Mùa này ở phố, người ta càng thêm khao khát những tán cây. Mấy chục giây đèn đỏ trở thành nỗi ám ảnh của người dân, khi hai bên đường trơ trọi không có nổi một bóng cây. Họ nuối tiếc, tức giận khi hàng cây cổ thụ đứng sừng sững suốt mấy chục năm trời đã bị chặt đi.
Hàng cây mới trồng thay thế yếu ớt, khẳng khiu không mọc nổi một mầm xanh non dịu mát. Chúng có thể chết vì những ánh nhìn hằn học trước khi bị héo khô vì nắng nóng. Đi giữa đường mùa này chẳng khác gì con cua yếu ớt trong mùa hạn. May quá, hình ảnh con cua khiến tôi nhớ đến cánh đồng quê. Đúng lúc tôi phải vịn vào thứ gì đó để đi qua những ngày nắng như đổ lửa, ở một nơi thiếu vắng màu xanh và những tiếng chim chuyền.
Ở quê bây giờ chắc hẳn cái nắng oi ả đã bắt đầu tìm về theo tiếng ve rỉ rả ẩn nấp trên những vòm cây xanh ngắt. Dưới đồng ngô trổ cờ, đậu ra hoa và đám lúa đang e ấp giữa thì con gái. Cùng một vùng trời nhưng cái nắng ở quê nhà bao giờ cũng dịu hơn. Ấy là nhờ thứ màu xanh trù phú của ruộng đồng và những cánh rừng tràm, bạch đàn, tre, nứa. Ong luồn dưới tán cây đi tìm hoa lấy mật, hết mùa hoa tràm thì đến mùa vải, nhãn. Mật sóng sánh vàng như nắng, chưa chạm môi đã thấy ngọt thơm nơi đầu lưỡi. Những chú trâu, bò được chủ buộc tránh nắng dưới tán cây nằm thong dong nhai lại. Cũng vẫn là bụi tre ấy, ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ, làng quê chưa có điện. Cứ buổi trưa là cả xóm kéo nhau ra lũy tre nằm ngủ. Tre kẽo kẹt như thì thầm, thủ thỉ kể câu chuyện trăm năm. Các bà, các mẹ vừa ngồi phe phẩy quạt mát cho con cháu vừa tranh thủ bàn chuyện cửa nhà, đồng áng. Thỉnh thoảng chợt nghe thấy vài tiếng ọ ọe, thế là lời ru lại cất lên: À ơi… Con ong làm mật, yêu hoa/Con cá bơi, yêu nước. Con chim ca, yêu trời/Con người muốn sống con ơi/Phải yêu đồng chí, yêu người anh em. Tiếng ru mát lành như dòng suối, tưới tắm cho tâm hồn trẻ thơ. Gió theo tiếng ru tìm về, mây kéo đến. Trời bỗng nhiên râm mát, vài chú chuồn chuồn bay dập dờn đậu vào cả lời ru.
Năm hạn, chuồn chuồn bay chấp chới trên nền trời xanh thẳm. Những cánh chuồn mỏng manh thoắt ẩn, thoắt hiện trong cái nắng chói chang của đất trời. Chờ mãi không có hạt mưa nào rơi xuống, cỏ cây khát nước héo queo. Đồng cạn, đồng sâu đều nẻ toác, lúa ngô mất mùa ngay từ khi gieo hạt. Nắng đến mức những con cá cờ chết khô, lũ cua thi nhau bò lên bờ cỏ tìm chỗ ẩn nấp cho qua ngày hạn. Tôi đội chiếc mũ nan rộng vành, xách xô đi bắt cua giữa cánh đồng nắng cháy. Mong có được bát canh mát lành cho bữa cơm độn ngô, độn sắn đỡ khô khan. Dân làng tôi đi qua mùa hạn, mùa đói nhờ rau dại cưu mang. Những thân cây bé xíu mọc trên đồi hay dưới bờ ruộng được hái về ăn sống, hoặc giã lấy nước uống mát. Một cốc rau má cũng hạ nhanh cơn sốt. Thế mới biết cây cối dù chỉ là nhánh cỏ hay tán cây rộng lớn, hoa quả vườn nhà hay rau dại bờ sông cũng biết chắt chiu nguồn sống cưu mang lấy phận người.
Nên tôi xót xa khi những hàng cây trên phố cứ mất dần đi. Một tán cây cũng trở thành tri kỷ trong lòng người qua lại trên đường. Có những người chọn cách nương nhờ những tán cây ký ức. Ngồi kể với nhau rằng, “chỗ đó từng có một thân cây xà cừ to bằng mấy vòng ôm. Chiều nào ông lão cũng mang bộ đồ nghề cắt tóc, lấy ráy tai ra đó ngồi chờ khách”. Lại một người khác tiếc nuối một tán cây sấu già từng là chỗ chị ngồi bán xôi mỗi sáng. Cũng chỗ đấy buổi trưa có xe nước mía đẩy đến ngồi. Buổi chiều hàng bánh rán ngồi nhào bột. Buổi tối đến lượt chị bán ốc đắt hàng, tay thoăn thoắt tính tiền.
Và còn bao người khác níu giữ những ký ức về cây. Tôi lo sợ đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ như những con cua. Bỏ phố, bỏ nhà đi tìm một tán cây ẩn nấp…
Có thể bạn muốn xem
Cuốn sách có giá tương đương siêu xe Batman
Bản thiết kế vĩ đại
Diệt vong
Về tập truyện ngắn THỦY HỒ của TỐNG NGỌC HÂN
Triết học và vấn đề xã hội – Bìa cứng
COPYWRITING
Tháp cổ Champa
Ai là thầy thuốc tốt nhất của bạn
“Hạnh phúc không mọc trên cây” và “đơn thuốc sách” của TS Trần Hữu Đức