Tác phẩm tiên phong về kinh tế học của Adam Smith, Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations – 1776), dài khoảng 950 trang. Độc giả hiện nay thấy gần như không thể hiểu được: ngôn từ hoa mỹ, thuật ngữ quá cũ, có những đoạn lạc đề dài tới bảy mươi trang, và rất nhiều ví dụ từ thế kỷ XVIII-XIX làm chúng ta bối rối, chứ không có tác dụng khai sáng cho những người sống trong thời đại hiện nay.

Nhưng, Của cải của các quốc là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trên thế giới. Nó tạo được ảnh hưởng đối với kinh tế học tương tự ảnh hưởng của Newton đối với vật lý học và Darwin đối với sinh vật học. Tác phẩm này sử dụng tri thức cổ xưa, được mọi người công nhận về thương mại và chính sách công, và tái khẳng định những kiến thức đó theo những nguyên tắc hoàn toàn mới mà hiện nay chúng ta vẫn sử dụng một cách hiệu quả. Smith đưa ra khái niệm về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), như là biện pháp đo lường của cải của quốc gia; ông xác định rằng chuyên môn hóa làm cho năng suất lao động tăng lên đáng kể; ông nhận ra rằng trao đổi làm cho hai bên – chứ không chỉ người bán – đều được lợi; ông nhận thức được rằng thị trường là cơ chế phân bố tự động các nguồn lực, với hiệu quả cao; ông hiểu rằng cơ chế này tạo ra sự hợp tác rộng khắp và hiệu quả giữa các nhà sản xuất khác nhau. Tất cả những tư tưởng này vẫn là thành phần cơ bản của khoa kinh tế học trong suốt hơn hai thế kỷ sau đó.

Cho nên, Của cải của các quốc gia là tác phẩm cần phải đọc, nhưng đọc nó là công việc gần như bất khả. Cái chúng ta cần ngày hôm nay là bản ngắn hơn hẳn: trình bày tư tưởng của Smith, không thông qua bộ lọc của những nhà bình luận đương thời, mà bằng ngôn ngữ hiện đại.

Cuốn sách này nhắm tới mục đích cập nhật ngôn ngữ và thuật ngữ kỹ thuật, với một số ví dụ và trích dẫn từ tác phẩm của Smith nhằm cung cấp kiến thức, và với những nhận xét nhỏ nhằm giải thích con đường mà những ý tưởng về kinh tế học ban đầu của Smith phát triển thành những khái niệm kinh tế như hiện nay.

Tác giả

Tiến sĩ Eamonn Butler là Giám đốc Viện Adam Smith, một cơ quan nghiên cứu (think tank) có nhiều ảnh hưởng, từng viết về một loạt chính sách nhằm thúc đẩy sự lựa chọn và cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ trọng yếu. Ông có bằng kinh tế học, triết học và tâm lí học, và đã bảo vệ luận án tiến sĩ triết học (PhD) tại trường Đại học St Andrew vào năm 1978. Trong những năm 1970 ông còn nghiên cứu các vấn đề về hưu bổng và chăm sóc sức khoẻ cho Hạ viện Mỹ và giảng dạy triết học ở Hillsdale College, Michigan. Sau khi quay lại Anh, ông giữ chân biên tập viên tạp chí British Insurance Broker, rồi trở thành Giám đốc Viện Adam Smith, mà ông đã cùng với Tiến sĩ Madsen Pirie góp công thành lập. Tiến sĩ Butler có những tác phẩm viết về hai người đoạt giải Nobel kinh tế là Milton Friedman và F. A. Hayek, và là tác giả của tác phẩm: Ludwig von Mises: Cội nguồn của cuộc cách mạng trong môn kinh tế vi mô hiện đại. Ngoài ra ông còn là đồng tác giả của khá nhiều tác phẩm về trí thông minh và kiểm tra chỉ số thông minh (IQ).

Tên sách: Của cải của các quốc gia và lí thuyết về cảm nhận đạo đức rút gọn ­­

Tác giả: Eamonn Butler
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường