Nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển là một cây bút sung sức, như nhận xét của nhà văn Văn Lê, dù ở giai đoạn nào, ác liệt của chiến tranh hay cuộc sống sôi động trong hòa bình, dù ở cương vị nhà báo, người quản lý… thì cái chất nhà thơ vẫn đeo bám con người ông. 
Những ngày cuối cùng của năm 2017, nhà thơ Trần Thế Tuyển gửi đến bạn đọc yêu thơ một tập thơ mới nhất của ông có nhan đề Tiếng chim trong vườn (ảnh) do NXB Thanh niên xuất bản. Không chỉ có thơ, gần phân nửa tác phẩm còn là những những ca khúc được phổ nhạc từ thơ của ông.
Tiếng chim trong vườn đã là minh chứng rõ nét nhất đam mê cũng như sức sáng tác của nhà thơ Trần Thế Tuyển. Tập thơ gồm gần 90 bài thơ được tác giả sáng tác trong khoảng từ năm 2014 đến nay, lần đầu tiên được công bố; và 46 bản nhạc được phổ từ thơ Trần Thế Tuyển của các nhạc sĩ tâm đắc, đồng cảm với nhà thơ qua những bài thơ đăng trên các báo.
Tác phẩm đã chia thành ba phần với những tên gọi như Tiếng chim trong vườn, Tình như hoa cỏ, Câu thơ sưởi ấm thời gian. Thơ của Trần Thế Tuyển được các bạn thơ, nhà phê bình nhận xét, dù rằng có nhiều góc độ, nhiều khuynh hướng sáng tác, nhưng luôn luôn có một điểm chung không thể phai mờ – chất lính. Nếu nhìn về mặt thời gian, cả 3 phần đều xoay quanh cuộc đời của một cựu chiến binh, Tiếng chim trong vườn là hồi ức ngày ra chiến trường và lúc trở về của người lính trẻ. Khác với những bài thơ ngày trước của chính tác giả, những bài thơ lần xuất bản này là kỷ niệm ngày ra trận và trở về, những kỷ niệm nằm trong tiềm thức, lưu dấu trong hoài niệm, chứ không phải là trong trí nhớ thuần túy: Con lớn lên đồng xanh tháng ba/Đêm tháng mười sương giăng cuối bãi/Hương lúa thơm mùi con gái/Theo con dằng dặc chiến trường… Cũng như thế, hình ảnh trở về, dấu ấn kỷ niệm của chiến trường giờ nhắc lại cũng chỉ còn đó những hoài niệm sâu xa nhất: Chiều Trường Sơn/Anh đi tìm cỏ mật/Tìm giọt mưa/Thời xa xưa/Thấp thoáng…
Ở phần Câu thơ sưởi ấm thời gian lại là hình ảnh một người lính khác, người lính đã trở về, đã hoài niệm, đã nhớ nhung và bây giờ đã trở thành ông, thành bà, đã bỏ lại sau lưng những bề bộn của cuộc sống để yên vui với hạnh phúc cùng cháu con: Ta còn một chút để khoa/Những đứa cháu ngoại mải mê nói cười. Bạn đọc hẳn sẽ vẫn tin rằng, sau phút trầm lắng trong khu vườn vang tiếng chim, người lính – nhà thơ Trần Thế Tuyển sẽ tiếp tục quay lại, gửi đến đời những vần thơ mới, đầy chất lính, mạnh mẽ mà lãng mạn.
theo XUÂN THÂN/SGGPO