Từng ra mắt độc giả Việt Nam cách đây 17 năm, kiệt tác Con nhân mã ở trong vườn lập tức rơi vào tình trạng hết hàng suốt thời gian dài. Mới đây, tác phẩm của nhà văn Moacyr Scliar vừa quay trở lại với bản dịch và diện mạo mới.

Con nhân mã ở trong vườn (tên gốc: The Centaur in the Garden) là kiệt tác của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo do một trong những tiểu thuyết gia lừng lẫy nhất của thể loại này là nhà văn Moacyr Scliar (1937-2011) sáng tác, được dịch sang 49 thứ tiếng trên thế giới. Vào năm 2005, tác phẩm đã đến với độc giả Việt Nam qua bản dịch của dịch giả Trịnh Lữ. Tuy nhiên, ngay sau đó tác phẩm rơi vào tình trạng hết hàng suốt thời gian dài, hoặc nếu được bán thì với giá cao hơn giá bìa. Bản dịch mới được dịch giả trẻ Nhật Phi thực hiện, vừa ra mắt bạn đọc bởi Linh Lan Books và NXB Văn học.

“Con nhân mã ở trong vườn” là tác phẩm đầy tính ẩn dụ về hành trình tìm kiếm hạnh phúc

Tác phẩm được kể bằng ngôi thứ nhất, về một chàng trai tên Guedali trót ra đời với nửa thân hình người, nửa thân hình ngựa. Giữa một gia đình nghèo khó, giữa một xã hội người nhập cư nhiều định kiến, nhân mã Guedali phải tự thích nghi với cuộc đời lạc loài, đấu tranh với những hắt hủi, và rồi vẫn phải tìm cách sống. Guedali nhận được sự che chở của gia đình, đồng thời sự dị dạng của anh cũng khiến gia đình trở nên khổ sở hơn.

Phải sống chui sống lủi, có những lúc phải theo gánh xiếc mua vui cho những người bình thường, có thể nói Guedali đã có một tuổi thơ bất hạnh. Tình cảm của những người tốt bụng xung quanh không đủ an ủi anh. Nhưng đau khổ hơn hết là vết thương trong lòng, cùng với cái băn khoăn không bao giờ dứt: Anh là ai? Thuộc giống loài nào? Phải sống như thế nào? Chấp nhận hay không chấp nhận? Làm nhân mã hay làm người thường? Phải cư xử thế nào với bản năng dục tính hừng hực của nửa thân ngựa bên dưới?

Dần dần vượt khó vươn lên và tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh, cuối cùng Guedali cũng có cho mình một đồng loại, một tình yêu. Chuyện đời anh rẽ hướng từ đây khi thậm chí anh tìm ra cơ hội phẫu thuật thành người. Dù nửa người nửa ngựa, anh cũng vẫn phải sống một kiếp người, trải qua bể khổ, tan vỡ và hạnh phúc thực sự như một con người.

Qua một ẩn dụ tinh tế, nhà văn Moacyr Scliar đã đào vào tận sâu ngóc ngách tâm can con người và gọi tên rành mạch từng bản năng của họ. Điều đó làm cho tác phẩm Con nhân mã ở trong vườn được yêu thích ở nhiều thế hệ bạn đọc Việt.

nguồn: https://www.sggp.org.vn/con-nhan-ma-o-trong-vuon-tro-lai-voi-dien-mao-va-ban-dich-moi-post673636.html