn ông lộng lẫy và được tôn thờ như nữ thần, nhưng vẻ đẹp, sự hấp dẫn của họ lại hoàn toàn đậm chất trần tục.
Nghiên cứu tâm thần học, Tanizaki dám và có thể khắc họa hoàn toàn chính xác nhưng cũng không kém phần tài tình, uyển chuyển những xu hướng tính dục được coi là lệch chuẩn như đồng tính, bạo dâm, khổ dâm, ái vật, ái thú… Những “lệch lạc” mà người ta hay gọi này, qua ngòi bút thần diệu của Tanizaki, không phải là một thứ gì đáng ghê tởm cùng cực mà lại có sức hút khó lòng chối từ, tựa như loài cây nắp ấm tỏa hương thơm ngào ngạt khiến con mồi sa ngã.
Một mô típ được Tanizaki hết mực ưa thích đó là một người phụ nữ được vô cùng sùng bái nhưng lại tàn ngược với kẻ yêu thương mình. Ta có thể bắt gặp mô típ này trong nhiều tác phẩm của ông như truyện ngắn Xâm mình, Người cắt lau và cả cuốn tiểu thuyết Chữ Vạn.
Nhà văn vĩ đại của Nhật Bản Jun’ichirō Tanizaki (24/7/1886 – 30/7/1965). |
Chữ Vạn là một lời tự thú, một câu chuyện kể lại của người trong cuộc – Sonoko Kakiuchi, một thiếu phụ con nhà khá giả, được chiều chuộng hết mực bởi mẹ cha và chồng nên có phần trẻ con, hiếu thắng và buông tuồng. Nàng thỏ thẻ kể lại cho một vị tiên sinh nào đó mà dù không nhắc tên người đọc cũng thừa biết đó chính là Tanizaki về “biến cố” của mình – một vụ việc gì đó mà báo chí đã đăng nhan nhản.
Ngay từ đầu, nàng nhắc đến một gã đàn ông nàng từng tằng tịu, một người bạn gái mới quen xinh đẹp, khiến người đọc tưởng mình đã đoán trước được nội dung câu chuyện, nhưng ôi thôi, ta hoàn toàn đã nhầm, con đường mà Tanizaki đẩy nàng thiếu phụ kia vào cong queo, bất ngờ và hiểm nguy như những khúc cua tay áo chứ đâu giản đơn đến vậy!
Và ngay từ đầu, vị tiên sinh kia lại nhắc tới Kakiuchi như một bà góa mà không thêm thắt một manh mối nào khác. Những cú úp bát mở đĩa ấy khiến ruột gan ta thôi thúc tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra và “biến cố” kia thực sự là gì.
Qua lời kể của Kakiuchi, từng lớp, từng lớp của câu chuyện được bóc ra; mỗi lớp rơi xuống đều khiến ta ngỡ ngàng, choáng váng. Tất cả mọi con đường, nguồn cơn của mọi sự đều thu về một mối – nàng mỹ nhân Mitsuko Tokumitsu.
Có thể nói Mitsuko chính là một “Femme fatale” không sai, “một người đàn bà chết chóc” nếu ta dịch thô nguyên gốc sang tiếng Việt. “Femme fatale” chuyên dùng để chỉ những người phụ nữ có sức quyến rũ thượng thừa và sự bí ẩn vô lượng, có tài khiến người khác mê đắm mình một cách mù quáng bằng sắc đẹp, dối lừa, sự ma mị hay bất cứ thứ vũ khí gì khác, khiến kẻ si mê rơi vào vòng nguy nan, chết chóc cũng không chừng.
Helen của thành Troy, Cleopatra và Messalina chính là những “Femme fatale” điển hình trong lịch sử Tây Phương. Còn Đông Phương cũng có câu “Nhất cố khuynh nhân thành/Tái cố khuynh nhân quốc” để chỉ vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, làm lòng người đảo điên, khiến quốc gia suy vong. “Tiếu Bao Tự; bệnh Tây Thi; ngận Đát Kỷ; túy Dương phi”, cả bốn người này đều nổi tiếng với việc khiến quân vương si mê đến nỗi tiêu tan sự nghiệp, tàn vong đất nước.
Ở Việt Nam ta cũng có “Bắc Tuyên phi, Nam Tống thị” khiến Đàng Ngoài, Đàng Trong suy chuyển, gây nên bao nỗi đoạn trường. Nàng Mistuko trong Chữ Vạn không được đến thế, nàng chẳng làm máu chảy thành sông, thành quách lụi tàn như cố nhân, nhưng nàng tài hơn họ ở chỗ không chỉ mê hoặc được đàn ông, nàng còn khiến một người đàn bà yêu thương nàng hết mực – chính là thiếu phụ Kakiuchi, người nàng luôn miệng gọi Chị Hai, Chị Hai.
Bằng những nút thắt, bước ngoặt bất ngờ, Tanizaki đã trói buộc người đọc trong một tấm mạng nhập nhằng không lối thoát của tình yêu khác giới và đồng tính nữ, ngoại tình và hôn nhân, hạnh phúc và bi kịch.
Sonoko Kakiuchi và chồng nàng – một anh chàng mọt sách chẳng có đam mê cùng cậu chàng Watanuki bị bất lực đều đang nằm yên trên tấm mạng nhện đó, còn ở trung tâm chính là Mitsuko – người con gái xinh đẹp như nữ thần, vẻ thánh thiện như Quan Âm nhưng lòng dạ thì chẳng ai nhìn thấu.
Watanuki giở mọi thủ đoạn đê hèn để được ở bên Mitsuko, bày kịch, diễn trò, hăm dọa chẳng nản. Vợ chồng nhà Kakiuchi sẵn sàng dâng thân mình cho nàng hành hạ, đến chết cũng chẳng từ. Tất cả đều tưởng mình tự nguyện, hết mình vì tình yêu vĩ đại nhưng có ngờ đâu chính Mitsuko mới là người giật dây, chỉ lối. Nàng dùng tình yêu, sự ham muốn và lòng sùng mộ của những nạn nhân để điều khiển, thao túng họ.
Mối tình tay bốn quay tròn, móc ngoặc vào nhau hệt như biểu tượng chữ Vạn (卍) – tựa truyện. Ngự trên ngực Phật, chữ Vạn vốn tượng trưng cho nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận, và sự vĩnh hằng phúc lộc, an khang. Và quả thật, với vợ chồng Kakiuchi, Mitsuko chính là mặt trời hạnh phúc duy nhất, là nữ Quan Âm, là chữ Vạn của họ.
Nhưng nàng mỹ nhân này nào khác chi con nhện độc – tiêm thuốc mê vào con mồi khiến chúng tê liệt dần dần, lịm đi trên tấm mạng đã giăng, mơ màng trong những giấc mộng êm ái rồi chết đi trong thỏa mãn, hạnh phúc. Còn con nhện vẫn nằm đó, quan sát tất cả mà chẳng hề xót thương.
Nàng vỗ về, ru ta vào giấc ngủ
Ta đi vào giấc mộng – nhưng than ôi!
Giấc mơ cuối cùng ta không còn nhớ
Rằng chỉ mình ta lạnh lẽo trên đồi.
Ta nằm mơ thấy hoàng tử tình si
Vẻ tái nhợt trong cơn đau gào thét:
“La Belle Dame Sans Merci
Đã bỏ ngươi mà đi không thương tiếc!”
(La Belle Dame sans Merci, John Keats)
Theo Trịnh Dung/ Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Luân Lý Học
Dữ Liệu Nhỏ
“Mẹ Frisby và hội chuột NIMH siêu đẳng” tái xuất với diện mạo hoàn toàn mới
Nhật ký từ bệnh viện dã chiến: Nỗi cô đơn của hàng ngàn F0 tại bệnh viện dã chiến Covid-19
Thì thầm với dòng sông
Bây giờ mình đi đâu
Những nẻo đường chiêm nghiệm: Đối thoại giữa nhà sư và nhà khoa học
Tài chính cá nhân cho mẹ đơn thân
Thơ của Mai Văn Phấn được xuất bản tại Hàn Quốc