Vùng đất Rồng Sấm, đó là tên của vương quốc Bhutan nằm dưới dãy Himalaya được phiên dịch đầy đủ sang tiếng Anh, nổi tiếng vì có một đời sống hiện đại chậm rãi hơn phần lớn thế giới bên ngoài.
Truyền hình và internet chỉ mới có từ năm 1999, và mạng điện thoại di động chỉ có bốn năm sau đó. Và không thể tin được, mãi đến năm 1960, công trình xây dựng con đường đầu tiên của quốc gia này mới được khởi công. Trước thời đó, cách duy nhất để đi vòng quanh Bhutan là đi bộ và băng qua những con đường sỏi đá quanh co giữa cảnh núi non trùng điệp.
Nhưng đã có hơn 1.500km đường được xây dựng kể từ thời đó, và có những điều vui vẻ đặc biệt cho những ai lái xe trên những cung đường: đó là một số biển hiệu trên đường gây bất ngờ.
Thường chúng rất hài hước, ngớ ngẩn và rất nổi bật, đó là một phần của Dự Án Dantak, một sáng kiến tài trợ của chính phủ Ấn Độ từ Tổ chức Đường xá Biên giới (BRO), trong hơn nửa thế kỷ qua nhằm giúp Bhutan vững vàng tiến tới thời kỳ hiện đại nhờ vào các dự án xây dựng và phát triển.
Ở thành phố thứ hai của Bhutan có tên là Paro, nơi duy nhất có sân bay ở quốc gia này, chỉ có 12 phi công được phép thực hiện hạ cánh thủ công trên đường băng ngắn không cách gì nhìn rõ được giữa các dãy núi.
Và ở đoạn uốn khúc gần đó trên con đường ngay bên dưới đường bay, nơi xe hơi dừng lại để ngắm cảnh tượng đẹp hoàn hảo của tháp canh Ta-Dzong có từ thế kỷ 17 tại thành phố này, tài xế sẽ nhìn thấy những biển báo hiệu thơ mộng cảnh báo về sự nguy hiểm khi lái xe trong lúc say xỉn, một kiểu điển hình trong các biển hiệu đường xá ở Bhutan.
‘Sau khi uống whiskey, ngồi lái xe rất ghê’
Các biển hiệu thường viết bằng tiếng Anh và thỉnh thoảng cũng có cả tiếng Dzhongka, ngôn ngữ chính thức của người Bhutan. Những tấm bảng này có khi thiếu dấu câu, chúng được cố ý làm vậy với mục đích làm dễ nhớ, nhờ vào các cụm từ được biến đổi gọn gàng và có lẽ không lường trước được dưới ngòi bút của các quan chức.
‘Để lái xe đến nơi, chớ uống cồn chơi vơi’
Chỉ có 75.000 xe hơi ở đất nước có tổng số 750.000 dân, với kích cỡ nhỏ bằng Thụy Sỹ, đường sá hầu như luôn vắng người. Không có nhiều biển báo hiệu giao thông trên đường. Thủ đô Thimpu là nơi duy nhất có một cây đèn hiệu giao thông – chỉ trong 24 giờ. Sau đó cây đèn này được thay thế bằng một cảnh sát giao thông nổi tiếng điều hành giao thông bằng các động tác thú vị với đôi tay có đeo găng tay trắng trên giao lộ nơi nhiều con đường đông đúc nhất thành phố băng qua. Giờ thì bạn hiểu rồi đó.
Cùng với những cung đường núi luôn đầy gió, tốc độ là một trong những chủ đề thường được đề cập tới trên các bảng hiệu. Các kiểu biển hiệu vần điệu lại xuất hiện với những tấm bảng ghi “Lái xe nhanh thì gặp nạn nhanh” (Going faster will see disaster), hoặc những câu ít ghê rợn hơn như “Vào khúc quanh, chậm lại anh” (On the bend, go slow friend).
Các biển hiệu có thể sáo mòn một cách cực đoan, đặc biệt khi nhằm cảnh báo nguy cơ không ‘đi đến nơi về đến chốn’. “Cuộc đời là một chuyến đi, hãy đi cho hết” (Life is a journey, complete it), hoặc “Thời gian là tiền bạc, nhưng sự sống thì vô giá” (Time is money, but life is precious) nhằm nhắc nhở rằng mục đích cuối cùng là người lái xe phải về tới nơi an toàn.
Vần điệu có thể đạt tới đỉnh cao, ví dụ như tấm biển hiệu, “Đừng vội, bình tĩnh, thiên đường hết chỗ rồi” (Don’t hurry, be cool, since heaven is already full), nhưng thông điệp vẫn rất rõ ràng.
Dự án Dantak cũng có chút gì lãng mạn khi nhắc nhở tài xế về người thân yêu của họ để đảm bảo cánh tài xế tuân thủ vận tốc:
‘Nếu bạn đã kết hôn, hãy thôi chạy quá bon’
Có một vài biển hiệu ở khu vực xa xôi ở miền đông nam Bhutan đạt tới đỉnh cao của sự hài hước. Nơi này rõ ràng người ta không ai cần phải vội vàng gì, nếu điều đó có nghĩa là bạn sẽ đến nơi an toàn:
‘Người anh em, thà là kẻ trễ tràng, còn hơn làm kẻ lỡ làng’
và cũng có những biển hiệu khơi gợi sự tưởng tượng như thế này: “Người anh em, hãy nhẹ nhàng trên đường cong dịu dàng”.
‘Người anh em, hãy nhẹ nhàng trên đường cong dịu dàng’
Ở những nơi khác, đường từ Thimphu tới cố đô Punakha đi qua một trong những điểm dừng chân đẹp nhất thế giới trên Đèo Dochula, nơi dãy núi Jigme Singye Wangchuck Himalayan và công viên quốc gia kéo dài đến tận chân trời.
Nhưng tất cả các tài xế người Bhutan đều biết, “Núi non chỉ đẹp khi bạn lái xe thong dong”.
Những tấm bảng chỉ đường không chỉ báo hiệu an toàn trên hành trình, mà môi trường trong lành cũng là một trong những niềm hạnh phúc của Bhutan, với những biển hiệu viết: “Đừng xả rác, để đời bạn bớt tan tác” (Don’t litter, it will make your life bitter).
Thậm chí còn có tấm biển hiệu kín đáo thể hiện niềm tự hào với thành tựu của họ, như: “Đường phê, lái đê mê” (Smooth road for your smooth ride).
Trong nhiều năm, Tổ chức Đường sá Biên Giới đã xây dựng và bảo dưỡng đường sá ở nhiều quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Afghanistan, Myanmar và Sri Lanka. Ngày nay, hầu hết họ thuê công nhân địa phương, nhưng trong lịch sử, rất nhiều người Ấn Độ nhận lãnh công việc khó khăn và nguy hiểm này.
Tính cách hài hước của họ thách thức hoàn cảnh khó khăn thể hiện rõ ràng trên những biển hiệu đường xá hay ho, và trong cả sứ mệnh của họ:
“Chúng ta không thể quên những con đường trong vùng đất hiểm trở này, được xây lên không chỉ bằng xi măng và bê tông, mà còn bằng máu của những người công nhân từ Tổ chức Đường sá Biên Giới của Ấn Độ. Rất nhiều người đã thiệt mạng khi thực hiện nghĩa vụ theo dự án. Với họ, những người luôn đối mặt với hiểm nguy và cười trên cái chết, nhiệm vụ là điều quan trọng nhất.
Đó là sự hi sinh mà người dân Bhutan vẫn tiếp tục trân trọng và vinh danh hơn nửa thế kỷ qua, với thêm nhiều tiếng cười dọc theo những con đường.
Theo BBC travel
Có thể bạn muốn xem
Tình bạn là phương thuốc chữa lành thương tổn
“Đại sứ văn hóa đọc” từ làng quê
Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại
Ký ức về một thời lửa đạn qua những trang sách
Khi sách lậu được nâng cấp
Viện Nghiên cứu Hán Nôm thất lạc hơn 100 sách cổ
Hồ Sơ số 113
“Gia tài” lớn của nhà thơ Vũ Quần Phương
FPT bí lục – Khám phá văn hoá doanh nghiệp tại FPT